MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro nước Mỹ “vỡ nợ”, kịch bản đáng sợ mà chính phố Wall cũng không dám tính tới

08-03-2023 - 13:47 PM | Tài chính quốc tế

Rủi ro nước Mỹ “vỡ nợ”, kịch bản đáng sợ mà chính phố Wall cũng không dám tính tới

Hậu quả của việc nước Mỹ không thể đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công, dẫn tới việc không thanh toán kịp thời các hóa đơn đến hạn, đáng sợ tới mức mà nhiều nhà đầu tư phố Wall mặc định rằng nó sẽ không bao giờ xảy ra.

Viễn cảnh tồi tệ

Thông thường, tất cả các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế… đều tin rằng nước Mỹ sẽ tránh được tình trạng vỡ nợ vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trước mỗi cơn giông bão, biển thường rất lặng. Những sự việc từng xảy ra trong quá khứ đã chứng minh rằng khi mọi người đều đang rất tin vào một điều gì đó, kết quả rất có thể sẽ ngược lại. Những sự kiện gần đây nhất là cú sập của Lehman Brothers, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và sự lây lan toàn cầu của Covid-19.

Nguồn gốc của nỗi lo nước Mỹ vỡ nợ bắt nguồn từ các thủ tục rắc rối của Chính phủ Mỹ xen kẽ với mâu thuẫn đảng phái đang ngày càng gia tăng. Hiện tại, nợ công của Mỹ đã đạt đến giới hạn mà Quốc hội nước này đặt ra và trần nợ cần được nâng lên. Tuy nhiên, người Cộng hòa, vốn đang kiểm soát Hạ viện Mỹ, nói rằng đảng Dân chủ và Nhà Trắng cần có những nhượng bộ.

Bế tắc kiểu này không phải điều gì mới trên chính trường nước Mỹ. Và các nhà lập pháp chưa bao giờ thất bại trong việc nâng trần nợ công. Việc nâng trần được thực hiện ngay trước khi Bộ Tài chính Mỹ cạn tiền mặt để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của nước Mỹ.

Rủi ro nước Mỹ “vỡ nợ”, kịch bản đáng sợ mà chính phố Wall cũng không dám tính tới - Ảnh 1.

Tyler Cowen, nhà kinh tế của Đại học George Mason, cho biết: “Khi mà một điều gì đó không thể xảy ra trong một thời gian dài, hầu như mọi người sẽ lãng quên nó. Mọi người đều mặc định rằng nó không thể xảy ra, không bao giờ xảy ra, thậm chí còn không hề tồn tại trong ý niệm của họ”.

Và điều đó cũng đang đúng với thị trường tài chính Mỹ. Chẳng dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế tỏ ra lo lắng về nguy cơ các nhà lập pháp Mỹ không thể đạt được tiếng nói chung trong việc nâng trần nợ. Họ tin rằng hậu quả của nước Mỹ vỡ nợ sẽ là điều mà cả người Dân chủ và Cộng hòa đều không thể chấp nhận.

Tuy nhiên cái được gọi là X-date, ngày chính phủ Mỹ không thể thanh toán các hóa đơn đến hạn, chỉ còn cách hôm nay vài tháng. Trong khi đó, các cuộc đàm phán chính trị lần này đang căng thẳng và nguy hiểm hơn so với những lần trước.

Đối với người Mỹ, những người đang phải vật lộn với lãi suất cao, việc Chính phủ vỡ nợ sẽ đẩy chi phí đi vay với mọi thứ, từ thẻ tín dụng đến các khoản vay mua ô tô, tăng vọt. Thị trường chứng khoán cũng sẽ phải trả giá đắt. Đối đầu đảng phái về trận nợ năm 2011 đã kết thúc bằng một thỏa hiệp giúp tránh vỡ nợ nhưng cũng đủ khiến cho S&P 500 giảm tới 17%.

Tình hình năm nay có vẻ cũng rất căng thẳng. Tracy Chen, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management ở Philadelphia, cho biết: “Thị trường đang khá tự mãn. Các nhà đầu tư nên hết sức thận trọng bởi khoảng thời gian này liên quan chặt chẽ đến việc nâng trần nợ công. Đó sẽ là sự kiện có nguy cơ xảy ra biến cố lớn nhất trong năm nay”.

Trần nợ được Quốc hội đặt ra để giới hạn khả năng vay của Chính phủ Mỹ nhằm đáp ứng các cam kết của họ. Mỹ đã đạt tới trần nợ vào tháng 1 nhưng đến nay, Bộ Tài chính Mỹ vẫn có thể sự dụng các biện pháp kế toán đặc biệt để tiếp tục duy trì nghĩa vụ thanh toán.

Trong trường hợp nước Mỹ vỡ nợ, đây sẽ là cú sốc lớn nhất với hệ thống tài chính Mỹ kể từ cú sập của Lehman Brothers, gây ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái những năm 1930. Trong khi các cơ quan quản lý và nhà đầu tư học được một số bài học từ cuộc chiến nợ công năm 2011 – vốn kết thúc chỉ vài ngày trước khi nước Mỹ vỡ nợ, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong năm nay.

Mối nguy từ mâu thuẫn chính trị

Theo kế hoạch, khi ngày X xảy ra, Bộ Tài chính Mỹ có quyền ưu tiên thực hiện một số nghĩa vụ thanh toán so với các nghĩa vụ khác. Robert Toomey, giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán, cho biết: “Chúng tôi đã tập nhiều kịch bản nhưng chưa bao giờ thực sự thử nghiệm. Tác động của việc nước Mỹ vỡ nợ là điều chưa ai từng trải qua. Chúng tôi tin rằng niềm tin và uy tín cực cao của Chính phủ Mỹ không nên bị tổn hại”.

Trong khi đó, việc ưu tiên trả nợ cho các nhà đầu tư giàu có, những thực thể nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ nhưng lại hoãn vô thời hạn các khoản thanh toán cho hàng triệu nhân viên liên bang, nhà thầu, quân nhân và những người hưởng an sinh xã hội… sẽ là điều mà Chính quyền Tổng thống Joe Biden không muốn xảy ra. Và nó cũng sẽ đẩy niềm tin của các nhà đầu tư với trái phiếu chính phủ Mỹ tụt xuống mức rất thấp.

Rủi ro nước Mỹ “vỡ nợ”, kịch bản đáng sợ mà chính phố Wall cũng không dám tính tới - Ảnh 2.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cũng đã phát đi cảnh báo hôm 6/3: “Không ai nên tin rằng FED có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi hậu quả của việc không hành động kịp thời với trần nợ”. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 7/3, chủ tịch FED tiếp tục nhấn mạnh bất cứ thất bại nào của Quốc hội Mỹ trong việc nâng trần nợ công có thể gây ra những hậu quả “cực kỳ bất lợi” cùng “tổn hại lâu dài” với nước Mỹ.

Trong lần này, người Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ tuyên bố giữ vững lập trường và quyết tâm không thỏa hiệp. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và những người Dân chủ luôn cáo buộc những người Cộng hòa đang cực đoan và gây bất ổn khi đe dọa không nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của nước Mỹ. Tuy nhiên, chưa bên nào tỏ thái độ muốn nhượng bộ.

Trong khi đó, những người bảo thủ của đảng Cộng hòa muốn sử dụng cuộc tranh luận về trần nợ để tạo ra lợi thế quan trọng trước cuộc bầu cử năm 2024. Họ muốn gắn những người Dân chủ với những cáo buộc chi tiêu lãng phí và gây ra lạm phát. Họ cần điều gì đó kịch tính bởi chỉ có 3% người Mỹ coi nợ liên bang hoặc thâm hụt ngân sách là vấn đề cấp bách với nước Mỹ, thấp hơn nhiều so với con số 17% vào năm 2011.

Tại Nhà Trắng, ông Biden đang bám sát những bài học từ cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011. Nhiều người Dân chủ cho rằng thỏa thuận cuối cùng đã làm suy yếu khả năng phục hồi của nước Mỹ sau cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính vì thế, họ có thể ít chấp nhận nhượng bộ trong thời gian này.

Chính bởi vậy, mối nguy nước Mỹ vỡ nợ, vốn được coi là điều không thể xảy ra, lại đang trở thành nỗi ám ảnh không thể bỏ qua.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên