MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro từ đòn bẩy tài chính khi lướt sóng BĐS hậu dịch COVID-19

08-10-2020 - 14:01 PM | Bất động sản

Cả khách hàng và chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) đang sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ. Vào thời điểm khó khăn do áp lực tài chính, có thể buộc họ phải bán bớt các khoản đầu tư của mình.

Giá nhà đất tăng 20%

Theo báo cáo thị trường quý 3 của Jones Lang LaSalle (JLL), so với mức giá chào bán sơ cấp của cùng kỳ năm trước, giá căn hộ tại Sài Gòn vẫn trong xu hướng đi lên mạnh mẽ. Trong 3 tháng qua, các dự án nhà chung cư chào bán ra thị trường sơ cấp ghi nhận mức giá trung bình 2.423 USD/m2, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao hơn biên độ trung bình của thị trường căn hộ phía Nam 5 năm qua.

Rủi ro từ đòn bẩy tài chính khi lướt sóng BĐS hậu dịch COVID-19  - Ảnh 1.

Bất chấp dịch COVID-19, giá nhà đất vẫn tăng mạnh mẽ.

Trong vòng 3 tháng qua, 4.968 căn được chào bán tại TPHCM, tương ứng với mức tăng 30% theo quí và hơn một nửa nguồn cung này đến từ dự án ở quận 9. Tuy nhiên chỉ có 4 dự án có thể ký hợp đồng mua bán trong quý 3, đây là một trong những mức thấp nhất trong lịch sử. Điều này cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung gây ra bởi những vướng mắc pháp lý còn tồn đọng.

Tương tự, báo cáo thị trường bất động sản TPHCM quý 3 của CBRE Việt Nam thị trường căn hộ trong 3 tháng gần đây không có nguồn cung mới ở phân khúc trung cấp giá dưới 46 triệu đồng/m2, khiến thị trường nhà thứ cấp trở nên sôi động hơn.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam cho biết, trong khi thị trường căn hộ sơ cấp có tình trạng sụt giảm nguồn cung và giá mở bán vẫn tăng 6% theo năm. Hiện nay hầu hết khách hàng bị ảnh hưởng khá lớn do dịch COVID-19 nên họ quan tâm hơn về giá, phương thức thanh toán cũng như sự hỗ trợ của ngân hàng.

Còn báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chỉ ra, mức tăng giá bất động sản trong quý 3/2020 tại TPHCM từ 15-20% so với quý trước, Hà Nội cũng tăng 3-5%. Nguy cơ bong bóng bất động sản đang được đặt ra không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.

Cụ thể, theo báo cáo của VARS, tại Hà Nội giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3-5%, so với quý trước vì mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán. Có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Giá đất nền ở Hà Nội do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên cũng tăng mạnh.

Tại TPHCM, giá bán căn hộ trong quý 3 còn tăng mạnh hơn, từ 15-20% so với quý 2 đã tạo nên cơn sốt nhỏ trên thị trường do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao. Cũng do khan hiếm nguồn hàng, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền nên tại các huyện ven đô có sự tăng giá mạnh như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi... với mức dao động từ 30-50 triệu đồng/m2, tăng từ 10-15% so với quý trước.

Rủi ro từ vay nợ

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE nhận định, do số lượng dự án bàn giao và hoàn thiện ngày càng tăng, cùng với dịch COVID-19 kéo dài có thể dẫn đến tình trạng bán lại các sản phẩm thứ cấp.

Rủi ro từ đòn bẩy tài chính khi lướt sóng BĐS hậu dịch COVID-19  - Ảnh 2.
Giá bất động sản đang đối mặt với nhiều áp lực và khuyến cáo người mua phải xác định đầu tư dài hạn, không nên mua để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

“Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại cho giới đầu tư đã mua sản phẩm của các dự án mới ở các khu vực “hot” của thị trường, đặc biệt là nhóm đầu cơ lướt sóng. Đây là nhóm sử dụng đòn bẩy ngân hàng lớn, vào thời điểm khó khăn áp lực tài chính cao có thể buộc họ phải bán bớt các khoản đầu tư của mình”, bà Thanh phân tích.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá bất động sản đang đối mặt với nhiều áp lực và khuyến cáo người mua phải xác định đầu tư dài hạn, không nên mua để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Đặc biệt là những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính có nguồn vốn tự có thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 20% giá trị căn hộ. Mặc dù ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng phải tính đến khả năng trả nợ với tỷ lệ an toàn so với giá trị căn hộ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận xét, giá bất động sản hiện nay quá cao so với sức tiêu thụ của đại bộ phận người dân. Trong khi TPHCM gần như không có nhà dưới 30 triệu đồng/m2 thì các thành phố lớn khác, giá căn hộ khoảng 25 triệu đồng/m2 cũng khó kiếm. Người bình dân hiện nay mất cơ hội mua nhà khi các chủ đầu tư liên tục đẩy giá do nguồn cung khan hiếm.

“Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng. Đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mại và tặng quà giá trị lớn. Giá đất đai ở những địa phương trước đây phát triển nóng, nhanh dẫn đến đẩy giá đất tăng mạnh, nhiều nơi vượt ngưỡng giá trị thật của thị trường. Trong giai đoạn vừa qua hầu hết phải điều chỉnh cho phù hợp, để lôi kéo lực cầu thị trường trở lại”, ông Đính nói.

Theo Duy Quang

Tiền phong

Trở lên trên