MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rùng mình 'lò mổ' thẩm mỹ chui

08-03-2021 - 11:23 AM | Thị trường

Cơ sở làm đẹp Comeback Beauty núp bóng quán cà phê để mổ “chui”. Ảnh: Sở Y tế TPHCM

Cơ sở làm đẹp Comeback Beauty núp bóng quán cà phê để mổ “chui”. Ảnh: Sở Y tế TPHCM

Những “lò mổ” thẩm mỹ nhiều không: không giấy phép hành nghề, không đảm bảo vô trùng, bác sĩ không chứng chỉ, không giấy phép kinh doanh… vẫn nhan nhản hoạt động, vô tư nhận bệnh nhân vào “mổ” vô tội vạ.

Trá hình

Không khó để tìm những spa kiêm dịch vụ thẩm mỹ “chui” trên các trang mạng xã hội, Zalo, Facebook… ở TPHCM. Trong vai một khách hàng có nhu cầu làm đẹp, chúng tôi vào fanpage của Thẩm mỹ viện (TMV) N.R (Q.3, TPHCM) tham khảo. Hầu như bộ phận nào trên cơ thể muốn đẹp, TMV này đều đáp ứng, từ xăm mắt, phun môi, tiêm filler (chất làm đầy) đến nâng mũi, bơm mông, nâng ngực...

Dù căn phòng ghi dòng chữ “Phòng phẫu thuật” nhưng đặt những chiếc giường cạnh nhau. Giường này bệnh nhân đang được “mổ”, giường bên cạnh nhân viên vô tư cười đùa, livestream với khách hàng chuẩn bị làm đẹp.

Một spa khác có tên C. Beauty & Clinic (H.Hóc Môn, TPHCM) dù hình ảnh trưng ra là khách đến gội đầu, sơn móng tay nhưng trưng luôn hẳn bảng giá tiêm filler, tiêm mỡ, botox với giá từ 3 triệu đồng.

Ngày 6/3, đoàn kiểm tra Sở Y tế TPHCM cùng các ban ngành kiểm tra đột xuất cơ sở thẩm mỹ “View Plastic Surgery” tại số 228 Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1, TPHCM). Tầng 1 của cơ sở này là “phòng hậu phẫu - hồi sức”, bên trong phòng có 1 thùng rác chứa rác y tế đã qua sử dụng. Tầng 2 là “phòng phun xăm thẩm mỹ”. Tầng 3 là “phòng tiểu phẫu” có trang bị đèn phẫu thuật, giường phẫu thuật, tủ thuốc cấp cứu… Đoàn kiểm tra phát hiện một túi ni lông đựng rác thải y tế (kim tiêm, gạc y tế dính máu, găng tay, dây dịch truyền, chai dịch truyền… đã qua sử dụng). Tầng 4 cũng là phòng tiểu phẫu có trang bị giường, đèn tiểu phẫu, tủ thuốc cấp cứu… Đại diện cơ sở, bà Ngô Thị Thúy Nhàn xuất trình Giấy đăng ký kinh doanh do UBND Q.1 cấp ngày 7/12/2020 nhưng không xuất trình được Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hoạt động theo quy định của luật Khám, chữa bệnh.

Cùng thời điểm, ngành chức năng đột kích vào cơ sở có tên là “Phòng khám đa khoa Thái Việt” tại địa chỉ 165 Nguyễn Văn Cừ (P.2, Q.5, TPHCM). Thấy bị kiểm tra, 2 người Trung Quốc mặc áo blouse vội vã bỏ phòng khám. Tại tầng 4, đoàn kiểm tra phát hiện có 4 bệnh nhân đang được truyền dịch và 1 bệnh nhân đang được chiếu đèn bộ phận sinh dục để cắt bao quy đầu, nhưng bệnh nhân không rõ bác sĩ điều trị là ai khi được hỏi. Cơ sở này cũng không trưng ra được bất cứ giấy tờ nào liên quan.

Trước đó, cơ sở thẩm mỹ “3 không” tại địa chỉ 783 Trần Hưng Đạo (P.1, Q.5, TPHCM) có tên “Comeback Beauty” cũng bị phanh phui. Để qua mặt cơ quan chức năng, cơ sở này đặt ở lầu 1 của toà nhà, tầng trệt là hộ kinh doanh cà phê Nhã.

Bên trong “lò mổ” thẩm mỹ này có 2 phòng. Phòng thứ nhất có biển hiệu “Phòng tiểu phẫu thẩm mỹ cô bé” với giường tiểu phẫu, đèn tiểu phẫu, ghế ngồi tiểu phẫu, máy móc, thuốc, trang thiết bị y tế… Đoàn kiểm tra phát hiện trên giường tiểu phẫu còn có 1 mẫu mô đã khô. Riêng phòng thứ hai có biển hiệu “phòng triệt lông Spa” có 2 máy tên là “OPT SHR-Q818” và “Cool & Hot Facial Atomizer”, ngoài ra còn có các sản phẩm mỹ phẩm, thuốc, dụng cụ và trang thiết bị y tế… Dù không trưng ra được bất kỳ giấy phép nào nhưng Comeback Beauty quảng cáo rầm rộ, đăng tải các dịch vụ thẩm mỹ về y tế như: tiêm filler, thẩm mỹ cô bé… nhiều chị em kéo nhau đến đây làm đẹp.

Vì sao khó dẹp?

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, mặc dù tháng nào ngành chức năng cũng kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh làm đẹp, spa nhưng dường như các mức xử phạt quá thấp không đủ mức răn đe, cho nên các nơi này vẫn vô tư vi phạm, chấp nhận nộp phạt để tiếp tục hoạt động.

Theo luật sư Tâm, dịch vụ TMV, spa do Phòng Kinh tế - Tài chính UBND các quận, huyện cấp phép, giao cho cấp phường quản lý, nhưng trên thực tế, việc kiểm tra, phát hiện vi phạm của cấp phường như “mò kim đáy biển”. Nhìn từ các ca tai biến y khoa do làm đẹp ở những cơ sở “chui” vừa qua có thể thấy, công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng. Nhiều cơ sở hoạt động công khai trên mạng, khách hàng tấp nập từ các nơi đến làm đẹp nhưng địa phương được giao quản lý lại không biết, khi hậu quả xảy ra thì chính quyền mới hay.

TS.BS Nguyễn Thanh Vân, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho rằng, hiện việc xử lý những sai phạm trong hoạt động thẩm mỹ còn nhẹ tay, nếu không muốn nói quá dễ dãi khiến cho những người này “lờn thuốc” và liên tục sai phạm.

Theo BS Vân, hiện nhiều người không có chuyên môn, thậm chí chỉ là những tay ngang đi học thẩm mỹ rồi dạy thẩm mỹ, phẫu thuật thẩm mỹ. Một số là bác sĩ nhưng không phải chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ cũng phẫu thuật thẩm mỹ; bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ thì hoạt động quá chức năng…. Từ đó, đã gây ra những tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ. Do đó, các ngành chức năng cần phải chấn chỉnh lại một cách nghiêm túc hơn tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ chui. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm đối với những cơ sở thẩm mỹ chui, nhất là phải xử lý hình sự.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên