Rùng mình với những “kho bom” trong khu dân cư
Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ ở các điểm thu mua phế liệu còn quá lỏng lẻo. Người thu mua còn quá chủ quan, coi thường tính mạng của chính mình và người khác, tàng trữ trái phép bom, đạn có nguy cơ gây nổ cao.
- 03-01-2018Khởi tố, bắt tạm giam chủ kho phế liệu để xảy ra vụ nổ ở Bắc Ninh
- 03-01-2018Nhân chứng vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh: "Trần nhà đổ ào xuống, cả nhà ôm nhau bỏ chạy"
- 08-08-2016Cháy kho phế liệu, thiệt hại gần 2 tỉ đồng
Ngôi làng “sống trên bom” là cụm từ được nhiều người hình dung khi nói về vụ nổ ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) làm 2 trẻ em bị chết và 8 người bị thương. Điều đáng nói là sau tai nạn kinh hoàng thì sự thật về làng thu mua phế liệu này mới được phơi bày - cơ quan chức năng thu lượm được 3,2 tấn đầu đạn.
Những “quả bom” nằm trong dân
Sau vụ cưa bom ở Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội), gây rúng động trong mấy ngày qua là vụ nổ nghiêm trọng tại điểm thu mua phế liệu của Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, trú tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Theo lời khai của Tiến thì ông ta mua 7 tấn đầu đạn cũ 12 ly 7 và 14 ly 5 về tháo dỡ phế liệu. Số đầu đạn trên được tập kết ở vườn và sau đó phát nổ. Không những thế, tại nhiều điểm thu mua phế liệu ở đây, cơ quan chức năng đã thu được 3,2 tấn đầu đạn, một con số rùng mình. Mua đầu đạn về tháo dỡ, mua bom về cưa là những việc làm cực kỳ nguy hiểm của một số chủ vựa phế liệu. Và hậu quả nghiêm trọng của việc coi thường tính mạng này đã xảy ra.
Vụ nổ tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) khiến nhiều ngôi nhà xung quanh bị phá hủy và hư hại hoàn toàn. Ảnh: TTXVN
Mặc dù sau vụ cưa bom ở Hà Đông, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu siết lại công tác quản lý tại những điểm thu mua đồng nát, phế liệu. Nhưng công tác kiểm tra, xử lý chỉ được thời gian đầu, sau đó dần buông lỏng. Điển hình là một xã “sống trên bom” như Văn Môn mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý lại không hay biết.
Trên cả nước hiện có rất nhiều điểm thu mua phế liệu trong khu dân cư. Việc thu gom phế liệu, bom, mìn, đầu đạn về cưa, khò và “mổ xẻ” diễn ra rất nhiều, đặc biệt là khu vực miền Trung.
Thượng tá Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, thực tế đã có nhiều vụ cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu, tuy nhiên hiện lại chưa có quy định nào điều chỉnh buộc họ phải đăng ký kinh doanh để quản lý.
Do vậy, biện pháp tốt nhất vẫn là tuyên truyền để người kinh doanh không vi phạm vào điều cấm. Mặc dù tuyên truyền và có những vụ việc nhãn tiền, nhưng người kinh doanh vẫn bất chấp nguy hiểm thu mua và tháo dỡ đầu đạn, bom mìn…
Làng nghề truyền thống thu gom sắt vụn để nấu thép ở khu dân cư Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) hiện đã được thu gom vào cụm công nghiệp. Nhưng khi tới đây, chúng tôi vẫn không khỏi lo ngại bởi trong đống phế liệu thu gom, ai dám bảo đảm không xảy ra cháy nổ. Xếp ở ven khu dân cư là những bình sắt chứa khí hoen gỉ được tập kết bên cạnh những bình gas đang sử dụng.
Công việc hàn xì diễn ra ở gần đó, chỉ cần một tia lửa hàn bắn lại cũng có thể gây nguy hiểm. Dùng bình ô xy hoặc Acetylen để hàn cắt kim loại vẫn thường được sử dụng, những bình khí đó có áp suất lớn, dễ gây nổ nếu không sử dụng đúng cách và đảm bảo an toàn.
Một người dân sống ở ngõ 34 Hoàng Cầu (Hà Nội) lo lắng cho biết, khu vực này có nhiều người dân đến thuê nhà tạm để kinh doanh phế liệu. Không chỉ có những thứ dễ gây cháy, người kinh doanh có thu mua tàng trữ bom mìn hay dụng cụ dễ phát nổ nào không thì không ai biết được.
Do vậy, người dân nơm nớp lo sợ xảy ra hỏa họa hay cháy nổ. Theo Phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) thì công tác quản lý nghề kinh doanh phế liệu còn nhiều bất cập và sơ hở.
Việc tuyên truyền vẫn làm thường xuyên người dân có thể biết về việc cấm buôn bán, kinh doanh, cưa cắt vật là bom, vũ khí, vật liệu nổ nhưng vẫn cố tình làm. Thậm chí một số cơ sở mua cả những bình gas cũ, họ tưởng gas đã hết nhưng có khi nó vẫn còn sót. Đây là một hiểm họa khi bình gas này thường cũ nát, hoen gỉ, dễ rò rỉ khí gas và có thể gây cháy nổ.
Tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ phải có hội đồng
Liên quan quy trình về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí hay vật liệu nổ, theo Luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An, Hà Nội, những nội dung này đều đã được quy định chi tiết tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất trong trường hợp không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được.
Cảnh tan hoang sau vụ nổ.
Việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Việc vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom được phải sử dụng phương tiện chuyên dùng hoặc các phương tiện khác nhưng phải bảo đảm an toàn. Việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được tiến hành thường xuyên và thông qua các đợt vận động.
Cũng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, việc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ phải có hội đồng. Trình tự, thủ tục tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau: Sau khi có quyết định tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cơ quan quân sự, cơ quan Công an cấp huyện, đơn vị Quân đội cấp Trung đoàn trở lên phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy.
Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm: Đại diện cơ quan tiêu hủy là Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng. Phương án tiêu hủy phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra lại hiện trường, bảo đảm tất cả vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.
Bị can Nguyễn Văn Tiến sẽ phải đối mặt với hình phạt nào?
Trao đổi với PV Báo CAND, Luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Bình An cho biết, với việc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố theo Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”, bị can Nguyễn Văn Tiến sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 304: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: c- làm chết người”.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vụ nổ ở xã Văn Môn đã làm 02 người chết. Với tình tiết này, cơ quan Cảnh sát điều tra đã đủ điều kiện để khởi tố ông Tiến theo Điểm a, Khoản 3, Điều 304 với khung hình phạt từ 10 năm đến 15 năm “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a. Làm chết 02 người;”
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng có căn cứ xác định số người thiệt mạng lớn hơn 2 người hoặc thiệt hại về tài sản trong vụ nổ trên 1,5 tỷ đồng thì ông Tiến có thể bị truy tố ở khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù hoặc chung thân theo Khoản 4, Điều 304 “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3.001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên; b) Làm chết 03 người trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên…”
Ngoài ra hình phạt trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm theo Khoản 5, Điều 304 và bồi thường thiêt hại theo quy định tại Điều 589, 590, 591 của Bộ luật Dân sự 2015, Luật sư Lê Văn Quý cho biết thêm.
Công an nhân dân