MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rút giấy phép cà phê đường tàu, có cần xem xét trách nhiệm của người cấp phép?

16-09-2022 - 10:41 AM | Xã hội

Cùng với việc lập barie ngăn khách đến cà phê đường tàu, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng khẳng định sẽ thu hồi giấy phép các hộ kinh doanh tại đây, sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng gây mất an toàn hành lang đường sắt.

Điều khiến dư luận băn khoăn là, nếu quả thực các hộ kinh doanh này có giấy phép, thì ai đã cấp phép kinh doanh trong hành lang an toàn đường sắt? Cần xem xét trách nhiệm của người đã cấp phép ra sao?

PV VOV Giao thông đối thoại với Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) và ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nội dung này.

PV: Thưa ông, cà phê đường tàu kinh doanh tại hộ gia đình, theo quy định do ai cấp phép?

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật, các trường hợp kinh doanh chia làm 2 nhóm: các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể.

Việc cấp giấy phép kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể sẽ do Phòng Kinh tế của UBND cấp quận là cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

PV: Họ có đủ điều kiện cấp phép không khi nhà ở nằm bên trong hành lang đường sắt?

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Nghị định 56/2018 của Chính phủ quy định về hành lang đường sắt. Đối với đường sắt tốc độ cao trong đô thị là 5m, ngoài đô thị là 15m; với đường sắt không phải tốc độ cao thì hành lang quy định là 3m.

Như vậy với trường hợp xây dựng hoặc kinh doanh trong hành lang đường sắt là hành vi vi phạm pháp luật.

Rút giấy phép cà phê đường tàu, có cần xem xét trách nhiệm của người cấp phép? - Ảnh 1.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018 khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua - Ảnh Phúc Tài

PV: Vậy, nếu dẹp cà phê đường tàu mà quả thực có giấy phép thì có cần xem xét trách nhiệm của người đã cấp phép ra sao?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét đối với giấy chứng nhận cấp phép kinh doanh với các quán cafe này mà xác định là các giấy này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì trước hết phải xác định các trường hợp này thuộc trường hợp được phép thu hồi.

Trong trường hợp thu hồi do cấp sai thì có phần trách nhiệm của cán bộ, cơ quan cấp phép. Cấp sai như vậy ảnh hưởng đến an toàn đường sắt, có thể gây ra các vụ tai nạn thì trách nhiệm không hề nhỏ.

Rút giấy phép cà phê đường tàu, có cần xem xét trách nhiệm của người cấp phép? - Ảnh 2.

Sáng 15/9/2022, Các lực lượng của UBND phường Hàng Bông phối hợp cùng lực lượng công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ra quân rào chắn và lập chốt ở phía đầu vào khu vực cà phê đường Tàu nhằm ngăn chặn và nhắc nhở du khách, người dân không vào chụp ảnh - Ảnh Phúc Tài

Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm của công chức vi phạm quy định về quản lý hành chính, vi phạm quy định quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Tùy vào hậu quả cụ thể, yếu tố lỗi và động cơ để có thể xem xét kỷ luật, xử phạt hành chính.

Nếu có hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự vì thiếu hậu quả gây hậu quả nghiêm trọng hoặc lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ.

Tôi cho rằng, ở đây cơ quan chức năng phải kiểm tra với từng giấy phép để xem điều kiện khi xem cấp phép, cơ quan cấp phép có đúng thẩm quyền, trình tự, căn cứ hay không, từ đó xác định có sai hay không, ai là người sai, sai ở đâu. Trên cơ sở đó mới có thể áp dụng được các chế tài.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Trao đổi với phóng viên VOV Giao thông về vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, chính quyền địa phương có vai trò và trách nhiệm xử lý các vi phạm an toàn hành lang an toàn đường sắt.

Tuy nhiên, cà phê đường tàu đã từng bị dẹp mà tới nay lại hoạt động trở lại, cho thấy chính quyền địa phương cần giải pháp xử lý nhất quán và quyết liệt: "Với quyết tâm của chính quyền thì sẽ ổn định hành lang an toàn giao thông đường sắt, khách du lịch đến đây cũng phải chấp hành Luật Giao thông.

Có thể mình nhún nhường, dĩ hòa vi quý nên tình hình chưa giải quyết được, còn động viên người dân chấp hành các quy định của pháp luật tại nơi có điểm du lịch sẽ tốt hơn.

Mình xử lý nghiêm nhưng phải đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính mạng, tài sản, an toàn cho người dân".

Theo Nguyễn Yên

VOV Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên