Rút khỏi thỏa thuận quốc tế: Mỹ thách thức trật tự thế giới
Với việc rút khỏi 2 thỏa thuận quốc tế mới nhất, chính quyền Mỹ tiếp tục thách thức trật tự thế giới vốn đã được định hình từ lâu.
Hôm qua (3/10), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút ra khỏi 2 thỏa thuận quốc tế, sau một thời gian bị chính phủ Iran và Palestine đệ đơn kiện Mỹ lên Tòa Công lý quốc tế về những chính sách bị coi là “thù địch” của Washington đối với 2 quốc gia này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút ra khỏi 2 thỏa thuận quốc tế. Ảnh: The Independent.
Với việc rút khỏi Hiệp ước thân thiện, Quan hệ kinh tế, Quyền lãnh sự với Iran được ký vào năm 1955 và Nghị định thư không bắt buộc về giải quyết tranh chấp theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961, Chính quyền Mỹ đã nối dài danh sách các hiệp ước, thỏa thuận và tổ chức quốc tế mà nước này rút khỏi, tiếp tục thách thức nghiêm trọng tới trật tự thế giới vốn đã được định hình từ lâu.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã chỉ trích Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) - Tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc khi cho rằng cơ quan này đã “bị chính trị hóa và thiếu đi tính hiệu quả”. Ông John Bolton cho biết, với những diễn biến gần đây liên quan đến Palestine và Iran, Tổng thống Mỹ đã quyết định sẽ rút khỏi Nghị định thư không bắt buộc về giải quyết tranh chấp của Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 và sẽ xem xét lại toàn bộ các thỏa thuận quốc tế vốn buộc nước này phải liên quan đến các quyết định mang tính ràng buộc của Tòa Công lý Quốc tế.
“Tổng thống đã quyết định rằng Mỹ sẽ rút khỏi Nghị định thư không bắt buộc về giải quyết tranh chấp của Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao. Điều này liên quan đến vụ việc cái được gọi là Nhà nước Palestine đã đặt Mỹ vào vị trí bị cáo, thách thức việc di chuyển đại sứ quán của chúng tôi từ Tel Aviv đến Jerusalem. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Mỹ vẫn là một bên của Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao và chúng tôi hy vọng tất cả các bên khác tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của họ theo Công ước”, ông John Bolton nói.
Tuyên bố của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ được đưa ra sau vài giờ đồng hồ khi Tòa Công lý Quốc tế yêu cầu Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, để không gây ảnh hưởng đến hàng hóa phục vụ đời sống của con người hoặc an toàn hàng không dân dụng. Trong phán quyết sơ bộ, Tòa Công lý Quốc tế cho rằng Washington cần dỡ mọi lệnh cấm được đưa ra đối với việc xuất khẩu thuốc men, thiết bị y tế, thực phẩm, hàng hóa nông nghiệp và thiết bị, phụ tùng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hàng không.
Theo Tòa Công lý Quốc tế, các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng hóa phục vụ nhu cầu con người “có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên lãnh thổ Iran”, trong khi các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế nhập khẩu phụ tùng, thiết bị máy bay cũng có thể “gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không dân dụng ở Iran và tính mạng của hành khách”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã chỉ trích Iran lợi dụng cơ chế tài phán quốc tế để né lệnh trừng phạt cũng như gây tổn hại cho Mỹ, đồng thời cho biết Washington sẽ hủy bỏ hiệp ước thân thiện đã ký với Iran vào năm 1955.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cáo buộc phía Iran đã vi phạm hiệp ước trên trong nhiều năm qua và Mỹ đang xem xét các tác động thực tế khi rút khỏi hiệp ước này. Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, Tòa Công lý Quốc tế không có thẩm quyền xét xử vụ việc và cũng không có chế tài cưỡng chế các quốc gia liên quan thi hành phán quyết của mình.
Phản ứng đầu tiên trước việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự ký với Iran, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã gọi chính quyền Mỹ là một chế độ “không luật pháp”.
Như vậy, trong gần 2 năm nắm quyền lãnh đạo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút ra khỏi nhiều thỏa thuận, hiệp ước và tổ chức quốc tế như: thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định Paris về khí hậu, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC)...Với việc tiếp tục rút khỏi các thỏa thuận, hiệp ước quốc tế ngày hôm qua, những ý định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc thách thức trật tự thế giới đã trở nên rõ ràng hơn. Sự không hài lòng của Tổng thống Mỹ với trật tự này cũng được thể hiện một cách công khai hơn.
VOV