Rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội cần đồng bộ với các chính sách khác
Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là bài toán cần được sửa đổi một cách đồng bộ đi kèm với các chính sách khác, nếu không có thể tạo ra những bất cập...
- 27-04-2021Nên rút thời hạn đóng bảo hiểm xã hội còn 10-15 năm?
- 23-04-2021Rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội: Các chuyên gia cảnh báo gì?
- 18-04-2021Đề xuất giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu xuống 15 năm
Xung quanh đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bài toán cần được sửa đổi một cách đồng bộ đi kèm với các chính sách khác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc giảm thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm là hợp lý. Quy định hiện hành về số năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội 20 năm còn cao, gây khó khăn cho người lao động nếu muốn hưởng mức lương hưu tối thiểu.
Mặc dù vậy, theo ông Quảng, khi rút ngắn số năm tham gia bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức hưởng khi về hưu của người lao động. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán đến các yếu tố đi kèm để người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thấp bị trừ tỷ lệ phần trăm ít nhất. Đặc biệt trong bối cảnh người lao động về hưu trước tuổi, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nhất để khi về hưu có mức lương đủ sống ở mức tối thiểu.
Chính sách cần sửa đổi đồng bộ, nếu chỉ sửa đổi mỗi quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ tạo ra những bất cập.
“Bài toán này cần được sửa đổi một cách đồng bộ đi kèm với các chính sách khác. Cần tạo ra nhiều tầng bảo hiểm để đa dạng, đa tầng chính sách an sinh. Do đó, chính sách cần sửa đổi đồng bộ, nếu chỉ sửa đổi mỗi quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ tạo ra những bất cập”, ông Quảng cho hay.
Bày tỏ quan điểm về đề xuất này, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, mục tiêu giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, hướng tới 10 năm thực chất là để cho những lao động tham gia thị trường lao động ở lứa tuổi muộn hơn, khoảng 45 – 50 tuổi được đóng bảo hiểm xã hội, khi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu.
Quy định này cũng có tác dụng đối với những người trẻ tham gia bảo hiểm xã hội được 10 – 15 năm, nếu thay đổi việc làm thì giữ lại số năm đóng đến khi nghỉ được lĩnh lương hưu.
Trong khi đó, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, việc rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội là sự linh hoạt trong hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng điều quan trọng là cơ quan soạn thảo cần tính toán kỹ mức hưởng sau này bao nhiêu, bởi khi mức sống tăng lên nhưng mức hưởng không đủ mức sống tối thiểu thì Nhà nước lại phải đứng ra hỗ trợ. Tiền hỗ trợ cho người có lương hưu thấp lại lấy từ thuế, thuế được thu từ người có thu nhập như vậy sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn.
Bên cạnh đó, theo ông Long người lao động cũng nên cân nhắc khi quyết định nghỉ hưu với số năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu vì mức hưởng sau này có đủ sống hay không chưa thể biết trước được do còn tùy thuộc vào các yếu tố lạm phát.
Vneconomy