Sa Pa đang bị “băm nát” vì... quy hoạch
Sa Pa hiện giống như một “đại công trường” bởi nơi đây đang có nhiều dự án thi công khách sạn, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng. Vẻ hoang sơ, thơ mộng với nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc của một thị trấn quanh năm mây mù dường như đã đánh mất...
- 15-04-2017Nhà đất Sapa tăng giá, cơ hội cho các nhà đầu tư
- 28-03-2017Lộ diện doanh nghiệp BĐS tầm cỡ đứng sau dự án BĐS nghỉ dưỡng núi nghìn tỷ tại Sapa
- 01-10-2016Quy hoạch Sapa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế
Trong ấn tượng của nhiều người, Sa Pa là một thị trấn du lịch mờ sương với nét đẹp cổ kính, rêu phong, hoang sơ. Nhưng khi trở lại Sa Pa vào năm 2017, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay đến chóng mặt. Vẻ đẹp chỉ riêng có của một Sa Pa mộng mơ dường như không còn nữa, thay vào đó là những công trình và dự án xây dựng ngổn ngang với đủ loại kiến trúc pha tạp đã làm mất đi vẻ đẹp lãng mạn đã ăn sâu vào tâm trí của bao người. Người ta đặt câu hỏi, liệu quy hoạch có đang “băm nát” một Sa Pa nổi tiếng hay không?
Sa Pa hiện giống như một “đại công trường” bởi nơi đây đang có nhiều dự án thi công khách sạn, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng. Vẻ hoang sơ, thơ mộng với nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc của một thị trấn quanh năm mây mù dường như đã đánh mất. Đường phố Sa Pa gần như bị “băm nát” bởi sự quá tải của phương tiện và con người. Dọc ven bờ hồ Sa Pa đến chợ Văn hóa xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà cầy xới khiến con đường trở lên lầy lội. Bên đường đi rác thải vứt bừa bãi.
Con đường ngay trung tâm thị trấn Sa Pa đầy ổ gà.
Dự án Chợ Văn hóa và Bến xe khách Sa Pa kéo dài 12 năm chưa xong khiến khu đất xây dựng bến xe cỏ dại mọc hoang hóa. Hàng loạt dự án đang xây dựng đã tạo cho cảnh quan, môi trường của một Sa Pa thơ mộng như một “đại công trường” bụi và ô nhiễm.
Theo ông Đinh Tuấn Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế đô thị huyện Sa Pa thì sở dĩ Sa Pa giống “đại công trường” là theo quy hoạch chung Sa Pa năm 2012 và năm 2016 phê duyệt điều chỉnh địa giới hành chính thì tổng diện tích được quy hoạch của Sa Pa đã tăng lên gấp đôi là 5.525ha, trong đó bao gồm toàn bộ thị trấn Sa Pa, một phần xã Lao Chải, Sa Pả, San Sả Hồ nhằm hướng tới năm 2020 mở rộng Sa Pa lên đô thị loại 3.
“Toàn bộ quy hoạch này được xác định là quy hoạch chung đô thị du lịch để xây dựng Sa Pa thành đô thị du lịch cấp quốc gia. Tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng triển khai phương án nghiên cứu quy hoạch phân khu. Hiện đã phê duyệt được 6 phân khu chức năng”- ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng thì để chuẩn bị cho Sa Pa lên thị xã, quy hoạch phân khu có dự kiến thành 5 phường. Lý giải về việc người dân phản ánh Sa Pa ngổn ngang như một “đại công trường” ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan du lịch, ông Hưng cho biết, có một số dự án liên quan đến quy hoạch cũ và một số dự án đang triển khai như: Khu quần thể vui chơi giải trí Fanxifang, nhiều dự án khách sạn 5 sao; dự án khu đô thị Trường Giang – Sa Pa; dự án khu hành chính mới Sa Pa; dự án khu đô thị mới Đông Bắc – Sa Pa; dự án khu dự phòng Tây Bắc (gần như khu tái định cư) và nhiều dự án nhỏ nằm rải rác ở khu vực thị trấn.
Việc một thị trấn du lịch đang chịu tác động trực tiếp từ hàng loạt dự án khách sạn và khu đô thị ồ ạt tấn công đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, cảnh quan du lịch bị phá vỡ, mất đi vẻ đẹp hoang sơ của Sa Pa. Đây là điều khiến nhiều du khách đến Sa Pa thất vọng. “Sa Pa không còn là Sa Pa trước đây nữa. Ô nhiễm, kiến trúc thì hổ lốn, nhà hàng quán bar mọc san sát mang hơi hướng các thành phố lớn” – anh Nguyễn Thanh Bình, du khách ở Hà Nội đánh giá.
Theo ông Hưng thì để đáp ứng cho thị trấn Sa Pa lên thị xã thì phải buộc mở rộng diện tích nhằm đảm bảo tiêu chí. Do vậy, việc xây dựng là không tránh khỏi. Ngoài các dự án đang triển khai, Sa Pa còn một số đồ án quy hoạch vùng ven cũng đang xây dựng. Đường giao thông ở Sa Pa xây dựng đã lâu, bị xuống cấp, không đáp ứng được với mật độ và nhu cầu hiện nay. Huyện Sa Pa đang thực hiện Dự án nâng cấp cải tạo toàn bộ mặt đường thị trấn.
“Dự án không mở rộng vì chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Để đáp ứng xu hướng quá tải, tỉnh đã lập quy hoạch một số khu vực lân cận để đảm bảo hài hòa mật độ, giãn dần mật độ thị trấn ra vùng ven”- ông Hưng cho biết.
Quy hoạch phải đi đôi với bảo tồn và gìn giữ kiến trúc cũng như nét đẹp văn hóa của Sa Pa mới có giá trị lâu dài. Đừng nên vì quy hoạch mà làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan sinh thái, biến Sa Pa trở nên bụi bặm, ngổn ngang như một công trường.
Công an nhân dân