Sabeco vẫn không tự quyết được việc “lên sàn”
Lộ trình thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp này tiến tới việc niêm yết trên sàn chứng khoán tiếp tục không được đề cập trong tờ trình lấy ý kiến cổ đông tại đại hội cổ đông của Sabeco sáng 27-5.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của Tổng công ty Cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tổ chức ngày 27-5 tại TP.HCM đã thông qua hàng loạt nội dung, nhưng nội dung quan trọng nhất, được cổ đông, giới đầu tư chờ đợi trong suốt thời gian dài vừa qua, là lộ trình thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp tiến tới việc niêm yết trên sàn chứng khoán, vẫn tiếp tục không được đề cập trong tờ trình lấy ý kiến cổ đông.
Tuy nhiên, trước câu hỏi của cổ đông vì sao đến thời điểm hiện tại Sabeco vẫn chưa thực hiện việc thoái vốn phần thuộc sở hữu nhà nước (hiện đang nắm giữ gần 90% vốn điều lệ của Sabeco), ông Võ Thanh Hà - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Sabeco - thừa nhận dù Sabeco rất ý thức việc thoái vốn là chủ trương đúng đắn, giúp tăng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng tính thanh khoản cho cổ đông, nhưng lộ trình thoái vốn khi nào, thoái cho ai, thoái như thế nào, ở tỉ lệ nào, hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước.
"Trong phạm vi, quyền hạn của mình, Sabeco không thể quyết định được điều này, dù chúng tôi đã rất nhiều lần gởi công văn đến cơ quan hữu trách trong nhiều năm qua”, ông Hà nói.
Theo kế hoạch năm 2016, Sabeco chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 1% cho lượng bia tiêu thụ so với năm 2015, tương ứng 1,541 tỉ lít bia các loại, trong đó lượng bia Sài Gòn chiếm 1,490 tỉ lít. Tổng doanh thu đạt 28.558 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.659 tỉ đồng, tăng lần lượt 3% và 2% so với năm ngoái, mức cổ tức giữ nguyên 30% như năm 2015, nộp ngân sách 9.256 tỉ đồng, tăng 5%.
Ông Lê Hồng Xanh, phó tổng giám đốc Sabeco, cho biết dù thị phần của Sabeco đã tăng từ mức 41% lên 43% trong năm 2015, nhưng hàng loạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2016 được Sabeco đặt ra khá khiêm tốn so với năm 2015 là do áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia hiện nay.
Mặt khác, áp lực gia tăng thuế suất thuế TTĐB từ đầu năm 2016 và các năm tiếp theo, khả năng thay đổi các quy định liên quan đến luật và cách tính thuế TTĐB theo hướng gia tăng số thuế phải nộp so với luật và mô hình áp thuế hiện tại cho ngành bia ngay trong năm 2015, đã làm gia tăng chi phí thuế TTĐB, khiến lợi nhuận của bia Sài Gòn giảm.
Chưa kể, thuế nhập khẩu bia giảm về 0% ngay khi hiệp định TPP có hiệu lực càng đẩy áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước khi phải cạnh tranh trực tiếp với bia nhập khẩu. Trong khi khả năng tăng xuất khẩu bia vào các thị trường khác là không cao do bia là mặt hàng mang tính khẩu vị, gu tiêu dùng, kèm theo những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, cách thức đóng gói, nhãn mác…
Năm 2015, tổng doanh thu của Sabeco đạt 27.717 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.600 tỉ đồng, nộp ngân sách 8.798 tỉ đồng, tăng lần lượt 10%,28% và 18% so với năm 2014.
Tuổi trẻ