Sắc lệnh mới về biến đổi khí hậu của Tổng thống Trump có ý nghĩa thế nào đối với thế giới?
Chưa đầy 1 tuần sau thất bại hủy bỏ Obamacare, Tổng thống Donald Trump ngày hôm qua (theo giờ Mỹ) lại tiếp tục ký một sắc lệnh hành pháp mới bãi bỏ di sản thứ hai của ông Obama.
- 28-03-201729 nghị sĩ Cộng hoà bảo thủ khiến Tổng thống Trump thảm bại trước Obamacare
- 22-01-2017Tân Tổng thống Donald Trump thay cam kết chống biến đổi khí hậu của ông Obama bằng ... cam kết khoan nhiều giếng dầu hơn
- 21-05-2016Forbes: Ngoài TPP, ông Obama sẽ bàn về biến đổi khí hậu và giáo dục khi tới Việt Nam
Chính quyền ông Trump cho biết, sắc lệnh này sẽ chấm dứt một loạt quy tắc mà ông cho là giết chết công ăn việc làm của người Mỹ.
Trong thời chính quyền của ông Obama, Mỹ luôn đi đầu trong xu thế phát triển bền vững tức tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vị Tổng thống đương nhiệm của Mỹ lại đang ra lệnh xem lại các giới hạn phát thải của các nhà nhiệt điện dùng than và bỏ bớt quy định của liên bang về sản xuất than.
Điều này có ý nghĩa gì?
Theo Mark Lynas - nhà báo, nhà hoạt động môi trường tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu - nhận định, sắc lệnh này sẽ đưa ngành than đá, vốn bị "tẩy chay", trở lại nền kinh tế Mỹ.
Sắc lệnh này của ông Trump sẽ hủy bỏ lệnh cấm khai thác than tại các vùng đất liên bang và rà soát lại Kế hoạch năng lượng sạch - sáng kiến mà nhà nghiên cứu chính sách tại Viện Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường, Imperial College London nhận định là hiệu lệnh quan trọng để các ngành công nghiệp giảm phát thải carbon.
Bên cạnh đó, một loạt các chính sách bảo vệ môi trường không liên quan chặt chẽ đến biến đổi khí hậu nhưng giúp bảo vệ đường thủy sẽ bị làm cho suy yếu: "Bằng cách loại bỏ các quy định làm tổn hại đến nền kinh tế, cánh cửa cho những quy định làm tổn hại đến sức khỏe con người sẽ được để mở".
Thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Trong khi rõ ràng sắc lệnh của Tổng thống Trump hướng đến các chính sách trong nước, đó cũng là một tín hiệu cho thấy Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận toàn cầu đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
"Phần còn lại của thế giới sẽ được yêu cầu bù đắp phần mà nước Mỹ đã bỏ lại", nhà báo Lynas nhận định. "Đây là vấn đề cực kỳ được quan tâm và tôi chỉ có thể hy vọng rằng những ai hưởng ứng sắc lệnh của ông Trump sẽ có đủ khả năng để đảo ngược nó".
Bên cạnh đó cũng có một vài chuyên gia có cái nhìn tích cực. Họ cho rằng động lực của ngành năng lượng tái tạo là không thể ngăn cản. "Tổn thất có thể sẽ không nhiều như mọi người nghĩ. Tất nhiên tốc độ sẽ giảm xuống và đó là điều cuối cùng chúng ta cần, nhưng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đủ thông minh để biết họ cần phải đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo", Karsten Haustein - nhà nghiên cứu chính sách và khí hậu tại trường ĐH Oxford nhận định.
"Sắc lệnh mới của ông Trump sẽ truyền đi một thông điệp xấu đến các quốc gia khác, có thể làm Mỹ mất đi hình ảnh của một quốc gia đi đầu trong việc chống phát thải khí carbon, nhưng tôi hy vọng các quốc gia sẽ tiếp tục kế hoạch mà họ đã gây dựng được một thời gian bởi sáng tạo và cắt giảm chi phí sẽ khiến cho việc giảm thiểu khí phát thải trở nên dễ dàng và rẻ tiền hơn", ông Gambhir cho biết.
Vì vậy phần còn lại của thế giới sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nếu có thì chỉ là ảnh hưởng về mặt tư duy hơn là thực tiễn. "Tiêu cực lớn nhất mà chính quyền của ông Trump có thể gây ra đó chính là làm xói mòn niềm tin của con người vào khoa học, bằng cách đưa những người phủ nhận biến đổi khí hậu vào những vị trí quyền lực. Là một nhà khoa học, tôi lo lắng điều đó sẽ ảnh hưởng tới những sinh viên của tôi tại Mỹ", ông Haustein chia sẻ.