MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sạc qua đêm làm điện thoại nguy hiểm cháy nổ? Có đúng, có sai tuỳ vào 2 trường hợp này

16-08-2019 - 11:10 AM | Thị trường

Một kiến thức không phải ai cũng biết về sạc điện thoại qua đêm cũng như các rủi ro an toàn của nó.

2019 rồi, nếu vẫn còn giữ cho mình tư tưởng sạc điện thoại qua đêm là có hại thì hãy chăm chỉ update thông tin hơn một chút, bởi điều đó đã được hóa giải bằng những thành tựu công nghệ mới về pin. Lý thuyết trên có thể đúng với các thế hệ pin cũ, nhưng sẽ là một hiểu lầm rất lớn so với những viên pin đặt trong smartphone ngày nay.

Kiến thức cơ bản về pin hiện đại

"Không có chuyện sạc pin qua đêm làm chai và hỏng pin như nhiều người thường nghĩ," chuyên gia hàng đầu Kyle Wiens tại iFixit, nơi nổi tiếng với kỹ năng sửa chữa và tinh chỉnh smartphone, phát biểu. "Thứ ảnh hưởng đến tuổi thọ pin ngày nay là chu kỳ sạc và cách bạn dùng pin chứ không phải thời gian cắm sạc kéo dài."

Sạc qua đêm làm điện thoại nguy hiểm cháy nổ? Có đúng, có sai tuỳ vào 2 trường hợp này - Ảnh 1.

1 chu kỳ sạc là 1 lần pin được sạc tích lũy lên thời lượng đầy 100%. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn bắt buộc phải dùng hết sạch pin rồi sạc đầy lại mới tính; ngược lại, 1 chu kỳ có thể chia ra bao hàm 2 lần sạc riêng lẻ, mỗi lần sạc tăng 50% pin (hoặc tùy ý thích, miễn là tổng dung lượng gộp bằng 100% sẽ tính là 1 chu kỳ sạc). Cứ như vậy, sau một khoảng thời gian sử dụng tương đương 400-500 chu kỳ, pin của bạn sẽ có dấu hiệu xuống cấp như một lẽ thường tình, bởi không gì là mãi mãi.

Do vậy, việc sạc pin qua đêm không có gì liên quan tới cách tính toán về chu kỳ sạc như trên. Dĩ nhiên, điện thoại vẫn sẽ tiêu tốn pin một cách chậm rãi từ từ và rồi lại được sạc lên ngay lập tức, nhưng bấy nhiêu đó thực sự không đáng kể để bào mòn tuổi thọ pin chỉ bằng việc sạc qua đêm.

Mặt khác, hầu hết smartphone ngày nay đều có tính năng tự kiểm soát điện năng nhận vào qua dây sạc, giảm thiểu hiệu quả những rủi ro mà người dùng thường lo sợ. "Các thế hệ smartphone hiện đại đúng quả thật "smart" như cách chúng ta gọi nó. Tất cả các sản phẩm đều có một con chip riêng làm nhiệm vụ quản lý điện năng ở ngưỡng gần sát 100%, có thể tự động ngắt sạc khi đạt đỉnh dung lượng pin," một đại diện từ Anker cho biết. Thứ duy nhất vẫn khiến người ta tin vào việc sạc qua đêm có hại là bởi họ từng sử dụng những thế hệ điện thoại đời cũ.

Nhưng tất cả vẫn chưa thể an toàn 100%...

Dù trình độ công nghệ đã đem lại nhiều ưu điểm cho việc sạc pin ngày nay tới vậy, nhiều chuyên gia vẫn thông báo về sự tồn tại của một yếu tố nữa khiến pin sạc qua đêm trở nên nguy hiểm: Nhiệt độ.

Sạc qua đêm làm điện thoại nguy hiểm cháy nổ? Có đúng, có sai tuỳ vào 2 trường hợp này - Ảnh 2.

Pin Lithium-ion là loại pin được dùng vô cùng phổ biến trong tất thảy các loại thiết bị như smartphone và laptop, và chúng cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ quá thấp sẽ gây nên tình trạng pin xuống cấp nhanh, nhiệt độ quá cao có thể gây cháy nổ - đó là điều đã được thừa nhận.

Việc sạc pin qua đêm có thể khiến smartphone tăng nhiệt độ bởi năng lượng hao phí chuyển hóa từ dòng điện chạy qua liên tục. Ngoài ra, một số tác nhân khách quan khác cũng có thể gộp lại làm tăng nguy hiểm tiềm tàng như ốp lưng quá bí bách, chèn ép bởi nệm gối... khiến smartphone không thể thoát nhiệt nhanh và hiệu quả. Cuối cùng, việc thay sửa pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất chính hãng cũng chính là một nhát dao chí mạng cho chính độ bền của smartphone và sự an toàn của bạn.

Theo Hà Thu

Nhịp sống Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên