MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sách giáo khoa điện tử: 'Gái đẹp' vẫn ế

11-09-2022 - 10:27 AM | Kinh tế số

Bên cạnh sách bản giấy, học sinh có thể tham khảo và luyện tập thêm với sách giáo khoa điện tử

Bên cạnh sách bản giấy, học sinh có thể tham khảo và luyện tập thêm với sách giáo khoa điện tử

Trước thực trạng sách giáo khoa bản giấy đang bị thiếu tạm thời như hiện nay, nhiều người chợt nhớ đến sách giáo khoa điện tử. Được thiết kế nội dung giống như sách giáo khoa bản giấy, lại kèm thêm nhiều tính năng thuận tiện khác, nhưng tại sao sách giáo khoa điện tử vẫn như cô gái đẹp bị lãng quên?

Sách giáo khoa điện tử từng nở rộ trong thời kỳ COVID-19, khi các trường học bắt buộc phải dạy học online để phòng chống dịch bệnh. Thậm chí, nhiều người kỳ vọng đó là “cú nổ lịch sử”, mở ra thời đại 4.0 cho giáo dục Việt Nam.

Chỉ cần truy cập đường link https://hanhtrangso.nxbgd.vn, độc giả có thể chọn các bộ sách giáo khoa theo nhu cầu từ lớp 1 cho đến lớp 12.

Về hình thức và nội dung, sách điện tử được thiết kế giống y như sách giáo khoa giấy, kèm thêm những tính năng thuận tiện như làm bài tập trực tiếp, phóng to hoặc thu nhỏ trang sách, sử dụng các phương tiện hỗ trợ (audio, video, hình ảnh)... làm phong phú bài giảng của giáo viên, tăng cường động lực tìm tòi học hỏi của học sinh, khiến cho việc học trở nên thú vị và trực quan hơn.

Tuy nhiên, sau khi học sinh được đến trường trở lại, sách giáo khoa điện tử bỗng dưng “im thin thít và lặn mất tăm”. Nhiều phụ huynh khi được hỏi về sách giáo khoa điện tử thì tỏ ra khá ngơ ngác về sự tồn tại của nó. Các trường học cũng hầu như không có chương trình học nào liên quan đến việc học online hay sử dụng sách giáo khoa điện tử.

Lý giải về việc sách giáo khoa điện tử vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, cô P.H (giáo viên một trường cấp 2 quận Ba đình, Hà Nội) nhận định: Nếu không có sách bản giấy, phụ huynh vẫn có thể tải về bản PDF hoặc xem trực tuyến sách giáo khoa trên trang web của nhà xuất bản. Cả hai cách này đều miễn phí, tuy nhiên, chỉ phổ biến trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch. Bởi, thủ tục khá rườm rà.

Đầu tiên, với bản PDF, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, các nhà xuất bản phải số hóa sách giáo khoa theo dạng PDF gửi đến các nhà trường để nghiên cứu, tập huấn cho giáo viên chuẩn bị cho năm học mới. Từ đó, đại diện nhà trường sẽ gửi tệp để phụ huynh tải về cho con học hoặc in ra thành sách. Việc này tuỳ thuộc vào kế hoạch đào tạo của từng trường, từng địa phương.

Hơn nữa, dù bản PDF không phụ thuộc vào internet nhưng việc tìm kiếm bài học lại không thuận tiện và trực quan như trên web. Học sinh chỉ có thể kéo theo thứ tự từng trang để tìm đến bài học mà không có các phần mở rộng, luyện tập.

Cách thứ hai, phụ huynh, học sinh chủ động truy cập vào trang web của Nhà xuất bản Giáo dục để đọc sách online miễn phí. Tuy nhiên, do vấn đề bản quyền nên với cách này, học sinh chỉ học trực tuyến chứ không tải sách về được. Cách này cũng có hạn chế là bị ảnh hưởng bởi kết nối mạng. Đường truyền cũng có lúc không “mượt mà”, bị giật, đơ mạng.

“Không chỉ học sinh, phụ huynh khó tiếp cận mà bản thân giáo viên cũng gặp khó với sách giáo khoa điện tử, đặc biệt là thế hệ 7x trở về trước, khả năng sử dụng internet còn nhiều hạn chế, các chương trình tập huấn cấp tốc của Bộ và các trường vẫn không thể giúp thay đổi tư duy của thế hệ giáo viên vốn sinh ra và lớn lên đã gắn bó với sách giấy như chúng tôi”, cô P.H chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định hiện tại ở Việt Nam, kỹ năng 4.0 của cả giáo viên và học sinh vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, các trường đào tạo sư phạm cần đưa chương trình dạy sinh viên cách soạn bài, làm giáo án điện tử….

“Cần phải đưa nó trở thành môn học bắt buộc để các thầy cô giáo tương lai có thể tiếp cận internet ngay từ trên ghế nhà trường”, ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã lên kế hoạch sử dụng sách giáo khoa trên nền tảng kỹ thuật số bắt đầu từ năm 2024, theo tờ The Japan Times. Từ thời điểm hiện tại đến năm 2024, sách giáo khoa điện tử sẽ được nước này sử dụng cùng với sách giáo khoa giấy để học sinh khỏi bỡ ngỡ.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ đề xuất các trường học ở Việt Nam cũng nên duy trì mỗi tuần cố định vài buổi học online để cả giáo viên và học sinh quen dần với sách giáo khoa điện tử. Việc này cũng giúp học sinh tránh bị phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa bản giấy.

Sách giáo khoa điện tử: Gái đẹp vẫn ế - Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo): Việt Nam nên tổ chức học song hành giữa sách giấy và sách điện tử

“Ở nhiều nước khác, hàng tuần, học sinh vẫn được nghỉ vài buổi để ở nhà học online và nghiên cứu sách điện tử. Việt Nam mình cũng nên tổ chức học song hành giữa sách giấy và sách điện tử, trường nào có điều kiện thì duy trì với thời lượng khoảng 1/4 số giờ dạy online. Vấn đề này, cần Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và hướng dẫn cụ thể”.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng Bộ cùng với nhà xuất bản và các trường học cần tuyên truyền, hướng dẫn, thông tin mạnh mẽ hơn để phổ biến sách giáo khoa điện tử, tạo điều kiện để phụ huynh và học sinh tiếp cận một cách dễ dàng. Đặc biệt, để phụ huynh có thêm một kênh lựa chọn mà không bị “hoảng loạn” trước tình trạng thiếu sách giáo khoa.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống):

Chưa xứng đáng với nguồn lực mà chúng ta đã đầu tư

Sách giáo khoa điện tử: 'Gái đẹp' vẫn ế ảnh 3

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng

Thưa ông, hiện sách giáo khoa bản giấy đang bị thiếu tạm thời, nhưng các nhà trường hầu như lại không mở ra cánh cửa cho các học sinh sử dụng sách điện tử. Sách điện tử được thiết kế giống như sách giáo khoa giấy, kèm thêm nhiều tính năng thuận tiện, nhưng vẫn không được khuyến khích sử dụng?

- Tình trạng này rất đáng tiếc. Chắc hẳn là nhà trường, GV, phụ huynh và HS chưa có nhiều thông tin về SGK điện tử. Hơn nữa, thói quen dùng SGK giấy lâu nay cũng góp phần làm cho SGK điện tử nói riêng và học liệu điện tử nói chung chưa phát huy được đáng kể hiệu quả của nó. Hi vọng sắp tới nguồn tài nguyên quý giá này sẽ được khai thác triệt để, xứng đáng với nguồn lực mà chúng ta đã đầu tư.

Lương Anh

Theo Diệp Anh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên