MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sách giáo khoa dùng một lần: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao?“

20-09-2018 - 09:00 AM | Thị trường

Việc SGK có thêm phần làm bài tập khiến sách khó dùng lại, gây lãng phí nên có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thanh tra làm rõ.

Tiếp theo chương trình phiên họp 27, sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp. Vấn đề sách giáo khoa (SGK) lại một lần nữa được đại biểu đặt ra.

Báo cáo Thẩm tra của Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Bộ GD-ĐT đã thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đề án đổi mới cơ bản được thực hiện theo lộ trình.

Sách giáo khoa dùng một lần: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao?“ - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Quochoi.vn)

Việc xây dựng chương trình GDPT tổng thể và dự thảo các chương trình môn học được triển khai khá thận trọng, lấy ý kiến rộng rãi để có căn cứ hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các khâu biên soạn SGK mới, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cũng đang được gấp rút triển khai cho thấy sự quyết tâm cao của ngành Giáo dục trong việc bắt đầu thực hiện từ năm học 2019-2020 theo Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội. 

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, vẫn còn nhiều băn khoăn về tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện Nghị quyết vì Báo cáo chưa nêu được kết quả cụ thể cũng như chưa đánh giá rõ mức độ hoàn thành từng khâu, từng công đoạn trong tổ chức thực hiện.

Bày tỏ chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rằng lĩnh vực này được người dân rất quan tâm vì đụng đến nhiều người, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng băn khoăn về sự lãng phí trong in ấn SGK.

Mỗi năm xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng tiền SGK

Cầm một cuốn sách Toán lớp 1 để dẫn chứng cho phần phát biểu của mình, bà Lê Thị Nga cho biết “cách nó rất khác” vì trước đây bài tập riêng, sách giáo khoa riêng thì giờ Toán lớp 1 luyện tập chung với SGK. Các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế đương nhiên là khoá sau không dùng được.

“Chúng tôi phản ảnh lại ý kiến của cử tri, chuyển đến Bộ trưởng GD-ĐT là lý do tại sao? Mỗi một năm xuất bản khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Chúng tôi phản ảnh lại về những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục” – bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.

Sách giáo khoa dùng một lần: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao?“ - Ảnh 2.
Bà Lê Thị Nga dẫn chứng phần bài tập trong sách Toán lớp 1 khiến sách khó dùng lại vào năm sau 

SGK khó sử dụng lại cũng là vấn đề mà bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện một lần nữa đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quan tâm vì “mỗi cuốn sách chỉ 10.000 đến 12.000 đồng nhưng ảnh hưởng muôn nhà”.

“Đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, có biểu hiện gì ở đây? Thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không? Trước đây SGK không phải như vậy nhưng sau đó người ta cứ đưa vào các bài tập, hình vẽ. Nhà in không tự in như thế được mà có thể người ta đặt hàng người biên soạn hoặc người ta yêu cầu sách phải như vậy” – bà Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến, đồng thời cho rằng lãng phí sách, ghi vào sách cũng ảnh hưởng đến rèn luyện các em về tính tiết kiệm, sự cẩn thận.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thanh Hải, vấn đề liên quan tới thí điểm, thí nghiệm cũng cần có tổng kết đánh giá, tránh để thời gian quá lâu mà cử tri không biết thí điểm đó tốt ở điểm nào, xấu ở điểm nào. Do đó cần có đánh giá rõ ràng, phát ngôn đầy đủ.

“Đề nghị Bộ trưởng quan tâm Người phát ngôn của Bộ để làm sao với vấn đề nóng cần có phát ngôn thể hiện chính kiến, dẫn dắt dư luận, tránh hoang mang” – bà Nguyễn Thanh Hải nêu kiến nghị vì giáo dục ảnh hưởng sâu rộng tới cử tri./.

Theo Ngọc Thành

VOV

Trở lên trên