MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sách nhiễu doanh nghiệp nhỏ, có thể bị xử hình sự

Các doanh nghiệp nhỏ rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước để vượt khó, nâng cao sức cạnh tranh.

Bộ KH&ĐT mới đây đã đưa ra dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để lấy ý kiến cộng đồng DN. Dự thảo luật này sẽ hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến vào tháng 7 tới đây. Ước tính có khoảng 550.000 DNNVV có thể được hưởng lợi nếu dự luật này được thông qua.

Nghiêm cấm sách nhiễu

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có nhiều điểm đáng chú ý như: Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định; có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn đối với DNNVV hoặc không thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt dự luật cũng nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến đánh giá nội dung trên là rất có ý nghĩa nhằm hạn chế tối đa các bộ, ngành và địa phương đưa ra các điều kiện kinh doanh, giấy phép con để làm khó DN. Nhất là trong bối cảnh nhiều hành vi, chính sách đưa ra gây thiệt hại cho DN nhưng vẫn không bị xử lý, bồi thường.

Không chỉ vậy, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT - đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo luật, cho hay dự thảo lần này còn đưa ra các chính sách cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DNNVV. Trong đó, Chính phủ sẽ dành một số ưu đãi cho các ngân hàng thương mại khi đạt được tỉ lệ dư nợ tối thiểu cho DNNVV là 30% hoặc cho đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi theo các mục tiêu phát triển.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra quy định hỗ trợ thuế thu nhập DN. Theo đó, các DN khởi nghiệp được hỗ trợ 5% thuế suất thuế thu nhập DN so với mức thuế suất phổ thông trong thời hạn tối đa năm năm kể từ ngày DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Việc giảm thuế cho DNNVV mới thành lập trong ngành, lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách trong thời gian ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ giúp các DNNVV nâng cao năng lực tích lũy, năng lực cạnh tranh” - dự thảo nêu rõ.

Ông Hùng chia sẻ thêm thông qua luật này, DNNVV cũng sẽ được hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, được hỗ trợ tối đa 70% chi phí thuê mặt bằng trong một năm kể từ khi đi vào hoạt động; được hưởng ưu đãi cao nhất về đất đai và thuế theo quy định của pháp luật.

Để đừng “đánh trống bỏ dùi”

Mặc dù dự luật đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ DNVVN nhưng nhiều ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng nhất là làm sao để những chính sách này đi vào cuộc sống, tức không rơi vào tình trạng kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV, đánh giá dự luật nhằm tạo ra một khung pháp lý riêng cho cộng đồng DNNVV, đã cơ bản đáp ứng được những kỳ vọng của lực lượng DN này. Trong đó cơ quan soạn thảo là Bộ KH&ĐT đã tiếp thu khá đầy đủ những ý kiến đóng góp của hiệp hội và DN.

Ông Nam cũng hoan nghênh các chính sách hỗ trợ nhất là về thuế được nêu trong dự thảo. “Các hỗ trợ này không vi phạm các cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, các nước khác cũng có chính sách hỗ trợ cho DNNVV” - ông Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Nam, để luật có tính khả thi trong thực tế, cơ quan soạn thảo cần lượng hóa các nội dung hỗ trợ cho DN. Chẳng hạn như hỗ trợ thông qua quỹ phát triển DN sẽ ra sao, hỗ trợ mặt bằng kinh doanh thế nào cần được chỉ rõ, không nên nói chung chung.

Nói về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng nhìn nhận lâu nay các chính sách hỗ trợ DNNVV nằm rải rác ở nhiều văn bản, nhiều cơ quan quản lý và chưa nêu cụ thể. Hệ quả là nhiều DN lớn tiếp cận các ưu đãi tốt hơn. Do vậy, luật này sẽ nhất thể hóa, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ các chính sách dành riêng cho các DNNVV.

Ông Đông cũng khẳng định: “Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ chỉ dành cho những đối tượng DN nào hoạt động có hiệu quả, có tiềm năng phát triển, có trí tuệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo. Các cơ chế ưu đãi sẽ đảm bảo công khai, minh bạch”.

Sao không hỗ trợ 4,5 triệu hộ cá thể?

Tiêu chí xác định DNNVV trong dự thảo là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỉ đồng hoặc lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người.

Góp ý cho dự luật, nhiều ý kiến cho rằng còn một bộ phận đóng góp rất lớn cho nền kinh tế là các hộ kinh doanh cá thể. Do đó cần xem xét để có thể đưa hộ kinh doanh cá thể vào đối tượng của dự luật nhằm khuyến khích các hộ chuyển thành DN, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Tuy vậy, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng với quan điểm hỗ trợ DNNVV có chọn lọc và đem lại hiệu quả, luật này cần hướng vào đối tượng là các DNNVV được thành lập theo Luật DN. Theo thống kê, số lượng hộ kinh doanh cá thể hiện nay là khá lớn, ước tính hơn 4,5 triệu hộ.

“Do đó ngân sách nhà nước sẽ không đủ khả năng để hỗ trợ cho các đối tượng này. Ngoài ra, khi chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV đủ mạnh và hiệu quả, tất yếu sẽ thúc đẩy khu vực hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN để hoạt động” - ông Hùng giải thích.

Đóng góp 45% GDP

Các DNNVV chiếm khoảng 97% số DN tại Việt Nam. Hiện đối tượng này đang đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách; đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm và đang tạo ra 51% tổng việc làm của nước ta.

Vai trò của DNNVV trong đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo là đặc biệt quan trọng. Tuy vậy, theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015, các DNNVV chưa có nhiều thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, cập nhật thông tin chính sách và pháp luật; chịu gánh nặng lớn về chi phí không chính thức và chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh có chất lượng với chi phí phù hợp.

Theo Trà Phương

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên