MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đô-la hay lá nho? - Lột trần cô nàng kinh tế học

29-09-2011 - 16:44 PM |

Đô-la hay lá nho? là bức chân dung kinh tế học mà Wheelan vẽ ra trong cuốn sách của mình với tựa đề vừa khêu gợi, vừa thách thức, lại vừa mang tính cổ động, rất sinh động và đầy sức cuốn hút.


Thông tin:

Tên sách: Đô-La Hay Lá Nho? - Lột Trần Cô Nàng Kinh Tế Học

Tác giả: Charles Wheelan. - Dịch giả: Bích Ngọc

Nhà xuất bản: Nxb Lao động Xã hội

Số trang: 419

Ngày xuất bản: 06 - 2008

Giá bìa: 79.000 VNĐ

Giới thiệu về nội dung

Đô-La Hay Lá Nho? - Lột Trần Cô Nàng Kinh Tế Học:

Khác với nhiều cuốn sách nhập môn kinh tế học khác, Noked Economics, được dịch sang tiếng Việt dưới nhan đề Đô-la hay là nho?, không phải là cuốn sách liệt kê các khái niệm, thuật ngữ và nguyên lý sơ đẳng của môn kinh tế học theo kiểu “gạch đầu dòng” khô khan và buồn tẻ. Bức chân dung kinh tế học mà Wheelan vẽ ra trong cuốn sách của mình với tựa đề vừa khêu gợi, vừa thách thức, lại vừa mang tính cổ động, quả thật rất sinh động và đầy sức cuốn hút.

Kinh tế học, như Malkiel nhận xét, “khó hơn cả khoa học tự nhiên”. Lịch sử phát triển kinh tế của nhân loại, với tất cả những thăng trầm, bí ẩn, và vô số khó khăn đang đặt ra hiện nay, xác nhận điều đó. Ấy vậy mà Wheelan đặt tên cho cuốn sách có mục tiêu giúp mọi người tiếp cận bộ môn khoa học khó khăn đó là “Kinh tế học trần trụi”, tức “Kinh tế học được phơi bày”, “Kinh tế học không bị che giấu”, “Kinh tế học bị lột trần”.

Mục đích của cuốn sách, như vậy, rất rõ ràng: đưa kinh tế học đến với tất cả mọi người theo cách hiệu quả nhất và dễ tiếp cận nhất. Nhưng Wheelan cũng nói rõ: “cuốn sách không phải là kinh tế học cho kẻ ngốc, nó là kinh tế học cho những người thông minh chưa bao giờ nghiên cứu kinh tế học (hoặc chỉ biết mung lung về nó)”. Như vậy, đối tượng độc giả mà cuốn sách này nhắm tới là “mở”, nhưng được hạn định nghiêm túc, căn cứ vào chính tầm quan trọng và tính khoa học của bộ môn được coi là “Khó hơn cả khoa học tự nhiên”.

Cuốn sách của Wheelan bàn về những vấn đề cơ bản của kinh tế học, hay cụ thể hơn, các nguyên lý về nền kinh tế thị trường. Chúng được giới thiệu thông qua việc mổ xẻ các sự kiện, biến cố hay các vấn đề kinh tế cụ thể, gần như thường nhật, theo một cách đơn giản và dễ hiểu. Việc mổ xẻ đó làm cho người đọc dễ dàng “hoá giải” những vấn đề thiết thân, gần gũi của cuộc sống nhưng vốn có vẻ phức tạp, khó hiểu nếu tiếp cận theo kiểu hàn lâm. Qua cách tiếp cận của Wheelan, các nguyên lý, nguyên tắc khô khan của kinh tế học thoát khỏi lớp vỏ khái niệm trừu tượng để hoá thân thành những vấn đề của chính đời sống thực tiễn.

Wheelan mang đến cho công chúng sự phân định ranh giới dễ bị xoá nhoà và gây hiểu nhầm giữa việc tối đa hoá lợi ích với hành động mang tính vị kỷ, giữa cái gọi là hành vi trái đạo đức trong kinh doanh với tính “phi luân lý” (chứ không phải là “vô luân” hay “vô đạo đức”) của thị trường, giữa vai trò mang tính chức năng và sự can thiệp hành chính của nhà nước vào nền kinh tế…. Trong một cách hiểu rất độc đáo và giàu hình ảnh, Wheelan cho rằng “chính phủ giống như con dao mổ của bác sĩ phẫu thuật: đó là một công cụ xâm nhập có thể làm cho tình trạng bệnh nhân tốt lên hay xấu đi. Cầm cẩn thận, nó sẽ hỗ trợ đáng kể khả năng chữa bệnh. Nhưng đặt lầm nó vào những bàn tay kém, hoặc cầm quá mạnh, thì ngay cả với những ý định tốt đẹp nhất, nó cũng có thể vô cùng tai hại”

Những vấn đề được đề cập dường như là sơ thiểu của môn kinh tế học. Nhưng đó cũng chính là những nội dung cơ bản nhất, mang tính nền tảng. Vì có vẻ “sơ thiểu”, chúng dễ bị xem nhẹ và do đó, dễ gây ra sự nhầm lẫn lý luận cùng với những hậu quả thực tiễn tai hại, không đáng có. Wheelansẽ giúp bạn đọc không mắc sai lầm đó khi tiếp cận kinh tế học.

Mục lục:

Lời tựa

Lời giới thiệu

Chương 1: Sức mạnh của thị trường

Chương 2: Vấn đề động cơ

Chương 3: Chính phủ và nền kinh tế (Phần 1)

Chương 4: Chính phủ và nền kinh tế (Phần 2)

Chương 5: Kinh tế học thông tin

Chương 6: Vốn con người và năng suất lao động

Chương 7: Các thị trường tài chính

Chương 8: Sức mạnh của lợi ích có tổ chức

Chương 9: Giữ vững kỷ lục

Chương 10: Cục dự trữ liên bang

Chương 11: Thương mại và toàn cầu hoá

Chương 12: Kinh tế phát triển

Lời bạt

Báo chí giới thiệu

Theo Tuần Việt Nam

Lột trần "cô nàng" kinh tế học (Thứ ba, 22/07/2008 10:41:49 AM)

Tựa đề gốc của cuốn sách Đô-la hay lá nho? là Naked Economics, dịch nghĩa đen là lột trần kinh tế học. Tác phẩm của tác giả Charles Wheelan chứng minh cho độc giả thấy kinh tế học không phải cái gì trừu tượng và phức tạp; nó bắt đầu từ những vấn đề hết sức căn bản mà chúng ta chưa được tìm hiểu thấu đáo.

Với riêng người Việt Nam, những khái niệm “kinh tế thị trường”, “thị trường tài chính”, “toàn cầu hóa”… mặc dù được nhắc đến nhiều và đã trở thành phổ biến, nhưng không phải ai trong số người nói và người nghe cũng thật sự hiểu bản chất và đặc trưng của chúng.

Do đất nước mới bước vào kinh tế thị trường chưa lâu, chúng ta thiếu một sự hiểu biết chung, mang tính chất nền tảng, về kinh tế học. Ở một chừng mực nào đó, sự thiếu hiểu biết đẩy số đông chúng ta, trong con đường xây dựng sự nghiệp và làm giàu, vào tình trạng hỗn loạn thông tin và hành xử sai lạc.

Chúng ta sợ kinh tế thị trường, đổ cho nó đủ thứ tội lỗi. Chúng ta kêu gào đòi Nhà nước và các cơ quan chức năng có sự can thiệp, hỗ trợ trên đủ mọi lĩnh vực. Chúng ta dè chừng với kinh tế tư nhân mà đại diện là các “tư thương”, cảnh giác với nhà đầu tư nước ngoài, với toàn cầu hóa v.v.

Đô-la hay lá nho? - cuốn sách của tác giả Charles Wheelan - đã đơn giản hóa để đưa kinh tế học đến với mọi người.

Tác phẩm bestseller một thời này chứng minh cho độc giả thấy kinh tế học không phải cái gì trừu tượng và phức tạp; nó bắt đầu từ những vấn đề hết sức căn bản mà chúng ta chưa được tìm hiểu thấu đáo: Kinh tế thị trường là gì? Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường? Thế nào là một chính phủ tốt? Động cơ của sự phát triển? v.v.

Tràn ngập thông tin

Tựa đề gốc của Đô-la hay lá nho? là Naked Economics, dịch nghĩa đen là lột trần kinh tế học, một tên gọi khá khêu gợi.

Nhằm giúp người đọc dễ dàng nắm được những vấn đề kinh tế vốn dĩ phức tạp, Wheelan đã đưa vào vô số ví dụ vừa gần gũi với đời thường, vừa cung cấp nhiều thông tin ít người biết.

Chắc hẳn bạn sẽ bị thu hút khi đọc những dòng này và biết thêm nhiều điều về lịch sử phát triển kinh tế ở các nước khác nhau:

“(Ở Liên Xô)… phá thai được coi là giải pháp kế hoạch hóa gia đình duy nhất. Cứ một người sinh con sẽ có khoảng hai người phá thai. Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, các dụng cụ tránh thai của châu Âu mới được lưu hành phổ biến và tỷ lệ nạo phá thai ở khu vực này đã giảm một nửa”.

“Các quốc gia không có sự can thiệp của chính phủ không phải là mảnh đất màu mỡ cho thị trường tự do phát triển mạnh mẽ. Đó là những nơi mà ngay cả những hoạt động kinh doanh đơn giản nhất cũng rất tốn kém và khó khăn…

Angola có rất nhiều dầu mỏ và kim cương nhưng trong hơn một thập kỷ qua, đất nước giàu có này lại đổ tiền vào cuộc nội chiến, chứ không phải để mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế. Năm 1999, các nhà cầm quyền Angola đã chi 900 triệu đô-la từ doanh thu dầu mỏ để mua vũ khí.

Không có gì ngạc nhiên khi ở Angola, cứ ba đứa trẻ lại có một đứa chết trước 5 tuổi và tuổi thọ trung bình của người dân chỉ là 42 tuổi. Đây không phải là những nước có nền kinh tế thị trường thất bại, mà là những nước chính phủ không phát triển và duy trì được những thể chế cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế thị trường”.

Bên cạnh những kiến thức căn bản, Charles Wheelan còn mang đến cho người đọc nhiều thông tin hấp dẫn thông qua việc đặt ra và trả lời những câu hỏi thú vị: Tại sao Bill Gates lại giàu hơn bạn? Tại sao đồng đô-la trong túi bạn không giống một tờ giấy bạc thông thường?...

Cuốn sách cũng dành các chương riêng để nói về những lĩnh vực khá mới mẻ trong kinh tế học hiện đại, như: kinh tế học thông tin, vốn con người, thương mại và toàn cầu hóa.

Vài điểm chưa thỏa đáng

Với Đô-la hay lá nho?, việc đặt ra và giải thích các vấn đề kinh tế ở mức hết sức căn bản, sơ thiểu. Những độc giả là các chuyên gia nghiên cứu sâu về kinh tế học có thể sẽ không tìm thấy ở đây những kiến thức hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, đơn giản hóa vốn là mục đích của cuốn “kinh tế học thường thức” này.

Dù vậy, đơn giản hóa không có nghĩa là hạ thấp kinh tế học. Như chính tác giả Wheelan đã nói, cuốn sách không phải dành cho kẻ ngốc, mà là dành cho những người thông minh chưa bao giờ nghiên cứu hoặc chỉ biết mông lung về kinh tế học.

Với lý lẽ sắc sảo và lập luận rõ ràng, Wheelan dẫn dắt người đọc đi theo từng chuỗi phân tích của ông. Tuy nhiên, có đôi chỗ, chúng ta vẫn có thể thấy những phần còn để ngỏ trong kiến giải của Wheelan về một giải pháp kinh tế toàn diện.

Trong Chương 9, khi nhắc đến vấn đề suy thoái kinh tế, ông khẳng định: “Phản ứng tự nhiên (và hợp lý) của chúng ta trước những giai đoạn kinh tế không ổn định là chi tiêu dè chừng hơn. (Nhưng) điều này khiến tình hình chung của chúng ta càng trở nên tồi tệ”.

Theo ông, cắt giảm chi tiêu của bản thân cũng đồng nghĩa với cắt giảm sự tăng trưởng nói chung của xã hội. Chúng ta gây ra tác động tiêu cực đến doanh thu của các nhà máy sản xuất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của công nhân và gián tiếp đe dọa đến chính công việc và bản thân của chúng ta.

Và lời khuyên của ông: nên chi tiêu nhiều hơn để giảm thiểu những thiệt hại do suy thoái kinh tế. Cách nhìn của ông không bao quát được hết tình hình kinh tế cụ thể ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam vào thời điểm này.

Suy thoái kinh tế đồng nghĩa với lạm phát và bão giá. Mức giá của các mặt hàng từ hàng hóa tiêu dùng đến hàng hóa lao động đồng loạt tăng, tuy nhiên chúng không tăng đồng đều. Cán cân chi tiêu của người dân bị mất cân bằng nghiêm trọng, do đó, việc duy trì chứ chưa nói đến chi tiêu nhiều hơn là điều không thể.

Đặt niềm tin vào thị trường là việc nên làm nhưng chi tiêu có phải là giải pháp hiệu quả duy nhất hay không vẫn là câu hỏi mà chúng ta cần suy xét thấu đáo hơn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Ngoài ra, cũng vì mục đích của cuốn sách là phổ cập kiến thức kinh tế căn bản, nên nhiều vấn đề phức tạp kinh điển của kinh tế học chỉ được tác giả đưa ra và dừng lại ở đó.

Độc giả có thể sẽ tiếp tục phải băn khoăn về câu hỏi về vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường: Vậy, tóm lại, chính phủ của chúng ta đang can thiệp quá nhiều, quá ít, hay vừa đủ?

Không thể mong đợi một câu trả lời dứt khoát, như chính tác giả Charles Wheelan đã nói: “Câu trả lời phụ thuộc vào người bạn đặt câu hỏi. Có những nhà kinh tế học thông minh và sâu sắc muốn nhìn thấy một chính phủ có vai trò lớn hơn, năng động hơn; nhưng có những nhà kinh tế học thông minh và sâu sắc thích một chính phủ có vai trò nhỏ hơn”.

Suy cho cùng, nếu muốn tìm kiếm một chân lý trong kinh tế học, bạn chỉ nên coi những gì tác giả đưa ra là một nguồn tham khảo hữu ích.

Tuy nhiên, không bao giờ có chân lý - có lẽ đó lại chính là điểm làm cho kinh tế học trở thành một môn học hấp dẫn hơn bao giờ hết. Theo Wheelan, đó là “môn học mang tính kích thích khả năng sáng tạo…, đôi khi phải vận dụng trực giác nhưng đôi khi lại phải phản trực giác…”.

Và chắc chắn là cuốn sách đơn giản hóa, “lột trần kinh tế học” của ông đã kích thích người đọc phải suy nghĩ và sáng tạo hơn.

Đô-la hay lá nho? càng trở nên một cuốn sách đáng đọc đối với độc giả Việt Nam bởi, nói như TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, “việc nhanh chóng nắm vững các vấn đề cơ bản của kinh tế học hiện đại là điều kiện tiên quyết để góp phần đưa nền kinh tế nói riêng và đất nước nói chung nhanh chóng thoát khỏi tụt hậu − điều đang được đặt ra như thách thức lớn nhất của dân tộc”.

Theo Đoan Trang
(Nguồn: Tuần Việt Nam)





















































































































































Theo Vinabooks

kyanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên