Sai lầm trong năm đầu kết hôn dẫn đến mất trắng tiền tiết kiệm, vợ chồng "đau đầu" vì tài chính
Những sai lầm tài chính có thể gặp phải đối với các cặp vợ chồng trẻ và cách giải quyết hiệu quả.
- 02-09-2023Bỏ cuộc sống ở thành phố, cô gái dùng tiền tiết kiệm 10 năm xây nhà gần 15 tỷ đồng báo hiếu bố mẹ
- 29-08-2023Cô gái học thiết kế kiến trúc, tự trang trí phòng trọ đơn giản mà tiết kiệm diện tích
- 24-08-2023Tỷ phú Warren Buffett đưa ra 9 lời khuyên giúp đổi đời: Sống tiết kiệm và biết cân bằng lọt vào danh sách
Đầu tư toàn bộ số tiền dự định dành cho con rồi mất trắng
Linh Vũ (29 tuổi, làm việc tự do) về chung một nhà với chồng đến nay đã được 3 năm. "Khi nghĩ về năm đầu tiên sau kết hôn, mình cảm thấy rất hối hận khi đem tiền đầu tư với một người bạn về một lĩnh vực mình chưa hiểu rõ. Bạn mình rủ rê đầu tư sinh lời cao, mình còn trẻ ham làm giàu nên đã góp gần hết tiền tiết kiệm đi làm được mấy năm trời vào. Kết quả là mình bị lỗ nặng và không có cơ hội lấy lại khoản tiền đã mất. Cũng may đó là tiền của bản thân chứ không phải đi vay. Nếu không mình còn hối hận hơn nữa", Linh Vũ chia sẻ về sai lầm tài chính đã mắc phải.
Cô chia sẻ rằng may mắn lúc đó chưa có con, chứ không Linh Vũ còn cảm thấy hối hận hơn nữa. Bởi vì số tiền đó cô dự định chuẩn bị sinh con cũng như cho những khoản chi tiêu sau này cho con. Kể từ lần đó, vợ chồng Linh Vũ chỉ tham gia vào những khoản sinh lời an toàn, chẳng hạn như gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Cô cũng rút ra kinh nghiệm là trước khi tham gia đầu tư, hãy luôn tìm hiểu rõ tường tận, biết rõ tiền bản thân góp vào sẽ đi về đâu, làm cái gì.
"Đừng tham làm giàu vào những khoản may rủi hay lãi cao, vì không có cái gì không phải làm nhiều lại còn đưa về lợi nhuận cao. Có thể bạn còn trẻ, nghĩ liều chút cũng không sao. Nhưng những khoản để "liều" không nên chiếm quá 30% số tiền tiết kiệm của các bạn".
Linh Vũ
Không dự phòng trước cho những khoản chi bất ngờ
Huệ Nguyễn (27 tuổi, Hà Nội) đã kết hôn 3 năm, hiện nay cả hai vợ chồng đều là nhân viên ngân hàng. Khi nói về thời điểm 1 năm sau khi kết hôn, cô cảm thấy tiếc nuối nhất là đã không chuẩn bị trước cho những tình huống bất ngờ.
"Thời điểm kết hôn, vợ chồng mình tự lên kế hoạch đám cưới bao gồm chi phí đám cưới, từ váy cưới, nhẫn cưới, khoản chi phát sinh trong quá trình tổ chức. Vì Covid, vợ chồng mình hoãn tổ chức đám cưới đến 3 lần. May mắn chi phí không phát sinh quá nhiều. Tuy nhiên, sau đám cưới, tụi mình gần như không còn đồng tiết kiệm nào trong khoảng thời gian đầu tiên".
Sau đó, vợ chồng Huệ Nguyễn bắt đầu lên tỉ mỉ trong việc tích lũy tiền bạc để chuẩn bị cho quá trình mang thai và sinh em bé đầu tiên. Những tháng không phát sinh thêm quá nhiều chi phí, vợ chồng cô tiết kiệm 3-5 triệu/tháng, cộng với khoản tiền thưởng cuối năm là một nguồn tích luỹ khá ổn định. Tuy nhiên, bởi vì trước đó đã dành gần như toàn bộ tiền tiết kiệm để chuẩn bị đám cưới, có những thời điểm Huệ Nguyễn cực kỳ đau đầu với những chi phí phát sinh ngoài dự kiến.
Thường những tháng như vậy, gia đình Huệ Nguyễn sẽ bị "bội chi", chi tiêu lớn hơn thu nhập phải dùng đến tiền tiết kiệm chuẩn bị cho việc sinh em bé. Huệ Nguyễn gặp khó khăn trong câu chuyện lập ngân sách bởi vì trước đó cô không có khoản dự phòng riêng cho những chi phí này. "Nỗi lo hết tiền tiêu, hết tiền sinh hoạt khiến mình luôn cảm thấy đau đầu. Trong những lúc như vậy, mình phải trích một phần quỹ tiết kiệm ra để chi tiêu".
Huệ Nguyễn
Kinh nghiệm cho những cặp đôi mới cưới
Sau những trải nghiệm của bản thân, theo Linh Vũ, cách quản lý tài chính sau khi lập gia đình và ngày còn độc thân rất khác nhau. Cô phải cân nhắc trên nhiều khía cạnh hơn, phân bổ rõ các khoản tiền bao gồm tiết kiệm, tiêu dùng hàng ngày, đầu tư.
"Đừng để việc ăn tiêu lạm vào khoản tiết kiệm. Khi có con, bạn còn phải có những khoản dự phòng chẳng hạn như những lúc ốm đau. Mình nghĩ rằng mọi người nên tập thói quen tiết kiệm càng sớm càng tốt, và chỉ nên đầu tư vào những gì mình hiểu rõ".
Còn đối với Huệ Nguyễn, cô bạn chia sẻ rằng các cặp vợ chồng trẻ nên chủ động trong phương án chi tiêu, quản lý tài chính gia đình. "Mới đầu có thể sự thay đổi làm các bạn thấy không thoải mái. Nhưng quan trọng nhất là vợ chồng nên hướng tới mộtmục đích lâu dài xây dựng tài chính bền vững. Chúng ta còn cả một quá trình lâu và dài, mang thai, sinh con, giáo dục con cái, mua sắm thêm tài sản hoặc đầu tư. Để có thể đảm bảo cuộc sống trong mức tốt nhất có thể, lời khuyên chân thành và quan trọng nhất là hãy thật tiết kiệm và chi tiêu hợp lý".
Phụ nữ Việt Nam