MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sai phạm hàng loạt, Chứng khoán Globalmind Capital do ông Thái Văn Chuyện làm Chủ tịch bị phạt nặng!

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa có quyết định đưa Chứng khoán Globalmind Capita (GMC) vào diện kiểm soát, từ ngày 19/8/2019-19/8/2020.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Chứng khoán Globalmind Capital (GMC) với tổng số tiền lên tới 665 triệu đồng.

Chi tiết các điều khoản bị phạt:

Thứ nhất, GMC bị phạt 200 triệu đồng do cung cấp dịch vụ chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.

Trong đó, Quyết định số 128/QĐ-UBCK ngày 29/11/2011 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấp thuận đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của Công ty đã hết hạn từ ngày 29/1/2016.

Ngày 16/5/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn yêu cầu Công ty giải trình việc cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra (11/7/2019), Công ty vẫn nhận lệnh giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư qua điện thoại và chưa đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thứ hai, GMC bị phạt 85 triệu đồng do thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhưng không thông qua ĐHĐCĐ hoặc không có ủy quyền của ĐHĐCĐ.

Cụ thể, trong năm 2019, Công ty thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ từ 55 tỷ đồng lên 155 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 số 1/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/4/2018. Ghi nhận, phương án sử dụng vốn là bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép hiện tại là môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, ngày 26/2/2019, HĐQT Công ty đã thực hiện chuyển 38,5 tỷ đồng đặt cọc mua bất động sản và 61,1223 tỷ đồng đặt cọc mua cổ phần/chứng khoán (theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐQT ngày 25/02/2019) nhưng không thông qua ĐHĐCĐ).

Đồng thời, Công ty buộc thông qua ĐHĐCĐ gần nhất về việc thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo quy định.

Thứ ba, GMC bị phạt 150 triệu đồng do không xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty chưa hoàn thiện việc xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng theo phương thức nhà đầu tư trực tiếp mở tài khoản tại ngân hàng thương mại.

Thứ tư, Công ty bị phạt 85 triệu đồng do không thiết lập hệ thống kiểm toán nội bộ.

Thứ năm, GMC bị xử phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật các tài liệu: Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, Biên bản kiểm phiếu họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2018, Nghị quyết HĐQT số 2/2019/NQ-HĐQT ngày 25/02/2019 của HĐQT về thông qua các giao dịch đặt cọc, nhận chuyển nhượng bất động sản và giao dịch đặt cọc, mua cổ phần/chứng khoán; Công ty không trình bày nội dung về giao dịch với người có liên quan trong BCTC quý 1/2019).

Cuối cùng, GMC còn bị phạt 85 triệu đồng do báo cáo có nội dung không chính xác. Cụ thể, tại các báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính định kỳ tháng 12/2018 và tháng 1-6/2019, Công ty báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đều trên 180%. Tuy nhiên sau khi thực hiện tính toán lại cho thấy tại báo cáo tháng 12/2018 và tháng 1/2019, tỷ lệ an toàn tài chính của công ty <180%, tại báo cáo tháng 1-6/2019 tỷ lệ an toàn tài chính của Công ty <150%).

Sai phạm hàng loạt, Chứng khoán Globalmind Capital do ông Thái Văn Chuyện làm Chủ tịch bị phạt nặng! - Ảnh 1.

Hình ảnh Website GMC.

Bên cạnh đó, Công ty buộc cải chính thông tin theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa có quyết định đưa GMC vào diện kiểm soát, từ ngày 19/8/2019-19/8/2020.

Được biết, GMC tiền thân là Chứng khoán Hoàng Gia (được đổi tên vào cuối năm 2018) được thành lập vào năm 2006, hiện có vốn điều lệ 155 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 62 Trần Huy Liệu (Phú Nhuận, Tp.HCM).

Do làm ăn liên tục sa sút, cuối năm 2017 Công ty đã phải tái cơ cấu. Trong đó, 3 lãnh đạo của cấp cao chính thức chuyển nhượng thành công toàn bộ 89% vốn tại doanh nghiệp này cho 3 cá nhân khác.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Võ Duy Đạo đã chuyển nhượng 1,47 triệu cổ phiếu (26,7%) và 2 Thành viên HĐQT Tạ Thị Phương Trang, Trần Xuân Huy lần lượt bán 1,47 triệu cổ phiếu và 1,96 triệu cổ phiếu ROSE. Đối ứng, 3 cá nhân nhận chuyển nhượng gồm bà Phạm Thị Nhật Thanh nhận gần 2 triệu cổ phiếu, tương đương 35,6% vốn, bà Huỳnh Thị Thu Trang và ông Huỳnh Đăng Khoa mỗi người mua 1,47 triệu cổ phiếu (26,7%).

Đến tháng 10/2018, Công ty tiếp tục thông qua việc bầu Chủ tịch và thay đổi người đại diện theo pháp luật. Đáng chú ý, ông Thái Văn Chuyện được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2017-2022 kể từ ngày 10/10/2018. Đồng thời ông Thái Văn Chuyện là người đại diện theo pháp luật của Công ty thay bà Phạm Thị Nhật Thanh.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên