Sai phạm lớn tại ĐH Đông Đô: Bộ GD&ĐT trả lời chung chung, lờ trách nhiệm?
Trong văn bản trả lời báo chí ngày 17/8, 2 tuần sau khi lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô bị khởi tố, Bộ GD&ĐT không hề nhắc đến trách nhiệm quản lý nhà nước của mình mà trả lời rất chung chung. Liên quan đến những sai phạm của Trường ĐH Đông Đô, dư luận đặt câu hỏi khi nào Bộ GD&ĐT đề xuất giải thể trường này?
- 27-08-2019Ban Giám hiệu 2 lần bị khởi tố, có nên giải thể Trường ĐH Đông Đô?
- 25-08-2019Trường ĐH Đông Đô đang chơi trò “mèo vờn chuột”?
- 21-08-2019Chân dung Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Đông Đô vừa bị truy nã
- 05-08-2019Hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị bắt, Bộ Giáo dục có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2?
Một cựu lãnh đạo Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, khi còn công tác tại Bộ GD& ĐT, ông đã cùng một số cán bộ của Thanh tra Bộ GD&ĐT và Vụ Giáo dục ĐH đề nghị lãnh đạo bộ này trình Thủ tướng Chính phủ cho giải thể Trường ĐH Đông Đô vì những sai phạm có hệ thống của trường này. Trường ĐH Đông Đô nhiều lần bị xử phạt, hiệu trưởng cũng bị ra tòa...
Nhiều lần thanh tra và kiểm tra trường này không có khả năng đảm bảo các tiêu chí về tài chính, cơ sở vật chất, nội bộ kiện cáo lẫn nhau liên tục, không đủ tỷ lệ giảng viên cơ hữu (có người đã mất vẫn được ghi danh là giảng viên thỉnh giảng của trường). Khi đề nghị giải thể trường, những người đề xuất cũng tính đến phương án cho sinh viên chuyển về các trường ngoài công lập khác ở Hà Nội để đảm bảo quyền lợi và nguyện vọng được học tiếp của sinh viên.
“Tôi nghĩ lần này Bộ GD&ĐT phải kịp thời và kiên quyết trong việc giải thể trường ĐH Đông Đô trước sự việc vi phạm nghiêm trọng của cả một ê kíp lãnh đạo trường hiện nay. Đồng thời Bộ GD&DT cần kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm của các Trường ĐH qua thanh tra và kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT” - vị này đề nghị.
Theo quy định trường đại học bị giải thể nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức hoạt động của trường đại học.
Việc Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô bị khởi tố và bị bắt, chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường bị truy nã vừa qua cho thấy đây một lần nữa là “đại án” chưa từng có trong lịch sử giáo dục ĐH Việt Nam. Nhưng đến giờ vì sao Bộ GD&ĐT vẫn chưa có động thái nào?
Trong văn bản trả lời báo chí ngày 17/8, 2 tuần sau khi lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô bị khởi tố, Bộ GD&ĐT không hề nhắc đến trách nhiệm quản lý nhà nước của mình mà trả lời rất chung chung, theo chiều hướng phủ nhận trách nhiệm bằng cách viện dẫn các quy định để cho rằng, các trường phải “tự chịu trách nhiệm”, còn Bộ không cho phép, nên không bắt báo cáo và lại càng không biết.
Về việc Bộ GD&ĐT có biết Trường ĐH Đông Đô đào tạo chui văn bằng 2 không, văn bản của bộ cho rằng, trường không thông tin gì về đào tạo văn bằng 2 và trường không gửi hồ sơ xin phép nên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cũng không yêu cầu trường báo cáo.
Còn việc cung ứng phôi bằng cho trường, thì trách nhiệm được đẩy sang cho Văn phòng Bộ GD&ĐT, nơi phụ trách một xưởng in, để khẳng định mối quan hệ giữa Bộ và trường là mối quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng (mối quan hệ dân sự). Trong khi vai trò kiểm tra việc quản lý văn bằng, chứng chỉ của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) lại không hề được nhắc đến.
Liên quan tới hoạt động thanh tra, kiểm tra riêng về đào tạo và cấp văn bằng 2, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, triển khai kế hoạch thanh tra năm 2018, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của trường này). Tuy nhiên, trường đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong.
Tuy nhiên, như Tiền Phong đã phản ánh ở những số báo trước rằng thấy Bộ GD&ĐT đều “thấy mà như không” khi đoàn kiểm tra số 1 của Bộ đã biết và thậm chí ghi nhận vào biên bản là Trường ĐH Đông Đô có đào tạo văn bằng 2. Câu hỏi đặt ra là đoàn có phát hiện ra đó là đào tạo chui và có báo cáo lại với lãnh đạo Bộ GD&ĐT hay không?
Tiền Phong