“Sai phạm nghìn tỷ” tại một số dự án BT ở Hà Nội
Kết quả thanh tra một số dự án BT, BOT trên địa bàn Hà Nội đã chỉ ra nhiều sai phạm của nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý...
- 12-06-2017Nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án BOT giao thông
- 11-06-2017Có luật sẽ sửa được 70% vấn đề tồn tại của các dự án BOT
- 01-06-2017Kiểm toán Nhà nước sẽ báo cáo về 24 dự án BOT giao thông vào tháng 10
Ngày 19/7, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, bên cạnh một số kết quả tích cực trong việc huy động nguồn lực xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng cho Thủ đô, việc thực hiện các dự án theo hình thức BT, BOT trên địa bàn Hà Nội cũng đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, sai phạm.
Hầu hết đều sai phạm, đội vốn
Cụ thể, đối với UBND thành phố Hà Nội, cơ quan này chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT lĩnh vực giao thông và môi trường, giai đoạn 2008 -2012 gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện chủ trương đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Trên thực tế, tại thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là chỉ định thầu.
Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; thậm chí là đã ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Tasco dù năng lực tài chính hạn chế nhưng vẫn được lựa chọn để thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; hay đối với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.
Cũng do sai phạm trong quá trình thẩm định năng lực nhà đầu tư nên hầu hết các dự án đều chậm tiến độ do năng lực tài chính hoặc bố trí vốn chủ sở hữu cho dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân như cam kết…trong đó bao gồm 2 dự án của 2 doanh nghiệp nói trên và dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ…
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm tăng tổng mức đầu tư dự án.
Dự án nhà máy nước Yên Sở: Thanh tra Chính phủ phát hiện dự án được khởi công xây dựng khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; chưa cho phê duyệt dự án đầu tư.
Hàng loạt các vi phạm sau đó của nhà đầu tư về thiết kế, ký hợp đồng EPC…dù chưa được cơ quan chức năng thẩm định vẫn tiến hành triển khai dự án, trong khi các cơ quan quản lý thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi không tiến hành kiểm tra, giám sát đối với dự án này.
Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án này không chính xác làm tăng giá trị hợp đồng lên 19,5 tỷ đồng.
Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An cũng có sai phạm tương tự làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 12 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho số tiền tăng thêm 15,9 tỷ đồng.
Đối với dự án nút giao thông Long Biên, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư làm tăng giá trị trên 34 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho tăng thêm hơn 4,5 tỷ đồng.
Một số vi phạm khác về giải phóng mặt bằng, di dời, tính toán khối lượng dự toán…cũng đã khiến cho dự án đội thêm trên 12 tỷ đồng.
Đối với dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư để điều chỉnh giá trị hợp đồng BT tính toán sai khối lượng tại một số hạng mục, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm sai tăng giá trị tổng mức đầu tư hơn 14,4 tỷ đồng.
Với dự án đường trục phía Nam, tỉnh Hà Tây cũ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án BT là chưa có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng mức đầu tư của để ký hợp đồng dự án tăng sai thêm 920 tỷ, gây ảnh hướng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng dự án BT.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện việc giám sát thực hiện hợp đồng của UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm tăng chi phí đầu tư.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm cả lãnh đạo thành phố
Với kết quả thanh tra trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội căn cứ vào kết quả thanh tra, tiến hành xử lý trách nhiệm của lãnh đạo thành phố do có liên quan đến các sai phạm nói trên.
Xử lý trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chậm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường Hà Nội - Hưng Yên.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội căn cứ kết quả thanh tra xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thuộc các sở, ngành của thành phố; các nhà thầu tư vấn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan…
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm trừ quyết toán 1,339 triệu USD đối với phát sinh lãi vay sau ngày 8/11/2012 tại dự án nhà máy nước thải Yên Sở.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thẩm tra, xem xét lại hàng loạt khoản chi phí, dự toán khác, trong đó đáng chú ý là khoản chi phí bồi thường đất cho dự án nhà máy nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với giá trị dự toán 66,4 nghìn USD; chi phí luật chung với giá trị dự toán hơn 612 nghìn USD đề nghị giảm trừ khi quyết toán vốn đầu tư.
Đối với dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) nộp ngay vào ngân sách Nhà nước 1.428 tỷ đồng, bao gồm 902 tỷ đồng chi phí lãi vay và 510 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT.
Dự án BT và dự án khu đô thị (dự án khác) đã bị chậm tiến độ, đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở ngành có liên quan tham mưu lựa chọn nhà đầu tư, tiến hành xem xét, đánh giá toàn bộ năng lực tài chính của nhà đầu tư để quyết định việc tiếp tục triển khai, thực hiện và hoàn thành dự á BT.
Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Nam Từ Liêm và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco giảm trừ tổng mức đầu tư hơn 19,5 tỷ đồng; yêu cầu nhà đầu tư tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước hơn 11,2 tỷ đồng do áp sai suất vốn đầu tư.
Đối với một số dự án khác như đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, nút giao thông trung tâm quận Long Biên…Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giảm trừ tổng mức đầu tư và loại khỏi danh mục quyết toán gần 100 tỷ đồng.
Vneconomy