MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắm hàng hiệu xách tay cho đúng "chất", người dùng xuống tiền bằng niềm tin

17-07-2018 - 22:47 PM | Thị trường

Nhiều người tiêu dùng cho biết, việc mua hàng xách tay từ nước ngoài không chỉ rẻ hơn so với hàng Việt Nam mà còn... độc.

Tâm lý sính hàng ngoại, đặc biệt là các loại hàng xách tay từ nước ngoài đang được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, chẳng dễ dàng khi mua được bộ mỹ phẩm xịn, bộ đầm hay lọ nước hoa hàng hiệu với một món tiền vừa phải tại các trung tâm thương mại ở Việt Nam. 

Thế nhưng hàng xách tay lại giúp những người có tài chính eo hẹp nhưng thích dùng hàng hiệu thỏa mãn với những món đồ rẻ hơn giá của sản phẩm trên thị trường nhưng vẫn độc, lạ và có thương hiệu nổi tiếng.

Giá thành phụ thuộc vào người bán

Tâm lý người tiêu dùng cho rằng các sản phẩm xách tay thường có mức giá rẻ hơn so với sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng và đại lý chính hãng do không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế kinh doanh... Chưa kể, những người kinh doanh mặt hàng này thường buôn bán qua các trang mạng xã hội do đó có thể tiết kiệm nhiều chi phí như phí thuế mặt bằng, nhân công,... Họ chỉ cần lấy hình ảnh, thông tin sản phẩm qua các trang web chính thức của thương hiệu, nhận và hẹn ngày giao hàng với khách, mọi việc diễn ra khá dễ dàng mà không chịu bất kỳ sự giám sát hay quản lý nào.

Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng xách tay đều gom hàng giảm giá trong mùa khuyến mại ở nước ngoài, có những mặt hàng giảm giá lên tới 70% rồi về Việt Nam vẫn được bán với giá ngang bằng thị trường (chưa giảm) hoặc chỉ thấp hơn một chút. Ngoài ra, nhiều đầu mối nhập hàng từ đại lý cho biết, họ còn được hưởng chiết khấu từ 20-30% hoặc tặng hàng, miễn phí vận chuyển khi "order" từ nước ngoài.

Tại một cửa hàng xách tay trên đường Hoàng Quốc Việt, chủ cửa hàng cho biết cửa hàng bán các loại từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép, sữa bột... từ các nước Hàn Quốc, Ý, Pháp, Nhật, Ba Lan. Các loại hàng ở đây được tiếp viên hàng không xách trực tiếp từ nước ngoài về. Hầu hết các mặt hàng đều là hàng miễn thuế bán trực tiếp tại sân bay nên đảm bảo hàng thật và chất lượng.

Chị Huyền, nhân viên văn phòng, một khách quen của cửa hàng chia sẻ, chị rất thích các sản phẩm ở cửa hàng này vì đảm bảo chất lượng. "Tôi từng mua cặp dầu gội ở đây với mức giá là gần 700.000 đồng/cặp để làm quà tặng nhưng khi vào siêu thị cũng thương hiệu và xuất xứ thì cặp dầu gội đó chỉ còn 500.000 đồng. Biết là giá cao nhưng tôi vẫn yên tâm vì đó là hàng xịn" - chị Huyền cho biết.

Làm trong môi trường năng động và thường xuyên gặp gỡ khách hàng, chị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, tháng nào chị cũng phải để ra chục triệu cho việc mua sắm quần áo, tuy nhiên, thay vì chọn các thương hiệu thời trang trong nước thì chị đặt hàng xách tay từ nước ngoài.

Lý giải về vấn đề này, chị cho biết, "đặt hàng xách tay ở nước ngoài không chênh nhiều so với trong nước. Các hãng thường xuyên tung ra nhiều đợt giảm giá nên tính ra nếu đặt hàng về chỉ bằng hàng Việt Nam xuất khẩu, thậm chí rẻ hơn".

Cùng suy nghĩ với chị Lan, chị Hoài (nhân viên ngân hàng trên đường Cầu Giấy) cũng là một tín đồ của hàng hiệu và hàng xác tay, chị cho hay không yên tâm khi mua hàng giảm giá ở Việt Nam do khó có thể nắm được giá trị thực món đồ. Nếu vận chuyển trực tiếp về Việt Nam thì giá thành có thể lên cao hơn một chút nhưng chị chấp nhận.

Thật giả lẫn lộn

Trên thị trường hiện nay, hàng xách tay về Việt Nam chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, điện thoại, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Đức, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Anh, Mỹ...Bên cạnh đó, người Việt có tâm lý sính ngoại khi mua hàng từ những sản phẩm có thương hiệu nước ngoài, họ sẵn sàng mua ngay mà sẵn sàng bỏ qua chế độ bảo hành, hóa đơn, nguồn gốc cũng như kiểm tra giá trị thực mặt hàng đó.

Một điều dễ dàng nhận thấy, hàng xách tay luôn được gắn mác là hàng hiệu, hàng xịn... tuy nhiên thực hư ra sao chỉ có người bán hàng mới biết do các sản phẩm này thường không có giấy tờ để chứng minh nguồn gốc. Nhiều người kinh doanh ban đầu còn nhập hàng thật để tạo uy tín nhưng về sau thường có xu hướng trộn hàng giả, hàng nhái để thu lợi nhuận cao. Chính điều này khiến cho người tiêu dùng hoang mang, thị trường hàng xách tay trở nên "vàng thau lẫn lộn".

Có thể nói, việc mua hàng xách tay cũng như con dao hai lưỡi, có rất nhiều rủi ro mà người mua hàng không lường trước được. 

Chị Mai, một người có kinh nghiệm 5 năm mua hàng xách tay từ nước ngoài về cho biết, những người mới mua có thể mua phải hàng giả, hàng lỗi còn những người có kinh nghiệm đôi khi còn bị đánh tráo hàng giả do công nghệ làm giả hiện nay rất tinh vi.

"Điểm yếu của hàng xách tay là không được bảo hành, không linh kiện, phụ kiện thay thế, người tiêu dùng dễ dàng lâm vào cảnh "dở khóc dở cười" nếu làm rơi vỡ, rách,... mà không thể tìm được cái khác thay thế".

Chủ cửa hàng bán đồ xách tay tiết lộ, nếu mua đúng là hàng xách tay thì chất lượng những sản phẩm này không phải lo nhưng hiện nay không ít mặt hàng xách tay có xuất xứ từ Trung Quốc, người bán trà trộn vào cùng với hàng xách tay chất lượng để thu thêm lợi nhuận. Tất nhiên những điều này phần lớn khách hàng không thể biết, họ vẫn tin tưởng rằng mình mua được hàng xịn nhưng thực chất là tiền mất tật mang.

"Để chọn món hàng ưng ý, người mua nên cẩn thận làm theo hướng dẫn chọn kích thước trên web cũng như đọc kỹ mô tả chất liệu, đặc điểm của mỗi sản phẩm, lên mạng tìm hiểu và đọc kỹ hướng dẫn những lưu ý đặc biệt về mặt hàng đó. Đối với người mua hàng tại chỗ cần phải xem kỹ đường may sợi chỉ, nhãn mác của sản phẩm" - chủ cửa hàng khuyến cáo.

(Còn nữa)...

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên