MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SAM Holdings – cá mập tiềm lực mạnh nhất trong chương trình Shark Tank nhưng có kết quả kinh doanh khá “yếu ớt”

28-11-2017 - 11:06 AM | Doanh nghiệp

Lên sàn từ rất sớm, SAM đã tận dụng được giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ trong giai đoạn 2005-2007 để huy động được khoảng hơn 2.000 tỷ đồng - con số rất lớn vào thời điểm đó, thậm chí cho đến ngày nay.

Shark Tank – Thương Vụ Bạc Tỷ là một chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp, với mục đích kết nối giới đầu tư mạo hiểm (Shark) với những công ty khởi nghiệp (startup). Các startup sẽ đến từ nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Chương trình Shark Tank Việt Nam có 4 nhà đầu tư chính là những doanh nhân thành đạt, đứng đầu những doanh nghiệp lớn, nhiều kinh nghiệm thành công trên thương trường.

1. Ông Nguyễn Xuân Phú – Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sunhouse.

2. Ông Trần Anh Vương – Tổng giám đốc Công ty cổ phần SAM Holdings

3. Bà Thái Văn Linh – Giám đốc vận hành & chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital.

4. Ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn Thế Kỷ CEN GROUP; Chủ tịch Công ty CP Đầu tư & Phát triển BĐS Thế Kỷ CEN INVEST.

Các doanh nghiệp của các doanh nhân này cũng là những cái tên khá quen thuộc trên thị trường: Sunhouse là một trong những thương hiệu hàng gia dụng thành công của Việt Nam, VinaCapital là 1 trong 2 quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, CEN Group là công ty trong lĩnh vực bất động sản ở phía Bắc còn SAM Holdings (tên cũ là CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông - SACOM) là 1 trong 2 công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Không tính quỹ đầu tư VinaCapital thì trong 3 công ty còn lại, SAM Holdings có tiềm lực tài chính vượt trội: Tại thời điểm cuối quý 3/2017, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty đạt lần lượt là 4.000 tỷ và 2.500 tỷ. Hội đồng quản trị công ty đã nghị quyết thông qua giá trị đầu tư tối đa vào toàn bộ chương trình Shark Tank Việt Nam là 10 tỷ đồng.

Lên sàn sớm, SAM đã tận dụng được giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ trong giai đoạn 2005-2007 để huy động được khoảng hơn 2.000 tỷ đồng - con số rất lớn vào thời điểm đó, thậm chí cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, việc sử dụng hiệu quả khối tài sản lớn này luôn là vấn đề nan giải của SAM, kể cả sau khi đã thay tên đổi chủ, đổi mới ban lãnh đạo trong vài năm gần đây.

SAM Holdings – cá mập tiềm lực mạnh nhất trong chương trình Shark Tank nhưng có kết quả kinh doanh khá “yếu ớt” - Ảnh 1.

Lợi nhuận của Holdings chưa tương xứng với nguồn vốn đang có

Vốn là công ty thành viên của VNPT, từ khi thành lập đến nay, nguồn thu chính của SAM đến từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cáp và vật liệu viễn thông. Bên cạnh đó, công ty dành một nguồn lực khá lớn vào lĩnh vực bất động sản và đầu tư tài chính - lĩnh vực vốn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Do hoạt động đầu tư tài chính, SAM đã lỗ lớn trong năm 2008 và 2011. Sau khi VNPT thoái hết vốn, ban lãnh đạo mới SAM tiếp tục duy trì "truyền thống" đầu tư tài chính. Hoạt động này tiếp tục khiến SAM lỗ 4 trong 7 quý gần nhất.

Với hiệu quả kinh doanh rất thấp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở (ROE) chỉ từ 2-4% trong những năm gần đây nên cổ phiếu SAM từ lâu vẫn giao dịch dưới mệnh giá.

Khi cùng lên sàn vào tháng 7/2000, SAM và REE có quy mô tương đương nhau. Nhưng với khác biệt về quản trị, chiến lược kinh doanh đã khiến cho vị thế của 2 công ty này sau gần 20 năm khá là khác biệt. Hiện cổ phiếu REE đang ở vùng giá cao nhất từ khi lên sàn (tính theo giá điều chỉnh) với giá trị công ty đạt xấp xỉ 12.000 tỷ đồng - gấp 7 lần so với SAM.

SAM Holdings – cá mập tiềm lực mạnh nhất trong chương trình Shark Tank nhưng có kết quả kinh doanh khá “yếu ớt” - Ảnh 2.

Kinh Kha

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên