Samsung Galaxy Note 8 giúp Việt Nam tiếp tục “thoát” Trung, dịch chuyển nguồn nhập khẩu sang Hàn Quốc
Nhập siêu từ Hàn Quốc 9 tháng năm 2017 lên đến 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ 2016, đưa Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
- 29-09-2017Vì sao GDP quý III đạt mức tăng trưởng kỷ lục 7,46%?
- 29-09-2017Toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2017: Nhiều tín hiệu khởi sắc!
- 25-09-2017Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phân bổ ngân sách theo từng tỉnh nên không trách nhiều chuyên gia nói 63 nền kinh tế trong 63 tỉnh
- 25-09-2017Khu kinh tế ở Việt Nam: “Nơi tạo cuộc đua xuống đáy”
Số liệu này vừa được Tổng Cục thống kê đưa ra sáng ngày 29/9.
Số liệu cho thấy, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng 9 ước đạt 19 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước nhưng tiếp tục tăng mạnh 23,6% so với cùng kỳ 2016. Tính chung cả 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khoảng 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,2 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 110,8 tỷ USD.
Về phía nhập khẩu, tháng 9, kim ngạch nhập khẩu ước tính 18,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 61,3 tỷ USD, khu vực FDI đạt 93,2 tỷ USD.
Như vậy, trong 9 tháng qua, Việt Nam nhập siêu 442 triệu USD (khu vực kinh tế trong nước: 18,08 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 17,64 tỷ USD).
“Đáng lưu ý, Hàn Quốc tiếp tục là thị tường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ 9 tháng 2016”, phía Tổng cục Thống kê cho hay. Mức thâm hụt thương mại này đã tăng gần 7,4 tỷ USD so với quý trước.
Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn thứ 2 của Việt Nam với 19,7 tỷ USD, giảm 5,6%. Còn nhập siêu từ ASAN là 4,6 tỷ USD.
Giải thích thêm về con số nhập siêu lớn từ thị trường Hàn Quốc, bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại cho biết là do Samsung năm nay mở rộng sản xuất, trong đó, nhập khẩu máy móc, linh phụ kiện, chuẩn bị cho sản xuất Samsung Galaxy Note 8. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn vẫn duy trì ở mức ổn định, dẫn đến thâm hụt.
Bà Lợi cũng nói thêm theo tỷ trọng, Samsung đóng góp cho xuất khẩu Việt Nam là hơn 20% và nhập khẩu dưới 20%.
Theo ghi nhận, từ quý II/2017, Hàn Quốc đã chính thức “vượt mặt” Trung Quốc, trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã gọi đây là điều chưa từng có trong lịch sử.
Nhìn vào xu hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc, có thể thấy kim ngạch nhập khẩu từ nước này đã có xu hướng tăng mạnh từ năm 2014.
Đối với câu chuyện trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhận định việc Hàn Quốc vượt mặt Trung Quốc nhập siêu phần nào đó sẽ “đỡ đi sức ép quá đáng từ Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự lo lắng liệu đây có thể trở thành một trần cản đối với các doanh nghiệp Việt đang muốn vươn mình?
“Vì Hàn Quốc họ đang làm những ngành tiên tiến hơn chúng ta, do đó, khi doanh nghiệp Việt muốn vươn lên thì lại bị chặn lại. Nếu như trước đây, doanh nghiệp Việt bị chặn bởi Trung Quốc nhưng họ chỉ đưa ra được mặt hàng chất lượng tương đương chúng ta, còn Hàn Quốc lại cao hơn vài bậc”, bà nói.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng trong tương lai dài hạn, Việt Nam cần phải xem xét kỹ vấn đề này vì nó có thể thành mối lo ngại về sau.