Samsung, Huawei và cuộc chiến tranh giành ngôi vương
Cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ về điện thoại thông minh sẽ xoay quanh công nghệ màn hình gập.
- 31-10-2018Lợi nhuận quý III của Samsung tăng 21%
- 10-10-2018Hàng nghìn nhân viên Samsung bỗng có tài khoản ngân hàng hàng triệu USD mà không hề hay biết: Mánh lới trốn thuế tinh vi của gia tộc họ Lee
- 09-10-2018Từ bình luận 'không phải ngẫu nhiên Samsung đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam' đến lý lẽ về 'thời vận mới' của nước ta giữa lúc Trade War nóng bỏng của SMCP
Hoa Xuân Doanh, cũng như nhiều công dân của quốc gia đông dân nhất thế giới, là người nhiệt tình ủng hộ hãng công nghệ Huawei Technologies. Đó là lý do trong một buổi họp báo gần đây về việc Bắc Kinh có nghe lén iPhone của Tổng thống Donald Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không bỏ qua cơ hội để thể hiện niềm kiêu hãnh về gã khổng lồ công nghệ này qua những ưu điểm vượt trội mà công ty đang sỡ hữu so với những đối thủ đến từ Mỹ.
“Nếu Nhà Trắng lo ngại việc các cuộc đàm thoại của họ qua iPhone có thể bị nghe lén, tôi khuyên họ nên dùng một chiếc điện thoại Huawei”, bà trả lời tuần trước.
Câu trả lời của bà Hoa, trong bối cảnh có hàng loạt cáo buộc từ Mỹ nhằm vào Huawei, thể hiện sự tự tin và niềm tự hào dành cho hãng sản xuất điện thoại lớn nhất quốc gia này. Nhưng đối với những ngườithực sự cảm nhận được tham vọng của Huawei trong thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng trong vài năm trở lại đây lại mang đến nhiều nghi ngại.
Samsung Electronics hiện vẫn là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Công ty này vẫn có thể khẳng định vị trí “chiếu trên” trong làng công nghệ trong một khoảng thời gian nữa. Nhưng mỗi quý qua đi, nhà sản xuất điện thoại thông minh của Hàn Quốc không thể phủ nhận rằng khoảng cách giữa hai công ty sản xuất smartphone hàng đầu châu Á đang nhanh chóng bị thu hẹp lại.
Chỉ trong năm nay, Huawei đã vượt mặt Apple để trở thành công ty lớn thứ 2 thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất smartphone, ngay khi quý II khép lại. Giờ đây, Samsung và Huawei đang tham gia một cuộc chiến khốc liệt để dành vị trí bá chủ trong ngành công nghiệp này.
Ảnh minh họa: Reuters.
Đó là cuộc chiến không đơn thuần bao gồm cá nhân hai công ty, mà nó còn liên quan đến chuỗi cung ứng đang phục vụ hai công ty này. Sự cạnh tranh diễn ra tại chính những cửa hàng bán lẻ, những nghiên cứu, những viện phát triển sản phẩm của cả hai hãng, thậm chí hai công ty còn đưa nhau ra tòa với nhiều cáo buộc lẫn nhau trong vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tiếng chuông báo hiệu hiệp đấu tiếp theo sắp vang lên khi mà cả hai hãng đang chuẩn bị tung ra dòng sản phẩm mới nhất: điện thoại thông minh có khả năng gập mở. Samsung sẽ giới thiệu một giao diện người dùng hoàn toàn mới tại San Francisco vào tuần tới.Hãng được kỳ vọng sẽ tung sản phẩm ra thị trường vào đầu năm sau. Huawei cũng ấp ủ sẽ vén màn thiết bị cầm tay thế hệ thứ 5 của hãng - một chiếc điện thoại có khả năng gập mở, vào giữa năm sau.
Thiết kế cho chiếc smartphone gập mở vẫn chưa được công bố nhưng nhiều nguồn tin cho thấy, điện thoại sẽ được trang bị màn hình OLED. Điện thoại có khả năng gập lại với kích thước vừa với bàn tay người dùng nhưng cũng có thể mở rộng ra bằng với kích thước một chiếc máy tính bảng trong trường hợp người sử dụng cần một màn hình to hơn, đa chức năng hơn.
Cả hai công ty hy vọng sản phẩm của họ sẽ đánh bại thế hệ iPhone mới nhất được ra mắt hồi tháng 9 vừa qua đến từ đối thủ Apple, ít nhất là trên những thị trường trọng điểm của hai hãng này. Apple đã xây dựng được thương hiệu với việc sản xuất ra những chiếc điện thoại iPhone cao cấp. Tuy nhiên, công ty có trụ sở tại thung lũng Sillicon này chỉ đang nằm trên một phân khúc nhỏ của thị trường, không giống như Samsung và Huawei khi sản phẩm của họ dàn trải trên nhiều phân khúc giá.
Thị trường thiết bị cầm tay trên toàn cầu có quy mô lên đến 1,5 tỷ máy mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng của thị trường đã có sự chững lại trong thời gian gần đây và hai hãng hy vọng sản phẩm mới có khả năng gập mở của họ sẽ là nhân tố then chốt giúp hồi sinh thị trường.
Cuộc chiến giờ đây là dành cho hãng nào có bước khởi đầu tốt hơn, khi mà một lễ ra mắt thành công có thể mang tính chất quyết định nhiều hơn là mức doanh số hàng triệu máy. Công ty nào sở hữu công nghệ vượt trội sẽ đạt được vị thế thượng phong trong quá trình thay đổi thói quen của người dùng trong việc sử dụng các thiết bị thông minh trong tương lai. Họ không chỉ sẽ thay đổi chiếc điện thoại cũ kỹ mà còn bao gồm cả những máy tính bảng và thậm chí là cả chiếc máy tính cá nhân, mở ra một phân khúc thị trường hoàn toàn mới, một số chuyên gia chia sẻ.
Nó có thể mang lại những nguồn doanh thu mới ví dụ như việc nhượng quyền công nghệ hoặc phát triển các phần mềm phù hợp với các thiết bị đa năng thế hệ mới. Samsung đã nhanh chân hơn trong việc phát hiện ra tiềm năng này.
“Một chiếc điện thoại có khả năng gập mở sẽ cũng cấp cho người dùng một môi trường đa nhiệm”, Lee Kyung-tae, một lãnh đạo của Samsung, chia sẻ. “Chúng tôi cũng sẽ tập trung xây dựng các phần mềm được tối ưu hóa cho thiết bị mới. Bên canh đó, chúng tôi cũng sẽ chia sẻ các dữ liệu liên quan cho những nhà phát triển phần mềm”.
Thị phần điện thoại thông minh của Huawei và Samsung cùng xếp hạng toàn cầu của hai công ty.
Sức hấp dẫn của mảng thị trường mới này thậm chí còn tăng mạnh hơn trong bối cảnh cạnh tranh đang diễn ra hết sức khốc liệt. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, số lượng thiết bị của Huawei bán ra trên toàn cầu đã tăng lên gấp 4 lần từ mức 29,1 triệu máy vào năm 2012 lên mức 153,1 triệu máy vào năm 2017, song song với đó là thị phần của hãng đã tăng từ 4% lên 10,4%. Trái lại, thị phần của Samsung lại có sự sụt giảm từ 39,6% xuống mức 21,6% trong cùng giai đoạn đó mặc dù lượng thiết bị bán ra tăng từ 215,8 triệu máy lên mức 317,3 triệu máy.
Trong quý II của năm nay, Huawei đã trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 toàn cầu sau khi đã vượt qua Apple khi đã bán ra 54,2 triệu máy, chiếm 15,8% thị phần, tăng trưởng từ mốc 11,8% thị phần vào 3 tháng trước đó. Samsung lại có sự sụt giảm lên đến 23,4% trong vòng 3 tháng trong cùng giai đoạn này, sau khi đã bán ra được tổng cộng 71,5 triệu máy, chiếm 20,9% thị phần.
Mặc dù vẫn là công ty sản xuất điện thoại số 1 toàn cầu, Samsung đã dần cảm nhận được sức nóng phả vào các từ đối thủ đến từ Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác. Không hề kém cạnh, Oppo, Vivo và Xiaomi là những hãng đang cạnh tranh ngang ngửa với Samsung tại thị trường Ấn Độ.
“Họ theo sau chúng tôi sát nút rồi, chỉ cần một bước nữa thôi là họ có thể vượt mặt chúng tôi. Các biện pháp đối phó trong tình thế này là không hề dễ dàng khi chúng tôi phải có những chiến lược cạnh tranh với từng hãng một”, một lãnh đạo Samsung trả lời.
Samsung tin rằng lợi thế của họ chính là vị thế dẫn đầu về công nghệ. Công ty này tự tin rằng công nghệ mà họ đang sở hữu tân tiến hơn rất nhiều so với các đối thủ Trung Quốc, một nguồn tin thân cận chia sẻ.
Thậm chí các công ty đối thủ cũng thừa nhận rằng Samsung đang “ăn nên làm ra” tại nhiều thị trường trong khi họ lại đang gặp muôn vàn khó khăn. “Samsung đang sở hữu rất nhiều công nghệ phần cứng tiên tiến ví dụ như các con chip xử lý bộ nhớ hay màn hình”, một kỹ sư của Huawei cho biết.
Cũng có những hoài nghi rằng tốc độ đổi mới của Samsung đang chậm dần, hoặc ít nhất là đã mất đi các động lực phát triển trước đó. Vụ ra mắt đầy tai tiếng của Note 7 hai năm về trước đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến danh tiếng của công ty. Samsung đã buộc phải khai tử dòng Note 7 vào năm 2016 sau khi hàng trăm khách hàng phàn nàn về việc chiếc điện thoại của họ bốc cháy trong quá trình sạc điện.
Doanh số điện thoại thông minh hàng năm của Samsung và Huawei.
Cuộc khủng hoảng của Samsung dường như đã tiếp thêm động lực cho Huawei, hãng điện thoại lúc đó đã rất phổ biến trong thị trường nội địa. “Samsung thực sự đang mất đi sức mạnh vốn có, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc”, kỹ sư của Huawei chia sẻ.
Huawei đã dành được 26% thị phần trong quý II năm nay, theo công ty nghiên cứu Counterpoint. Thị phần của Apple chỉ đạt mức 8% trong cùng giai đoạn, trong khi chỉ số tương đương của Samsung đã giảm hơn 1% kể từ quý IV/2017.
Các nhà phân tích cho rằng khó khăn của Samsung tại thị trường Trung Quốc một phần là thất bại của sản phẩm Note 7, bên cạnh đó là việc các nhà mạng tại quốc gia này đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho các hãng điện thoại nội địa ở phân khúc thấp và tầm trung hơn là phân khúc cao cấp.
“Huawei được hưởng lợi rất nhiều từ thị trường nội địa nơi mà lợi thế cạnh tranh nghiêng hẳn về phía họ”, C.W Chung, một chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Nomura, nhận định.
Với chiếc điện thoại có khả năng gập mở, Samsung kỳ vọng sẽ gia tăng đà phát triển của hãng nhưng Huawei cũng đang rất quyết tâm không để đối thủ vượt mặt.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới, cả hai công ty đang xây dựng hệ thống phòng thủ xung quanh chuỗi cung ứng của họ.
Những người theo dõi thị trường cho biết Samsung đã thôi thúc đơn vị thành viện Samsung Display để cạnh tranh công nghệ màn hình linh hoạt được trang bị trên sản phẩm điện thoại gập mở đến từ đối thủ Huawei. Samsung Display được kỳ vọng sẽ cung cấp loại màn hình có thể bẻ cong cho Samsung Electronics trong giai đoạn đầu tiên và sau đó sẽ cung cấp cho các đơn vị chế tạo khác, giống như những gì họ đã làm bởi các thế hệ Galaxy và Note tiền nhiệm.
Tập đoàn này cũng sẽ trực tiếp sản xuất nhiều linh kiện cũng như lắp ráp thiết bị để duy trì vị thế độc quyền, tránh nguy cơ rò rỉ công nghệ.
Trong khi đó, Huawei đã thiết lập mối hợp tác chiến lược với tập đoàn công nghệ BOE - công ty dẫn đầu về sản xuất màn hình tại thị trường Trung Quốc để phát triển dòng màn hình OLED linh hoạt. Công ty này cũng có được sự hậu thuẫn của nhiều công ty hàng đầu về sản xuất linh kiện của cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan, phần nhiều trong số đó hiện đang là các nhà cung cấp cho Apple.
Các nhà phân tích cho biết cách tiếp cận của Samsung có thể đem lại lợi thế cho công ty này, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định. “Samsung đã phát triển gần hoàn thiện chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc của họ”, theo Peter Yu, chuyên gia phân tích của Paribas.
Nhưng sẽ không quá lâu để Huawei có thể bắt kịp. Hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc chào sân thị trường bằng sản phẩm smartphone đầu tiên vào năm 2010 và đã có bước phát triển thần tốc sau đó, không chỉ bằng việc đã sao chép các phát minh từ chính các đối thủ mà hãng cũng đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu cũng như phát triển sản phẩm.
Tính đến năm 2013, Huawei đã leo lên vị trí thứ 3 toàn cầu, vượt qua nhiều đối thủ lừng lẫy một thời như HTC, Nokia, và nhiều công ty đồng hương khác như Coolpad và Lenovo.
Thành công đó đã nâng tầm tham vọng của Trung Quốc để trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ tiên tiến vào năm 2025. “Phần lớn người Trung Quốc rất tự hào khi đất nước họ có một công ty sở hữu nhiều công nghệ lõi mặc dù Huawei chưa bao giờ thể hiện tinh thần yêu nước trong các chiến dịch marketing”, theo Huang Haifeng, một nhà báo công nghệ uy tín, phó tổng biên tập tờ Commication World.
Ảnh minh họa: Getty Images.
Tuy nhiên, Huawei cũng có những vấn đề cần phải vượt qua. Công ty này đã bị chính phủ hai nước Mỹ và Australia cấm bán các thiết bị viễn thông và công nghệ 5G cho các nhà cung cấp mạng không dây tại hai quốc gia này. Đã có rất nhiều cáo buộc cho rằng Huawei thực hiện các hoạt động tình báo, nguyên nhân là công ty này phát triển từ một đơn vị quốc doanh. Do đó, tuy đang là hãng điện thoại lớn nhất tại Trung Quốc, Huawei lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ.
Điều này chưa có ảnh hưởng quá rõ rệt đến sự phát triển của công ty hoặc tham vọng lật đổ Samsung. Giám đốc mang smartphone của Huawei, Richard Yu, phát biểu trong tháng 7 rằng công ty ông hy vọng sẽ thay thế Apple với tư cách là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 toàn cầu ít nhất là đến cuối năm 2018. Ông cũng hứa rằng sẽ cố gắng giúp công ty vượt qua được đối thủ Samsung trong vòng 1 đến 2 năm tới.
Huawei đã chuẩn bị một nguồn lực dồi dào để thực hiện tham vọng to lớn này. Vào hè năm nay, tập đoàn này cho biết đã lên kế hoạch nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển với việc sẽ đầu tư vào mảng này từ 15 đến 20 tỷ USD. Công ty cũng đã đầu từ 89,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 13 tỷ USD) vào mảng này trong năm 2017, chiếm đến 15% mức tổng doanh thu 92,5 tỷ USD.
Ngược lại, Samsung Electronics đã đầu tư 16,8 nghìn tỷ won (tương dương 14,8 tỷ USD) vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong năm 2017, con số này chỉ chiếm 7% tổng doanh thu của hãng.
Tuy nhiên, Huawei chưa thực sự đối diện với những "chướng ngại vật” trong quá trình thực hiện tham vọng toàn cầu, theo Credit Suisse. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cản trở việc mở rộng sang một số thị trường mới của Huawei.
“Với các thị trường phát triển, Samsung đang có lợi thế hơn so với Huawei vì họ không phải đối mặt với các rủi ro chính trị. Đối với các thị trương mới nổi như Trung Quốc, Huawei lại chiếm ưu thế với sự thân thuộc với thị trường bản địa cũng như việc đẩy mạnh xuất khẩu các công nghệ tiên tiến với giá cả phải chăng đến các thị trường mới nổi khác”, theo Credit Suisse.
Vẫn còn quá sớm để có thể biết được ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến này. Credit Suisse tin rằng cả hai gã khổng lồ công nghệ châu Á đều muốn đổi mới và đều có khả năng dành chiến thắng. “Bây giờ, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính đường đi nước bước của cả hai tập đoàn này”.
Người đồng hành