Sân bay Long Thành được triển khai, doanh nghiệp này có thể hưởng lợi cực lớn
Doanh nghiệp ngày được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh nổi bật như trữ lượng đá lớn, đá có sức chịu nén tốt, vị trí mỏ khai thác gần Sân bay Long Thành.
CTCP Hóa An (DHA) được thành lập năm 1978. Đến năm 2000, công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Ngành nghề kinh doanh của công ty là khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất VLXD, buôn bán vật tư kỹ thuật thiết bị xây dựng; đầu tư và kinh doanh hạ tầng, nhà ở, bến bãi, kho hàng; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi; dịch vụ vận chuyển du lịch, chuyển giao công nghệ khai thác và sản xuất VLXD, hoạt động thăm dò khoáng sản.
Công ty hiện đang sở hữu 3 mỏ đá gồm mỏ đá Thạnh Phú 2, tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai; mỏ đá Tân Cang 3, tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; mỏ đá Núi Gió tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Các mỏ đá của công ty đều có chất lượng khá tốt ở khu vực Đông Nam bộ. Hàng năm công ty khai thác và chế biến trên 1.500.000 m3 đá các loại từ các mỏ đá.
Hóa An có nền tảng cơ bản tốt, hoạt động trong 1 lĩnh vực ổn định, ít biến động. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ đá xây dựng của DHA trong giai đoạn 5 năm vừa qua được duy trì ở mức tốt (trung bình đạt 140% công suất khai thác/ năm). Nhờ vào vị thế trong ngành cũng như là vị trí địa lý thuận lợi để vận chuyển đá tới các công trình, dự án.
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Hóa An là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn khi Sân bay Long Thành được triển khai.
Cụ thể, theo KBSV, sản lượng tiêu thụ đá xây dựng tại khu vực miền Nam ước tính trong giai đoạn 2023/2024 – 2026/2027 xấp xỉ 13,5 triệu m3. Việc lựa chọn được nhà thầu cho gói thi công 5.10 của Sân bay Long Thành là một cú hích lớn đối với ngành đá xây dựng. Nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng của Sân bay Long Thành (giai đoạn 1) xấp xỉ 7,9 triệu m3 trong 3 năm từ 2023/2024 – 2026/2027.
Thêm vào đó, việc đẩy mạnh triển khai Cao tốc Bắc – Nam cũng tạo động lực tăng trưởng cho ngành đá xây dựng trong giai đoạn 2023 – 2027 tới đây. Giả định rằng tiến độ đấu thầu và triển khai Sân bay Long Thành giai đoạn 2 và 3 được tiến hành theo đúng kế hoạch thì nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng cho giai đoạn từ 2026/2027 trở đi sẽ tăng thêm 14 triệu m3, tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.
Với việc nhu cầu gia tăng tại Sân bay Long Thành (giai đoạn 1) và các dự án cao tốc kể trên, đây là cơ hội để gia tăng công suất khai thác tại các cụm mỏ tại Tân Cang, Thạnh Phú, Tân Mỹ... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn 2023 – 2026.
DHA khi doanh nghiệp sở hữu mỏ đá Tân Cang 3 có những lợi thế cạnh tranh nổi trội như trữ lượng đá lớn (9 triệu m3 tại thời điểm cuối 2022), vị trí mỏ đá cách khu vực thi công Sân bay Long Thành 25km sẽ giúp giá bán của Tân Cang 3 cạnh tranh hơn các mỏ khác, Tân Cang 3 sở hữu loại đá andesit có sức chịu nén tốt, phù hợp để sử dụng làm nguyên liệu cho các công trình yêu cầu bê tông mác cao nên thường cũng có giá bán cao hơn các mặt hàng sản phẩm khác.
Đối với mỏ đá Thạnh Phú 2, đây là mỏ đá có trữ lượng thấp nhất trong các mỏ đá hiện tại DHA đang sở hữu, tuy nhiên lại có vị trí thuận lợi để vận chuyển tới TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ bằng đường thủy. Trong khi đó, mỏ đá Núi Gió thích hợp để vận chuyển bằng đường bộ tới Bình Phước, Tây Ninh.
Theo thống kê, giá bán đá xây dựng có mức tăng trưởng CAGR trung bình 5 năm xấp xỉ 2%. Diễn biến giá đá xây dựng trong 2023 đã phản ánh nhẹ kỳ vọng từ việc xây dựng Sân bay Long Thành, trong đó, giá tại các cụm mỏ tại Biên Hòa, Vĩnh Cửu (là 2 vị trí gần dự án nhất) tăng nhẹ và đều được duy trì ở mức cao.
"Bước sang 2024, chúng tôi cho rằng giá đá xây dựng sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt, nhờ đó DHA có thể tiếp tục duy trì biên lãi gộp ở mức 30%... Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của DHA có thể tiếp tục tăng trưởng 14%/8% trong năm 2024 - 2025", KBSV nhận định.
Nhịp Sống Thị Trường