MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sân chơi TPP với Mỹ đã “chết”, hiệp định nào sẽ là niềm hy vọng mới của Việt Nam?

Tuyên bố mới nhất của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã quyết định số phận của Hiệp định TPP. Tuy nhiên, không phải tất cả các niềm hy vọng đều tắt.

Sự trỗi dậy hiệp định RCEP?

Một báo cáo của Ngân hàng HSBC mới đây với tên gọi “Liệu có buồn về TPP? Hướng về Hiệp định RCEP” đã phân tích về Hiệp định RCEP như là một niềm hy vọng mới.

Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đang trỗi dậy như là một bản thoả thuận thay thế cho hiệp định TPP đang đứng trước nguy cơ thất bại.

Khác với TPP, Hiệp định RCEP không tập trung vào những mục tiêu cao cả như mong muốn “viết lại” một số nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế, hiệp định này tập trung chủ yếu vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hoá dịch vụ.

Nhưng điểm khác biệt rõ ràng nhất ở 2 hiệp định này chính là việc Trung Quốc có tham gia vào RCEP, trong khi đó lại không có Mỹ cùng với tất cả các nền kinh tế khác không thuộc châu Á.

“Các cuộc đàm phán cho Hiệp định RCEP đang điễn ra và vòng đàm phán thứ 15 đã kết thúc vào tháng trước. Như là một hiệp định thương mại tự do đầu tiên toàn châu Á, RCEP tự hào công bố một danh sách các số liệu ấn tượng, ví dụ như các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP chiếm gần một nửa dân số toàn cầu và khoảng 30% GDP toàn cầu.”, báo cáo của HSBC cho biết.

Theo đánh giá của HSBC, phạm vi của Hiệp định RCEP hạn chế hơn so với Hiệp định TPP. Điều này thể hiện khi so sánh tính toàn cầu hoá của 2 hiệp định cũng như các tiêu chuẩn. “Thực sự hiệp định RCEP bao gồm các điều khoản thông thường của một thoả thuận thương mại tự do…”, HSBC cho biết.

Mặc dù vậy, ngân hàng này nhận định Hiệp định RCEP sẽ giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch thương mại toàn châu Á tăng lên và khuyến khích đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới.

Hiệp định này sẽ đặc biệt thuận lợi cho các nước trong khối ASEAN, vì RCEP sẽ giảm bớt sự phi lý của các hiệp định thương mại tự do FTA có sẵn trước đây và đồng thời cũng tăng cường sự hấp dẫn của khu vực như là một cơ sở sản xuất.

Hơn nữa, bằng cách kết nối ba thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, Hiệp định RCEP đưa ra một khuôn mẫu phát triển "Nam-Nam" mới, và từ đó có thể phần nào bù đắp tình hình nhập khẩu và đầu tư ảm đạm ở các nước phương Tây.

Việt Nam có được lợi ở sân chơi mới?

Dẫn chứng báo cáo của Peter Petri, HSBC cho biết Hiệp định RCEP sẽ đem lại một sự thúc đẩy đáng kể đến GDP toàn phần cho tất cả các quốc gia thành viên, mặc dù chưa đến mức mà Hiệp định TPP đem lại lợi ích cho một số quốc gia chú trọng thương mại của châu Á.

Theo đó, kết quả cho thấy rằng Singapore có lợi ít nhất. Nhưng, ngược lại với Singapore, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định RCEP.

Khi tham gia vào sân chơi mới, Việt Nam sẽ được những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ ​​Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên. Hiệp định RCEP sẽ có một sự thúc đẩy tiềm năng cho sản lượng – HSBC cho biết.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh so với TPP thì RCEP ít phức tạp hơn, bởi hiệp định này không tạo ra một khung pháp lý với tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ở sân chơi mới, Việt Nam vẫn cần phải có nhiều chú ý hơn.

Mặt khác, báo cáo này cũng nhấn mạnh việc Việt Nam cũng bị thua thiệt nhiều nhất từ việc TPP không được thông qua.

Bởi lẽ, Hiệp định TPP đã có thể mang giúp các doanh nghiệp Việt Nam khả năng tiếp cận thị trường Mỹ đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đáng kể. Theo thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ chiếm 17,9% GDP, so với mức 3,8% của Trung Quốc.

Tóm lại, theo báo cáo của HSBC đánh giá Hiệp định RCEP sẽ khuyến khích đầu tư mới các chuỗi cung ứng và đem lại một số hỗ trợ cho các hoạt động thương mại và GDP trên khắp châu Á. Những lợi ích được đề ra trong báo cáo này cho thấy tác động đến tăng trưởng là không quan trọng. Chắc chắn, tác động không có mấy lạc quan như những lợi ích từ TPP mang lại; tuy nhiên, do môi trường tăng trưởng thấp mà chúng ta đang phải đối mặt với, chúng ta sẽ nắm lấy những gì có thể.

"Hiện tại, Hiệp định RCEP đã đi tới vòng đàm phán thứ 15, và trong khi mọi người hy vọng Hiệp định này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2016, thì nhiều khả năng sẽ bị kéo dài qua năm 2017 và kết thúc vào vào giữa năm 2017" - Báo cáo HSBC.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên