MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản lượng thép thô toàn cầu phục hồi mạnh mẽ

07-02-2022 - 07:05 AM | Thị trường

Sản lượng thép thô toàn cầu phục hồi mạnh mẽ

Các nước sản xuất thép chủ chốt trên thế giới đều đã khôi phục hoàn toàn sản lượng sau giai đoạn đại dịch Covid-19.

Thông tin từ Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) cho thấy sản lượng thép thô toàn cầu năm 2021 tăng 3,7% so với năm trước đó, lên mức cao nhất mọi thời đại, là 1,95 tỷ tấn.

Nhìn chung, sản lượng năm 2021 tăng ở 8 trong số 10 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Trong đó, chỉ có Trung Quốc và Iran giảm sản lượng. Trong số 8 nước tăng sản lượng, có 4 nước - Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil - đã đạt kỷ lục lịch sử. Tổng sản lượng của 4 quốc gia này là hơn 270 triệu tấn, bằng xấp xỉ 14% tổng sản lượng toàn cầu.

Sản lượng thép thô toàn cầu phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 1.

Sản lượng của top 10 nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Các nhà sản xuất thép ở Mỹ năm qua đã có thành tích đáng ngưỡng mộ khi có sản lượng tăng hơn 18% đạt 86 triệu tấn. Nhu cầu gia tăng, sau khi nới lỏng các hạn chế chống Covid, và kế hoạch liên quan đến các dự án chi tiêu cơ sở hạ tầng lớn của liên bang, khiến giá thép ở nước này tăng kỷ lục. Do đó, nhiều nhà sản xuất thép hàng đầu quốc gia đã có thể công bố lợi nhuận hàng năm cao nhất từ trước tới nay. Đã có một số dự án sản xuất mới ở Mỹ được xây dựng, phần lớn trong đó sẽ sản xuất bằng công nghệ lò điện hồ quang.

Quốc gia có sản lượng tăng mạnh thứ 2 trong năm qua là Ấn Độ - nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới, tăng gần 18% và đạt 118,1 triệu tấn, nhờ sự hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn suy giảm bởi Covid-19.

Các nhà sản xuất thép ở Liên minh châu Âu (EU) đã sản xuất 152,5 triệu tấn trong năm 2021, tăng hơn 15% so với năm 2020.

Trong đó, các nhà máy thép Đức sản xuất hơn 40 triệu tấn, tăng hơn 12% so với năm trước và là năm đầu tiên tăng trưởng trong vòng 3 năm trở lại đây. Sản xuất thép bằng công nghệ lò cao của Đức bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát, và các nhà sản xuất không thể đáp ứng được sự thay đổi nhu cầu một cách nhanh chóng.

Sản lượng của Italy hồi phục nhờ khởi động lại một số lò cao ở nhà máy Ilva trong quý I/2021. Đây là một trong những cơ sở sản xuất thép lớn nhất châu Âu nhưng đã gặp khó khăn trong một thời gian dài. Khôi phục sản xuất tại nhà máy này giúp tăng sản lượng của Italy thêm 20% trong năm vừa qua.

Các nước châu Âu khác, ngoài EU, cũng đạt kết quả tích cực trong năm 2021. Tổng sản lượng của khu vực trong năm qua là 51,2 triệu tấn, tăng 11,6% so với năm trước đó.

Đáng chú ý, sản lượng của Đông Nam Á tăng mạnh mẽ trong năm vừa qua. Khu vực này đã chứng kiến sản lượng tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm qua, hiện đạt tổng cộng hơn 49 triệu tấn.

Riền sản lượng của Trung Quốc – nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới – không đi theo xu hướng chung, bởi những lý do cá nhân. Trong khi sản lượng của nước này hồi phục mạnh mẽ vào nửa đầu năm 2021 thì những hạn chế sản xuất ở các địa phương ngày càng nghiêm ngặt – liên quan đến môi trường – khiến sản lượng giảm trong 6 tháng cuối năm.

Tình hình sản xuất ở Trung Quốc như vậy chủ yếu do sự thay đổi mục đích ưu tiên về kinh tế của Chính phủ, theo đó tập trung vào tăng trưởng nhờ tiêu dùng nội địa – được nêu rõ trong Kế hoạch 5 năm mới nhất của nước này. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng mong giảm lượng khí thải ra môi trường trước khi diễn ra Thế vận hội Mùa Đông, tháng 2/2022. Do đó, tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc năm 2021 giảm 3% so với năm trước, xuống còn 1,03 tỷ tấn - đánh dấu lần sản lượng giảm đầu tiên kể từ năm 2015.

Theo Worldsteel, sự sụt giảm sản lượng của Trung Quốc sẽ chỉ là tạm thời, nhưng kỷ nguyên tăng trưởng sản lượng kỷ lục, đã từng thấy trước đây, có thể đã kết thúc. Sản lượng của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ thấp hơn nhiều so với những năm gần đây - tăng khoảng một phần trăm mỗi năm trước khi giảm dần xuống gần 1,065 tỷ tấn, từ năm 2024.

Việc xây dựng các nhà máy thép mới sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do những hạn chế liên quan đến chương trình thay thế công suất, bất kỳ nhà máy mới nào khi được đưa vào hoạt động cũng đều khiến các cơ sở sản xuất cũ – gây ô nhiễm nặng hơn - phải đóng cửa đóng cửa. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ thép được sản xuất bởi các lò điện hồ quang ở Trung Quốc sẽ tăng lên trong những năm tới.

Trong khi đó, ở những nơi khác, các dự án mở rộng công suất sản xuất đang được tiến hành ở nhiều quốc gia khác nhau. Số liệu của OECD cho thấy hơn 45 triệu tấn công suất mới sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021 đến 2023; 69 triệu tấn khác hiện đang trong giai đoạn lập kế hoạch.

Trong 5 năm tới, dự báo sản lượng thép thô toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, với tổng sản lượng có khả năng đạt 2,06 tỷ tấn vào năm 2026, trong đó dự kiến chủ yếu mức tăng sẽ đến từ châu Á và Trung Đông, trong đó Ấn Độ chiếm 1/4 sản lượng sẽ bổ sung.

Tham khảo: Worldsteel

https://cafef.vn/san-luong-thep-tho-toan-cau-phuc-hoi-manh-me-20220206233223678.chn

Thu Ngân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên