MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Săn sales 1.000 đồng ngày 9/9 của Shopee, người dùng tá hỏa vì mua ốp điện thoại lại nhận về cục đá

14-09-2020 - 17:57 PM | Thị trường

Nhiều khách hàng hiện rất bức xúc trước cách làm ăn “lừa đảo” của shop online này.

Với giới chuyên săn hàng online, 9/9 vừa qua là thời điểm tuyệt vời khi hàng loạt sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đồng loạt tung các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu. Nổi bật trong đó là chương trình Siêu Sale của Shopee, với nhiều sản phẩm chỉ có giá 1.000 đồng (đã bao gồm phí ship), từ ốp điện thoại, quần áo, đồ dùng gia dụng, đồ chơi trẻ em, giày dép,...

Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng hiện bức xúc trước cách làm ăn của một shop phụ kiện điện thoại online trên Shopee, khi họ phản ánh việc "đặt ốp điện thoại nhưng sản phẩm nhận về là cục đá trong hộp rỗng."

Một người dùng lên tiếng: "Mua hàng cả mấy năm nay, lần đầu tiên thấy shop lừa đảo, giao đá luôn mới sợ".

Một người khác nhận xét: "Đặt 2 cái ốp nhận về một cục đá, mà thôi giá rẻ không chấp. Coi như bỏ tiền mua kinh nghiệm nha mọi người".

Ba trong số rất nhiều người tiêu dùng đã phản ánh tình trạng lừa đảo của shop online này.

Vì hành vi lừa đảo nói trên, điểm trung bình do người mua đánh giá với shop này chỉ còn 2,7/5. Tuy nhiên, shop hiện đã xóa hết tất cả các thông tin trên Shopee, chỉ còn phần đánh giá của người tiêu dùng là vẫn hiển thị.

 Săn sales 1.000 đồng ngày 9/9 của Shopee, người dùng tá hỏa vì mua ốp điện thoại lại nhận về cục đá - Ảnh 1.
 Săn sales 1.000 đồng ngày 9/9 của Shopee, người dùng tá hỏa vì mua ốp điện thoại lại nhận về cục đá - Ảnh 2.

Trên thực tế tình trạng hàng hóa bị thất lạc, tráo đổi khi mua sắm trên các sàn TMĐT không còn mới. Đã có trường hợp người mua đặt iPhone nhận về... cục gạch, hoặc trong quá trình chuyển tới tay người nhận, sản phẩm đã "không cánh mà bay".

Theo Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), để đảm bảo quyền lợi của mình khi mua sắm online, người tiêu dùng cần lưu ý:

- Nên mua hàng tại những sàn thương mại điện tử, trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…);

- Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận,…;

-Tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua. Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng;

- Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.

- Cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.

- Cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty. Theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra.

- Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.

Theo Nhật Anh

Dân sinh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên