Sản xuất an toàn trong đại dịch, cách nào?
Doanh nghiệp cần tái cấu trúc và có biện pháp ứng phó những diễn biến mới của dịch Covid-19 với các nguy cơ từ biến chủng.
Doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị những gì để chủ động phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả trước nguy cơ từ biến chủng Omicron và duy trì sản xuất liên tục là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm "Sản xuất an toàn trong đại dịch" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 13-12.
Bắt buộc tái cấu trúc
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho biết sau khi TP HCM tiêm phủ vắc-xin, kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, các DN đã bắt tay khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong các khu KCN-KCX, 1.408/1.412 DN đã hoạt động trở lại với số lượng lao động lên tới trên 280.000 người; 88 dự án trong Khu Công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục 100% hoạt động. Nhiều DN bắt đầu triển khai nhanh đơn đặt hàng từ Mỹ, châu Âu và các nước cho mùa đông và Giáng sinh, năm mới 2022. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua...
PGS-TS Trần Hoàng Ngân đánh giá đây là đợt bùng phát dịch bệnh chưa từng có tiền lệ nên cần thời gian để thích ứng. Thực tế, các DN tại TP HCM có nhiều khó khăn trong bước đầu hồi phục nhưng sau một thời gian, hầu hết đã tìm được lối đi. "Sau khi lực lượng lao động được tiêm phủ vắc-xin, các DN đã tự tin hơn rất nhiều trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh" - ông Trần Hoàng Ngân nhận xét.
Doanh nghiệp thực phẩm ở TP HCM đã phục hồi hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm an toàn. Ảnh: THANH NHÂN
Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn - cho hay tuy DN của ông có tuổi đời gần 30 năm và có kế hoạch xây dựng rủi ro trong sản xuất - kinh doanh nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch. Dịch bệnh xảy ra lần này là không có tiền lệ, hết sức đột ngột đối với tất cả DN, nhất là khối sản xuất.
"Sau 100 ngày giãn cách xã hội, các DN trên địa bàn đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau, bắt đầu hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe. Theo đó, DN cần có lực lượng nhân sự tham gia quy trình này, ví dụ nhân viên điều dưỡng, nhân viên y tế. Các DN cũng sắp xếp lại hoạt động sản xuất - kinh doanh; tăng hoạt động trực tuyến của khối văn phòng, chỉ họp nhanh, họp ít người; bảo đảm vấn đề thông gió trong nhà xưởng; khi tuyển dụng lao động, ngoài yêu cầu về năng suất, kỹ năng thì cần thêm ý thức..." - ông Việt Anh kể và nhấn mạnh DN đều hiểu việc bắt buộc tái cấu trúc kể từ sau đợt dịch này.
Tự kiểm tra, giám sát để phòng dịch
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP HCM, thời gian qua, có đến 1.000 DN được thẩm tra, thẩm định các phương án sản xuất an toàn. Dù có những trường hợp mắc Covid-19 ở cơ sở sản xuất - kinh doanh, trong KCN nhưng chỉ 10% tiếp xúc gần sau đó trở thành F0.
Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, nhận định Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt đợt dịch mới với những biến thể mới, như Omicron. Do đó, DN phải xem xét, xây dựng biện pháp ứng phó với đại dịch trong thời gian tới. DN cần theo dõi thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế về biến chủng mới và các biện pháp ứng phó của Chính phủ để nắm được tình hình dịch trên địa bàn nhằm chủ động phương án sản xuất - kinh doanh.
"DN cần tăng cường công tác tự kiểm tra, tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc; tổ chức xét nghiệm sàng lọc đối tượng có nguy cơ để phát hiện sớm trường hợp mắc; chủ động chuẩn bị vật tư, trang thiết bị thiết yếu trong công tác phòng chống dịch để tránh bị động" - bà Lương Mai Anh khuyến cáo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học, vẫn xuất hiện tỉ lệ nhất định trường hợp mắc bệnh khi đã tiêm đủ vắc-xin, đặc biệt trong môi trường sản xuất, trong cộng đồng. Vì vậy, DN và người dân không được lơ là, chủ quan.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được triển khai, các DN đã chủ động đưa ra biện pháp phòng chống dịch ở tất cả cấp độ khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Bộ Y tế cũng vừa hướng dẫn các địa phương triển khai, cụ thể hóa nghị quyết này, trong đó có nội dung hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động ở cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ.
"Việc tự kiểm tra, giám sát của địa phương và DN là rất quan trọng để tự nhận ra những khiếm khuyết trong công tác phòng chống dịch và để thích ứng linh hoạt, hiệu quả" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Tổ chức trạm y tế lưu động tại KCX-KCN
Một giải pháp kiểm soát dịch được đề xuất là tổ chức trạm y tế lưu động tại các KCX-KCN. Bà Lương Mai Anh cho biết đây là một trong những nội dung được đưa vào tiêu chí đánh giá năng lực đáp ứng của ngành y tế các tỉnh, TP khi đánh giá các cấp độ dịch. Việc này đang được nhiều địa phương triển khai rất hiệu quả, giúp giảm áp lực cho y tế địa phương và chủ DN yên tâm hơn. Mô hình này cần nhân rộng trong thời gian tới để có thể tăng tính chủ động trong phòng chống dịch, bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh không bị đứt gãy.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép DN được sản xuất thuốc chống Covid-19 và Việt Nam sớm sản xuất được vắc-xin nội địa. Thuốc và vắc-xin trong nước sẽ giúp DN và người dân tự tin trong việc phục hồi, phát triển kinh tế.
Người lao động