Sang chấn tâm lý - hiểu để chữa lành: Xót xa thế giới hỗn độn trong tâm trí và não bộ của những trẻ em từng bị bạo hành
Sang chấn tâm lý - một tác phẩm kinh điển của tâm thần học hiện đại được viết bởi Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk sẽ tiết lộ thế giới của những bệnh nhân sang chấn tâm lý.
- 18-01-202010 cử chỉ cực tệ khi trò chuyện được các chuyên gia tâm lý khuyên đừng bao giờ mắc phải nếu không muốn mọi chuyện "tồi hơn"
- 08-12-2019Nhịn dopamine: Trào lưu mới nổi ở Thung lũng Silicon dưới góc nhìn của giáo sư tâm lý học
- 06-12-2019Bình luận: Thật thú vị khi chứng kiến những người Thái cao ngạo giờ có tâm lý sợ thua chúng ta
CẢM XÚC CỦA TRẺ TỪNG BỊ LẠM DỤNG: NGUY HIỂM, HIẾU CHIẾN VÀ KHIẾP SỢ
Nina và tôi quyết định tạo ra một bộ thẻ trắc nghiệm đặc biệt dành cho trẻ em, gồm những bức ảnh cắt từ các cuốn tạp chí. Nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi so sánh 12 em trong độ tuổi 6-11 đang là bệnh nhân của bệnh viện, với một nhóm trẻ em đến từ một trường học gần đó. Hai nhóm trẻ này càng giống nhau về độ tuổi, chủng tộc, trí tuệ và bối cảnh gia đình càng tốt.
Điểm khác biệt đó là nhóm trẻ em bệnh nhân của chúng tôi chịu ảnh hưởng từ việc bị người thân lạm dụng: một bé trai toàn thân bầm tím vì bị mẹ đánh đập liên tục, một bé gái bị cha xâm hại tình dục năm 4 tuổi, hai bé trai thường xuyên bị trói vào ghế và đánh bằng roi và một bé gái lúc lên 5 tuổi đã thấy mẹ (một người hành nghề mại dâm) bị hãm hiếp, chặt xác, thiêu cháy rồi bị nhét vào cốp xe. Tay ma cô của người mẹ này bị tình nghi đã lạm dụng tình dục bé gái ấy.
Nhóm trẻ em đối chứng cũng có hoàn cảnh nghèo khó và thường chứng kiến cảnh bạo lực ở khu mình sinh sống. Khi nghiên cứu này đang được thực hiện thì một cậu bé trong nhóm đã đổ xăng đốt bạn của mình. Một cậu bé khác bị dính vào một vụ nổ súng khi đang đến trường cùng bạn và bố. Em bị thương còn bạn em đã chết. Khi chứng kiến nhiều cảnh bạo lực như vậy, liệu phản ứng của các em với những tấm thẻ có khác gì so với những em đang là bệnh nhân của bệnh viện hay không?
Một trong những tấm thẻ của chúng tôi mô tả khung cảnh gia đình (hình bên dưới): Hai đứa trẻ mỉm cười nhìn bố mình đang sửa xe.
Trong khi những em trong nhóm đối chứng kể câu chuyện với những cái kết bình yên như chiếc xe sẽ được sửa xong, ông bố sẽ chở hai con đến tiệm McDonald‘s thì những em bị sang chấn lại kể những câu chuyện khủng khiếp. Một bé gái nói rằng bé gái cầm búa trong bức ảnh sắp lấy búa đập vỡ sọ cha mình. Một bé trai chín tuổi từng bị lạm dụng thể chất nặng nề kể chi tiết rằng bé trai trong ảnh sẽ đá cái giá đỡ để chiếc xe sập xuống, đè nát cơ thể người bố, máu me sẽ bắn đầy gara.
Trong lúc kể những câu chuyện này, các em thuộc nhóm bệnh nhân tỏ vẻ rất hăng hái và mất trật tự. Không mấy ngạc nhiên khi hầu hết các em đã được chẩn đoán mắc ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý – Attention-deficit hyperactivity disorder) và hầu hết các em đều đã dùng thuốc Ritalin dù dường như thuốc này không làm dịu được sự kích thích của các em trong tình huống này.
Những đứa trẻ bị lạm dụng có câu trả lời tương tự khi xem tấm ảnh của bóng một người phụ nữ mang thai in trên cửa sổ (hình bên dưới).
Khi chúng tôi đưa bức ảnh này cho một em bé 7 tuổi từng bị lạm dụng tình dục vào năm 4 tuổi, cô bé trò chuyện về các bộ phận sinh dục của nam và nữ, rồi liên tục hỏi Nina những câu hỏi như: "Cô đã quan hệ với bao nhiêu người rồi?". Giống như nhiều bé gái khác tham gia nghiên cứu, vốn cũng từng bị lạm dụng tình dục, em kích động đến mức chúng tôi phải dừng lại.
Một bé gái 7 tuổi trong nhóm đối chứng đã cảm nhận được tâm trạng buồn của nhân vật bức ảnh. Em kể rằng đó là một góa phụ đang buồn bã nhìn ra ngoài cửa sổ, nhớ về chồng mình. Nhưng cuối cùng, người phụ nữ ấy đã tìm được một người đàn ông tốt để làm cha của đứa con mình.
Sau khi cho hai nhóm trẻ xem từng tấm thẻ một, chúng tôi nhận thấy các em chưa bị lạm dụng tuy có cảnh giác với rắc rối nhưng chúng vẫn tin tưởng vào một thế giới hiền hòa và có thể tưởng tượng ra cách để thoát khỏi những tình huống xấu. Chúng dường như cảm thấy an toàn và được bảo vệ trong vòng tay gia đình.
Các câu trả lời của các em thuộc nhóm bệnh nhân rất đáng báo động. Những bức ảnh trong trẻo, ngây thơ nhất vẫn khuấy động trong các em cảm xúc nguy hiểm, hiếu chiến, kích thích tình dục và khiếp sợ. Chúng tôi chọn những bức ảnh này để đưa cho các em xem đơn giản vì đây là những bức ảnh đời thường, chứ không phải đây là những bức ảnh hàm chứa ẩn ý mà chỉ người nhạy cảm mới có thể nhìn ra.
Chúng ta chỉ có thể kết luận rằng đối với trẻ em bị lạm dụng, cả thế giới đầy rẫy những sự kích động. Chừng nào trẻ còn có thể tưởng tượng ra những tai họa nặng nề xuất phát từ những tình huống tương đối ôn hòa thì chừng đó, bất cứ ai đi vào phòng, bất kỳ người lạ, bất kỳ hình ảnh nào dù là trên màn hình hay trên tấm bảng quảng cáo đều có thể được các em xem là dấu hiệu của thảm họa.
HỖN ĐỘN TỪ BÊN TRONG
Trẻ em có tiền sử bị ngược đãi và bỏ mặc nhận ra dù chúng có sợ hãi, van xin, khóc lóc thì những người chăm sóc chúng cũng chẳng thèm đoái hoài. Chúng không thể làm gì nói gì để ngăn người đó đánh đập chúng, cũng không thể kêu gọi sự chú ý và giúp đỡ. Kết quả là chúng buộc phải đầu hàng khi đối mặt với những thách thức về sau trong cuộc đời.
Nghiên cứu cho thấy:
"Khi trẻ bùng phát cảm giác tức giận, thấy có lỗi hoặc thấy sợ hãi vì bị bỏ rơi, thì những cảm xúc ấy là rất chân thực vì trẻ đã từng trải qua việc bị bỏ rơi như thế. Ví dụ, trẻ em sợ hãi việc bị bỏ rơi thì đó không phải chỉ là sự bộc lộ những thôi thúc trong lòng trẻ ngay tại lúc ấy, mà có thể là vì trẻ đã bị bỏ rơi về thể chất hoặc tâm lý, hoặc đã bị đe dọa bỏ rơi nhiều lần trước đó. Trẻ em tràn ngập cảm xúc thịnh nộ là do bị người khác từ chối hoặc bị đối xử khắc nghiệt. Trẻ gặp xung đột nội tâm mãnh liệt về cảm xúc giận dữ của mình có thể là vì trẻ không được phép nói ra những điều mình cảm thấy, hoặc thậm chí nếu trẻ nói ra thì trẻ sẽ gặp nguy hiểm".
VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT LÀ GÌ?
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các buổi thảo luận của nhân viên bệnh viện hiếm khi đề cập đến những trải nghiệm thực tế khủng khiếp của các em và tác động của các sang chấn đó lên cảm xúc, suy nghĩ và việc tự điều chỉnh bản thân của các em.
Thay vào đó, hồ sơ y tế của các em ghi đầy những chẩn đoán như "rối loạn hành vi", "rối loạn thách thức chống đối", hoặc "rối loạn lưỡng cực". ADHD ("rối loạn tăng động giảm chú ý") là một chẩn đoán "đồng bệnh" cho hầu hết mọi đứa trẻ. Liệu các chẩn đoán này có che mất những sang chấn bên trong các em?
Bây giờ chúng tôi phải đối mặt với hai thách thức lớn: Một là tìm hiểu xem có phải thế giới quan của trẻ giúp chúng có khả năng hồi phục, và từng đứa trẻ hình thành thế giới quan của mình như thế nào. Câu hỏi còn lại cũng quan trọng không kém: Liệu có thể giúp tâm trí và bộ não của những trẻ em từng bị bạo hành xây dựng lại bản đồ tâm trí của chúng, và hợp nhất lòng tin tưởng với sự tự tin hay không?
(Trích sách "Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành" của Tiến sĩ Bessel Van Der Kolk)
Trí Thức Trẻ