MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sàng lọc dự án FDI sẽ nâng cao chất lượng đầu tư tại Việt Nam

Công ty TNHH Tashuan (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân) có vốn đầu tư Đài Loan tại Việt Nam. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính nên phải tạm thời đóng cửa. (Ảnh: Hoàng Minh)

Công ty TNHH Tashuan (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân) có vốn đầu tư Đài Loan tại Việt Nam. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính nên phải tạm thời đóng cửa. (Ảnh: Hoàng Minh)

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã giới thiệu, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện và triển khai thực hiện Bộ công cụ sàng lọc các dự án đầu tư tại Việt Nam với mong muốn nâng cao chất lượng môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần có những giải pháp để áp dụng phù hợp với mỗi địa phương, không để Bộ công cụ sàng lọc các dự án đầu tư tại Việt Nam (Bộ công cụ) trở thành rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài và cần có sự kết nối để các nhà sản xuất nội địa và doanh nghiệp FDI cùng nhau phát triển.

Thẩm định FDI tại địa phương chủ yếu dựa vào kinh nghiệm

Theo khảo sát của VCCI, từ trước tới nay, các địa phương thẩm định dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chứ chưa có hướng dẫn chi tiết và bộ tiêu chí, danh mục đánh giá cụ thể. Vẫn còn tình trạng địa phương dễ dãi trong việc lựa chọn dự án đầu tư, các khía cạnh như môi trường, xã hội ít được chú trọng.

Ngoài ra, khái niệm "dự án kinh doanh có trách nhiệm" vẫn còn rất mới, dự án được lựa chọn chủ yếu tập trung vào kinh tế và phù hợp với quy hoạch của từng nơi mà chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các tỉnh thành. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa tuân thủ các quy định về môi trường, lao động và có cả hiện tượng chạy dự án, chuyển giá, rửa tiền.

Bộ công cụ sàng lọc các dự án đầu tư tại Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) xây dựng sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương đánh giá đóng góp của các doanh nghiệp FDI, thẩm định các dự án đầu tư, khắc phục tồn tại, cụ thể hóa chủ trương, định hướng, thu hút các dự án đầu tư có trách nhiệm.

Điều quan trọng nhất của Bộ công cụ là các nguyên tắc về lợi ích người lao động và bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư phải lường trước được vấn đề tiêu cực mỗi dự án đem lại, từ đó có giải pháp hạn chế những rủi ro. Bộ công cụ sàng lọc này không phải là các quy định bắt buộc được đặt ra mà là bước đi ban đầu từ thực tiễn để các bộ ngành, địa phương có thể áp dụng khi xây dựng các quy định, hướng dẫn.

Ông Đào Xuân Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP.HCM (HBA) cho rằng các địa phương cần có cách tiếp cận chính xác Bộ công cụ này, sau đó áp dụng cho phù hợp: “Bộ công cụ mang ý nghĩa gợi ý, khuyến nghị chúng ta. Vì vậy các địa phương nên căn cứ vào các gợi ý này để chúng ta định lượng lại những nội dung ở trong này. Các địa phương cũng nên về vận dụng để cụ thể hóa tình hình của mình. Càng cụ thể hóa càng tốt trong việc thu hút đầu tư vì định lượng càng tốt thì khi chúng ta thẩm định hoặc giới thiệu cho nhà đầu tư thì họ mới thấy rõ ràng”.

Sàng lọc dự án FDI sẽ nâng cao chất lượng đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 1.

PGS.TS Bành Quốc Tuấn chia sẻ về thực trạng đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương. (Ảnh: Hoàng Minh)

Để các quy định không trở thành rào cản

Mỗi khu vực, mỗi địa phương có trình độ phát triển, hạ tầng, nguồn nhân lực... khác nhau nên cần có các tiêu chí thu hút đầu tư khác nhau. Ví dụ, một số thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long… sẽ chú trọng tối đa chất lượng môi trường và hạn chế số lượng các nhà máy sản xuất. Các tỉnh nhiều dự án đầu tư như Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai… sẽ có tiêu chí chọn nhà đầu tư khác hẳn với những nơi vùng sâu vùng xa cần thu hút dự án để cải thiện đời sống người dân.

Vì vậy, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai kiến nghị, Bộ công cụ cần chú ý tới các dự án có công nghệ phát triển, khả năng đổi mới sáng tạo, có trình độ quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa kết nối chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trên thực tế, không ít các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ chỉ ngang các nhà sản xuất nội địa, một số doanh nghiệp dẫn đầu về xu thế công nghệ thì lại chưa có sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Do đó, cần phải chọn các doanh nghiệp có công nghệ vượt trội và sẵn sàng kết nối doanh nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn Bộ công cụ này, chúng ta cần đề xuất làm sao để kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước tốt hơn. Từ thực tế đó chính doanh nghiệp FDI có thể dẫn dắt nhưng cũng có thể song hành để các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể phát triển tốt hơn” - ông Nguyễn Duy Hưng nói.

Sàng lọc dự án FDI sẽ nâng cao chất lượng đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 2.

VCCI tổ chức hội thảo tại TP.HCM cùng các chuyên gia xây dựng, hoàn thiện bộ công cụ trước khi trình lên Chính phủ. (Ảnh: Hoàng Minh)

Luật sư Trần Văn Trí nhận định, Bộ công cụ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu vận hành những quy định này không khéo và không linh hoạt thì sẽ vô tình trở thành rào cản, gây thêm khó khăn cho nhà đầu tư.

“Trước đây chúng ta từ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… xin giấy phép mấy chục ngày mới có, giờ chỉ cần ba ngày là xong. Vậy chúng ta giản đơn từ tiền kiểm chuyển qua hậu kiểm, đừng đặt ra quá nhiều các rào cản. Doanh nghiệp vào đầu tư nói rất hay nhưng nếu doanh nghiệp không làm được thì phải cho đi” - luật sư Trần Văn Trí nói.

Ngoài ra, luật sư Trí đề xuất, cùng với chỉ lọc dự án khi nhà đầu tư đến Việt Nam thì địa phương có thể đến tận nơi lựa chọn và kêu gọi đầu tư. Đồng thời, Bộ công cụ lọc dự án không chỉ dành cho nhà đầu tư nước ngoài mà áp dụng với cả các doanh nghiệp nội địa.

Theo Hoàng Minh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên