MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáng nay 1/12, mở phiên xét xử vụ tài xế kiện Grab

01-12-2020 - 08:44 AM | Xã hội

Tài xế Nguyễn Văn Hưng là một trong 2 tài xế kiện Grab khóa tài khoản.

Tài xế Nguyễn Văn Hưng là một trong 2 tài xế kiện Grab khóa tài khoản.

Vụ kiện giữa tài xế và Grab đã kéo dài nhiều năm, với nhiều lần dự kiến mở phiên xử tuy nhiên không thể tiến hành do phía Grab không có mặt.

Theo lịch dự kiến, sáng nay 1/12, TAND quận 10, TP.HCM mở phiên xử vụ kiện "tranh chấp hợp đồng dịch vụ" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab).

Trước đó, ở phiên xử sáng ngày 3/11, phía nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hưng có mặt tại toà theo đúng lịch xét xử. Tuy nhiên, phía bị đơn là Grab không ai có mặt, chỉ gởi đơn xin hoãn xét xử. Hội đồng xét xử đồng ý và quyết định dời ngày xét xử sang ngày 1/12.

Trước sự việc trên, tài xế Nguyễn Văn Hưng đã làm đơn khiếu nại việc tòa không mở phiên xử như dự kiến cũng như không thông báo nguyên nhân hoãn xét xử. Phía nguyên đơn cho rằng có vấn đề trong vụ án và yêu cầu đổi thẩm phán Lương Anh Tuấn.

Theo hồ sơ vụ việc, đầu tháng 1/2018, ông Nguyễn Văn Hưng lên văn phòng Grab để đăng ký trở thành đối tác tài xế của Grab.

Sau khi được HTX vận tải Hoà Bình xác nhận xã viên và xin cấp phù hiệu xe hợp đồng, ông Hưng được Grab tập huấn, cài đặt phần mềm kết nối gọi xe trên điện thoại và ký giấy yêu cầu kết nối phần mềm cùng bộ quy tắc ứng xử Grabcar đã có sẵn.

Đến ngày 14/11/2018, Grab cho rằng ông Hưng có tỷ lệ hủy cuốc xe 25,17%, vượt mốc 25% theo quy định, là thỏa thuận giữa các bên nên phía Grab đơn phương ngừng hoạt động vĩnh viễn đối với tài khoản của ông Hưng.

Theo ông Hưng, việc Grab ngưng hoạt động vĩnh viễn đối với tài khoản của ông là không đúng với các thông tin được thể hiện qua ứng dụng Grab đã cung cấp. Cụ thể, ứng dụng ghi nhận tỷ lệ hủy chuyến của ông Hưng từ ngày 5/11/2018 đến chuyến xe cuối cùng là 24,6%.

Từ đó, ông Hưng khởi kiện Grab.

Đơn khởi kiện của tài xế nêu, Bộ Quy tắc ứng xử Grabcar do Grab tự ý ban hành đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, làm tê liệt quyền của các chủ thể giao kết hợp đồng vận tải để thực hiện hành vi ép buộc đối tác thực hiện các nghĩa vụ do Grab đơn phương áp đặt.

Ông Hưng cũng cho rằng Grab tự ý thay đổi Bộ Quy tắc ứng xử nhiều lần mà không thảo luận với đối tác, không có căn cứ, tự ý sửa đổi tuỳ tiện…

Theo đó, ông Hưng đề nghị TAND quận 10 buộc Grab phải thực hiện những yêu cầu gồm Grab phải kết nối lại tài khoản của ông trên ứng dụng gọi xe; loại bỏ căn cứ vi phạm tỷ lệ huỷ cuốc xe ra khỏi Quy tắc ứng xử Grabcar nhằm đảm bảo tài xế được quyền từ chối vận tải theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008; buộc Grab phải bồi thường khoản thiệt hại là toàn bộ thu nhập trong 6 tháng, mà đáng lẽ ngyên đơn có được nếu Grab không đơn phương ngắt kết nối là 92.469.600 đồng.

Bên cạnh đó, bên nguyên đơn cũng yêu cầu Grab cung cấp chứng từ như hoá đơn thuế, biên lai đóng tiền hộ từ tháng 1 năm 2018 đến ngày 14/11/2018.

Liên quan tới vụ án, ngày 1/8/2019 Cục thuế TP.HCM đã xác nhận Grab đã kê khai và khấu trừ thuế của ông Nguyễn Văn Hưng trong năm 2018. Tổng số thuế Grab đã nộp hộ cho ông Hưng là 7 triệu đồng.

Phía bị đơn khẳng định đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thu hộ, nộp hộ thuế cho các đối tác tài xế, trong đó có ông Nguyễn Văn Hưng.

Phía Grab cũng cho rằng tài xế đối tác là Nguyễn Văn Hưng đã vi phạm nhiều lần Bộ Quy tắc ứng xử của Grab về tỷ lệ huỷ cuốc, dẫn đến bị khoá tài khoản. Bộ Quy tắc ứng xử này áp dụng với tất cả các đối tác tài xế của Grab.

Theo Huyền Trâm

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên