Sáng nay (8/9), GS Hồ Ngọc Đại giải đáp về cách đánh vần lạ gây tranh cãi
Sáng nay 8/9, tại Hà Nội, GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của chương trình Giáo dục công nghệ (GDCN) với cách đánh vần lạ, “ô vuông, hình tròn” đang gây tranh cãi gay gắt những ngày gần đây sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc này.
- 07-09-2018Thế hệ học sinh từng được dạy phương pháp "vuông tròn" cách đây hơn 20 năm lên tiếng trước cơn bão tranh cãi của dân mạng
- 07-09-2018GS Hồ Ngọc Đại: "Tôi không buồn bực, tức giận và không chấp những người thiếu hiểu biết"
Đây là nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 9 do CLB Café Số (thuộc hội Truyền thông số VN) tổ chức vào sáng nay 8/9.
Chương trình GDCN do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên được đưa vào dạy học “thí điểm” cách đây 40 năm tại trường Thực nghiệm. Trong suốt 40 năm ấy, phương pháp dạy của ông vẫn chia làm 2 luồng ý kiến khác nhau: ủng hộ, chống đối.
Đặc biệt thời gian gần đây, dư luận lại ồn ào khi cho rằng cách dạy đánh vần rất “lạ” với ô vuông và hình tròn trong sách giáo khoa GDCN lớp 1. Nhiều ý kiến cho rằng con người không phải là công nghệ, nên đừng đem ra làm “vật thí nghiệm”, hay sách giáo khoa GDCN Tiếng Việt lớp 1 có vấn đề….
Tất cả những vấn đề gây tranh cãi trong suốt thời gian qua sẽ được GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ tại buổi sinh hoạt vào sáng nay.
Trước đó, vào năm 1979, cải cách giáo dục lần thứ 3, cả nước thống nhất học sách cải cách, duy chỉ có Trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục học sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
Năm 1986, nhận thấy có năm có tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Năm 2006 ngành giáo dục phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. GS. Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số". Giáo sư đi Lào Cai vận động chính quyền địa phương đưa sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục vào dạy.
Năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh.
Năm 2013, Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.
Năm 2016 có 48 tỉnh tham gia. Bộ GD&ĐT, Vụ Giáo dục tiểu học đã thường xuyên có chỉ đạo các Sở, các địa phương về việc triển khai dạy tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.
Infonet