Sáng nay diễn ra hội thảo về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM
8 giờ sáng nay, 27-6, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM để góp thêm ý kiến nhằm đa dạng phương án tiếp cận, phong phú cách thức triển khai.
Chiều 24-6, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Với 481/487 đại biểu tán thành, chiếm tỉ lệ 97,37% tổng số đại biểu, nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1-8-2023.
Hội thảo "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM" bắt đầu từ 8 giờ sáng 27-6
Việc được trao những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có ý nghĩa lớn trong việc giúp TP HCM tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế. Đặc biệt, huy động được các nguồn lực ngoài xã hội cho đầu tư, phát triển; tạo điều kiện cho TP HCM phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, dẫn dắt cả nước như mục tiêu được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Ngay sau thời khắc Nghị quyết được thông qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố sẽ bắt tay ngay vào triển khai các công việc từ sớm để đạt hiệu quả cao nhất với tinh thần "Cả nước đã vì TP HCM, giờ là lúc TP HCM phải tập trung thực hiện để vì cả nước".
Với mong muốn góp thêm ý kiến nhằm đa dạng phương án tiếp cận, phong phú cách thức triển khai, lúc 8 giờ sáng nay, 27-6, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM".
Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành; nguyên lãnh đạo TP HCM; đại diện cơ quan của Quốc hội; các chuyên gia kinh tế…
Trên 97% Đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân cả nước kỳ vọng TP HCM ngày càng phát triển thông qua việc triển khai hiệu quả Nghị quyết mới - Ảnh Hoàng Triều
Sẵn sàng cho thời khắc 1-8
Để chuẩn bị cho việc triển khai nghị quyết mới, ngay sau khi thông qua, TP HCM đã phân công từng đầu việc cho các sở, ban, ngành, địa phương với nhiệm vụ rõ ràng nhằm triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ và yêu cầu tương ứng 7 lĩnh vực.
7 lĩnh vực gồm: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy TP HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Sở Tư pháp được giao tham mưu, trình UBND TP HCM dự thảo nghị định hướng dẫn cụ thể những cơ chế, chính sách mà nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp bộ, ngành trình Chính phủ sớm ban hành nghị định này.
Sở Nội vụ tham mưu cơ chế nâng cao sức hấp dẫn của chính sách thu hút con người vào bộ máy.
Sở Giao thông Vận tải soạn thảo danh mục dự án thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) để trình HĐND thành phố thông qua khi có nghị quyết mới...
Người lao động