Sáng tạo là bạn thành công: Vị trí cao nhất không dành cho kẻ lười biếng và thích làm việc trong vùng an toàn!
Nhiều người nói rằng chỉ có âm nhạc, nghệ thuật, những nhà văn, nhạc sĩ mới là người cần sự sáng tạo. Đừng đặt bản thân vào những suy nghĩ sai lầm đó, bất kì ai trong chúng ta cũng cần phải sáng tạo để biến cuộc sống của mình trở nên mới mẻ hơn.
- 05-03-2019Làm việc không sáng tạo, cả đời "giậm chân tại chỗ": Những “sát thủ” giết chết sự phát triển của tâm trí mà bạn cần phải loại bỏ
- 28-02-2019"Công thức" đơn giản để phát huy tối đa óc sáng tạo mà chúng ta ai cũng nên biết
Có nhiều người cho rằng sự sáng tạo chỉ dành cho các nghệ sĩ và nhạc sĩ, còn những người bình thường thì dường như chẳng cần phải quan tâm đến sự sáng tạo làm gì. Nhưng không, sáng tạo luôn đóng một vai trò quan trọng trong phòng họp, lớp học hay thậm chí là trong những nhà máy. Và thực tế là nếu bạn có thể rèn luyện sự sáng tạo cho bản thân thì sẽ mang lại nhiều lợi ích vô cùng to lớn cho cuộc sống và công việc của bạn.
Thế nhưng đôi khi, nhiều người thấy bạn làm việc quá sáng tạo, quá hiệu quả họ sẽ nảy sinh lòng đố kị và nhiều người thường đưa ra những lời khuyên đầy cám dỗ nhưng thực chất đó lại là những suy nghĩ vô cùng sai lệch. Dưới đây là một vài ví dụ về những lời khuyên vô bổ đó mà bạn nên né càng xa càng tốt.
1. Hãy làm việc một cách an toàn theo khả năng của bạn
Lời khuyên này thường được đưa ra bởi những người tin rằng bạn có khả năng đạt được kết quả tốt nếu bạn làm những gì mình giỏi nhất và không đi quá xa so với khả năng của mình. Theo một nghĩa nào đó thì lời khuyên này không hề sai. Làm những việc trong phạm vi an toàn sẽ ít bị mắc lỗi và ít bị rủi ro hơn.
Tuy nhiên, cách duy nhất để thực sự phát triển khả năng sáng tạo của bạn đó chính là không ngần ngại thử thách bản thân những điều mới, ngay cả khi mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch, dự tính của mình. Đừng quá sợ hãi khi bước ra khỏi vùng an toàn, đôi khi kế hoạch đi theo một hướng khác lại có thể dẫn bạn đến một số ý tưởng hay ho khác thì sao.
2. Ngừng mơ mộng và tập trung
Tưởng tượng, mơ mộng, tự vẽ cho mình những câu chuyện hay hình dung ra những viễn cảnh nào đó không phải là một việc lãng phí thời gian. Đây là những quá trình mà tâm trí của bạn sẽ trải qua để giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hơn và đôi khi có thể giúp bạn tự vẽ nên những hướng đi giải quyết các vấn đề mà mình đang bế tắc. Nhiều người sẽ coi điều này là điên rồ, ngu ngốc và lãng phí thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cải thiện khả năng sáng tạo thì bạn phải dành cho mình thời gian để mơ mộng.
3. Tập trung vào kết quả cuối cùng
Lời khuyên này đã bỏ qua một vấn đề đó là quá trình sáng tạo rất quan trọng. Không ai chối bỏ rằng kết quả cuối cùng cũng rất quan trọng vì nó là câu trả lời cho cả một quá trình giải quyết hay thực hiện một ý tưởng nào đó. Tuy nhiên, nếu không có quá trình sáng tạo thì liệu kết quả có được như mình mong muốn hay không? Trước khi tiến đến kết quả thì quá trình thực hiện chính là khoảng thời gian giúp bạn học hỏi và phát triển sự sáng tạo của bản thân nhất, dù cho trong khoảng thời gian đó bạn có vấp phải bao nhiều lần thất bại đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là những bài học để bạn phát triển bản thân mình hơn nữa mà thôi.
4. Sự phức tạp chính là bằng chứng của năng lực sáng tạo
Sáng tạo không có mối quan hệ gì với sự phức tạp cả. Mà ngược lại sáng tạo lại chính là việc giúp bạn tìm cách đơn giản các quy trình và tạo ra những thứ đẹp đẽ, hợp lý hơn.
Mục đích của sáng tạo không phải lúc nào cũng là nghệ thuật hay để tô điểm thêm cho mọi thứ. Sáng tạo có thể đơn giản chỉ là sử dụng những phương pháp khác biệt hơn để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất và triệt để nhất. Do đó, đừng tự nhầm lẫn rằng bản thân đang làm phức tạp mọi thứ lên lại là biểu hiện của sự sáng tạo, ngược lại, hãy giải quyết mọi thứ thật gọn gàng, thật đơn giản thì đó chính là lúc bạn đang phát huy khả năng sáng tạo của bản thân đấy.
5. Hãy nghiêm túc
Lời khuyên này thường có hai dạng. Bạn nên ngừng vui vẻ để sáng tạo và nghiêm túc với công việc hoặc bạn nên tiếp cận với sự sáng tạo một cách nghiêm túc tuyệt đối mọi lúc, mọi nơi. Trong cả hai trường hợp thì ý nghĩa của lời khuyên này đều sai lệch cả. Chúng ta hoàn toàn không làm gì sai khi tận hưởng quá trình sáng tạo của mình và biến công việc của mình trở nên vui vẻ và truyền hứng thú hơn cả. Vì thế, để phát huy tối đa sự sáng tạo thì đừng tự chèn ép bản thân theo khuôn khổ, tự do, phóng khoáng mới là mảnh đất màu mỡ để sự sáng tạo nảy mầm và phát triển.
Hãy nhớ rằng đối với nhiều người, sự sáng tạo lại là một điều gì đó xa vời và khó hiểu. Họ có thể coi đó là rủi ro, là lãng phí thời gian hoặc đơn giản là họ không hiểu cách phát triển của sự sáng tạo là như thế nào và nó có ích ra sao trong cuộc sống. Bởi vì điều này nên họ thường sẽ đưa ra những lời khuyên sai lệch như thế, và việc của bạn là hãy bỏ ngoài tai và cứ tự do làm những gì mà bản thân mình hứng thú nhất, sáng tạo nhất.
Trí Thức Trẻ