Sanvinest (SKV) chuẩn bị phân phối tổ yến vào hệ thống nhà thuốc Đông y lớn nhất Trung Quốc, mục tiêu xuất khẩu 250 tỷ đồng năm 2024
Trong tháng 4/2024, Sanvinest ký kết hợp tác kinh doanh với đối tác Đồng Nhân Đường là hệ thống nhà thuốc Đông y lớn của nhà nước Trung Quốc. Dự kiến năm 2024 sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 250 tỷ đồng và con số này sẽ tăng hơn trong các năm tiếp theo.
Ngày 6/5, CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (Sanvinest, Mã CK: SKV) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2024 thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Nhìn lại năm 2023, SKV đã ghi nhận KQKD tốt nhất trong lịch sử với doanh thu 2.121 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 103 tỷ đồng. Với kết quả tích cực trên, SKV thống nhất chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30,1% bằng tiền mặt.
Bước sang năm 2024, SKV đã đặt kế hoạch doanh thu 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 76 tỷ đồng, tương ứng giảm 21% và 26% so với thực hiện năm ngoái. Cổ tức 2024 bằng tiền dự kiến tỷ lệ 22,4%, giảm so với năm trước.
SKV cũng thông qua việc điều chỉnh quy mô giai đoạn 2 Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Khánh Hòa từ công suất 18.000 sản phẩm/giờ lên 30.000 sản phẩm/giờ, tổng mức đầu tư cũng tăng từ 148 tỷ đồng lên 344 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty cũng thông qua việc triển khai chương trình hợp tác, liên kết đầu tư nuôi chim Yến trong nhà tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Đăk Lăk, sau đó phân chia số tiền được hưởng theo tỷ lệ 50/50 giá trị sản lượng tổ yến thu hoạch.
KQKD quý 1 sụt giảm do "dồn sức" cho năm 2023
Trước đó, SKV đã công bố báo cáo KQKD hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu 361 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng, lần lượt giảm 42% và 37% so với cùng kỳ 2023. Đây là con số có phần bất ngờ trong bối cảnh công ty đã xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như quý 1 là mùa cao điểm Tết.
Giải đáp vấn đề này, bà Trịnh Thị Hồng Vân – Chủ tịch HĐQT SKV cho rằng năm 2023 vừa qua là một năm rất khó khăn khi sức mua sụt giảm mạnh. Trong nỗ lực hoàn thành kế hoạch doanh thu chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập (năm 2023), công ty đã đồng ý cho hệ thống nhà phân phối nhập một lượng hàng tương đối lớn, bao gồm cả nhu cầu những tháng đầu năm 2024. Điều này khiến KQKD quý 1/2024 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu Công ty Yến sào Khánh Hòa (công ty mẹ) giao năm 2024 cũng giảm theo đánh giá sức mua của thị trường. Do đó, ban lãnh đạo SKV đã thống nhất điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, mang tính khả thi cao, đảm bảo kế hoạch phát triển dài hạn, bền vững và thỏa mãn các quyền lợi của cổ đông.
Chủ tịch SKV cho biết công ty liên tục đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu Yến sào Khánh Hòa Sanest, Sanvinest. Cuối năm 2023, SKV đã đưa ra thị trường sản phẩm mới túi Tính chất Yến sào Sanvinest Khánh Hòa với 5 dòng sản phẩm nhỏ gọn, bao bì tiện dụng sang trọng, chất lượng vượt trội phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Bước đầu sản phẩm được đánh giá cao, trong năm nay công ty sẽ tiếp tục cải tiến bao bì tốt hơn nữa và sẽ triển khai độ bao phủ rộng khắp tại các kênh truyền thống, bệnh viện, siêu thị…Xây dựng đội ngũ bán hàng và PG chuyên nghiệp giới thiệu và bán sản phẩm đến người tiêu dùng với mục tiêu sản phẩm tinh chất có doanh thu chiếm tỷ trọng lớn và chủ lực trong tương lai. Đối với sản phẩm truyền thống lon và lọ thủy tinh, SKV cũng nâng cao hàm lượng yến sào nhưng vẫn giữ giá bán để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong tình hình khốc liệt hiện nay.
Liên quan đến vấn đề công nợ tăng mạnh cuối năm 2023, ông Nguyễn Khoa Bảo – Tổng giám đốc SKV cho biết trong bối cảnh đảm bảo kế hoạch kinh doanh đề ra, công ty đã cho hệ thống nhà phân phối nhập lượng hàng tồn kho tương đối cao cũng như thay đổi chính sách công nợ cho các nhà phân phối, đại lý của công ty từ chính sách thanh toán ngay trước khi giao hàng thì SKV đã gia hạn thời gian thanh toán cho các đại lý, nhà phân phối. Vì vậy, khoản phải thu khách hàng có sự biến động lớn vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, công ty luôn theo dõi công nợ và tiến hành thu nợ thường xuyên, nếu nhà phân phối không thanh toán công nợ đúng hạn sẽ cắt giảm các chương trình trả thưởng nhà phân phối đó nên khoản phải thu 258 tỷ đồng đã được thu hồi hết trong quý 1/2024.
Hợp tác với hệ thống nhà thuốc Đông y lớn nhất Trung Quốc, mục tiêu xuất khẩu 250 tỷ đồng năm 2024
SKV đã có giấy phép chính ngạch xuất khẩu yến sào vào Trung Quốc, đã có đối tác chính thức tại thị trường này, trong 2 tháng cuối năm 2023 SKV đã xuất khẩu sản phẩm trị giá 6 tỷ đồng sang Trung Quốc. Theo ban lãnh đạo công ty, Trung Quốc là thị trường lớn có tiềm năng, tuy nhiên đối tác cần có thêm thời gian để xây dựng hệ thống phân phối để có kết quả tốt hơn.
Trong tháng 4/2024, SKV tiếp tục ký kết hợp tác kinh doanh với đối tác Đồng Nhân Đường là hệ thống nhà thuốc Đông y lớn của nhà nước Trung Quốc chuyên kinh doanh Yến sào, Sâm, Nấm…Đối tác đã thăm quan nhà máy chế biến nguyên liệu của SKV và đánh giá rất cao. Dự kiến trong thời gian tới sẽ ký kết hợp đồng và tiến hành đặt hàng các dòng sản phẩm yến tổ.
Lãnh đạo SKV cho biết đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong chiến lược kinh doanh những năm tới. Kết quả bước đầu xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc với giá trị 6 tỷ đồng cuối năm 2023, dự kiến năm 2024 sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 250 tỷ đồng và con số này sẽ tăng hơn trong các năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu vậy, SKV đã đưa vào vận hành gia đoạn 1 Nhà máy chế biến nguyên liệu Yến sào và tiếp tục triển khai giai đoạn 2 xây dựng Nhà máy NGK cao cấp Yến sào Khánh Hòa có công suất 30.000 sản phẩm/giờ với tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty sẽ triển khai chương trình hợp tác, liên kết đầu tư nuôi chim Yến trong nhà nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cũng như kiểm soát giá thành sản phẩm.
Lãi suất vay đang rất ưu đãi cho SKV
Về việc mở rộng công suất nhà máy NGK cao cấp Yến sào công suất giai đoạn 2, căn cứ vào tình hình triển khai thực tế của dự án cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong thời gian tới, HĐQT SKV đã điều chỉnh công suất giai đoạn 2 là 30.000 sản phẩm/giờ cũng như tăng thêm các hạng mục như Trung tâm giới thiệu sản phẩm, nhà văn phòng, hội trường, nhà nghỉ công nhân, nhà truyền thống, nhà phụ trợ, bể chứa nước ngầm. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 420 tỷ đồng. Công ty đã quyết toán đưa vào sử dụng giai đoạn 1 của Nhà máy chế biến nguyên liệu Yến sào với mức đầu tư là 75,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có của công ty.
Giai đoạn 2 của dự án, SKV sẽ sử dụng quỹ đầu tư phát triển dự kiến 80 tỷ đồng, vốn vay 220 tỷ đồng, vốn tự có là 47 tỷ đồng. Mức đầu tư giai đoạn 2 là 344 tỷ đồng. Ban lãnh đạo SKV cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên chi phí lãi vay ưu tiên doanh nghiệp tương đối thấp. Với dư nợ vay tăng theo tiến độ triển khai dự án, công ty vẫn kiểm soát được dòng tiền để đảm bảo trả vốn gốc và lãi vay đúng hạn cũng như đảm bảo tính hiệu quả kinh doanh.
SKV là doanh nghiệp được phân vào nhóm doanh nghiệp lớn, uy tín trong các năm qua. Vì vậy luôn được các ngân hàng cấp hạn mức tín dụng tín chấp với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, công ty còn được áp dụng chương trình hỗ trợ sản xuất 2%/năm của trong 2 năm 2022 và 2023 của Chính phủ. Thực tế, mức lãi suất năm 2023 của công ty chỉ dao động từ 2,8% đến 5%/năm. Công ty cũng tranh thủ cuộc đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng trong giai đoạn đầu năm 2023 để gửi tiền hưởng lãi suất 6-7%/năm. Trong năm 2024, SKV đang vay VCB Khánh Hòa với lãi suất ưu đãi, kỳ hạn 2 tháng 2,3%/năm, 3 tháng 2,5%/năm; 6 tháng 3,4%. Lãnh đạo công ty cam kết luôn tìm nguồn vay ngân hàng để đảm bảo chi phí tài chính ở mức thấp nhất.
Đời sống Pháp luật