MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sao nỡ đánh thuế tài sản người nghèo, đang thiếu nợ?

Nếu vận dụng theo dự thảo của Bộ Tài chính thì người chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người có thu nhập thấp, những người còn thiếu nợ tiền mua nhà và tiền lãi vay ngân hàng

Đề xuất đánh thuế tài sản với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng, chung cư tái định cư… của Bộ Tài chính tiếp tục gây tranh luận. Pháp Luật TPHCM đã trao đổi với TS. Lê Quang Cường, Trưởng Bộ môn Thuế- Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xung quanh vấn đề trên.

TS Cường cho rằng: Dự luật thuế tài sản được đề xuất hiện nay chủ yếu chỉ tập trung vào mục đích tăng thu ngân sách để góp phần bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước.

Đánh vào người nghèo, đang vay nợ

Phóng viên: Thưa TS các nước trên thế giới đánh thuế tài sản như thế nào và bản chất thuế nhà cụ thể ra sao?

TS. Lê Quang Cường: Cách tính thuế nhà của Mỹ là 3% trên trị giá ngôi nhà, sát với giá trị thực trên thị trường. Còn cách tính thuế tài sản đối với bất động sản ở Việt Nam như đề xuất của Bộ Tài  chính do không xác định được giá thực tế thị trường để tính thuế nên sẽ căn cứ vào khung giá xây dựng nhà và khung giá đất của nhà nước ban hành.

Hiện nay, giữa khung giá nhà nước ban hành và giá giao dịch thực tế trên thị trường có một độ chênh rất lớn. Vì vậy giá trị bất động sản tính thuế không đúng với giá thực tế giao dịch trên thị trường, theo hướng giá trị tính thuế sẽ thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế giao dịch.

Điều này khiến cho thuế tài sản chỉ có ý nghĩa điều tiết trên giá trị ban hành của đất động sản chứ không phải điều tiết trên giá cả thị trường do cung cầu xác lập.

Bản chất thuế tài sản là đánh vào một số ít tài sản có giá trị cao và nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước. Hay nói cách khác đối tượng chịu thuế sẽ là tài sản của người giàu.


"Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp, nếu áp dụng sắc thuế tài sản lúc này là chưa phù hợp. Khi Việt Nam có mức thu nhập bình quân từ ngưỡng trung bình khá trở lên thì việc đánh thuế tài sản mới thực sự phát huy được hiệu quả và ý nghĩa của loại thuế này"- TS. Lê Quang Cường.

Nhưng câu hỏi là hiện nay Việt Nam đã giàu hay chưa?

Nếu vận dụng theo dự thảo của Bộ Tài chính thì người chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người có thu nhập thấp, những người còn thiếu nợ tiền mua nhà và tiền lãi vay ngân hàng!

Với khoản vay mua nhà này tại Mỹ họ cho giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân, còn tại Việt Nam thì chưa cho phép. Do đó, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng thuế tài sản sẽ tạo ra hiện tượng thuế chồng thuế tại Việt Nam.

Chưa kể đưa ra cách tính tỉ suất thuế là 0,4% chưa có cơ sở khoa học. Bởi cách khảo sát định lượng giá trị của chúng ta đưa ra rất khấp khiểng và chưa bao giờ trả lời tại sao lại đưa ra những con số đó.

Ngoài ra cũng chưa làm rõ tại sao lại đánh thuế với nhà giá trị trên 700 triệu đồng và 1,5 tỉ đồng đối với xe ô tô. Tại sao là con số này mà không phải là những con số khác?

Một loại thuế tài sản mà cơ sở tính thuế không có sự tham gia của thị trường thì có thể mang lại khoản thu cho ngân sách nhà nước nhưng sẽ không thể điều tiết được thị trường nhất là thị trường bất động sản đang rất cần có công cụ điều tiết.

Sao nỡ đánh thuế tài sản người nghèo, đang thiếu nợ? - Ảnh 2.

Cơ quan soạn thảo chưa làm rõ tại sao lại đánh thuế với nhà giá trị trên 700 triệu đồng mà không phải là những con số khác


Quá vội vàng, chưa phù hợp thực tế

Thuế tài sản cần phải nhắm đến người giàu chứ không phải người có thu nhập thấp, nhưng nhiều ý kiến cho rằng dự dự án luật Thuế tài sản đánh cả vào người có thu nhập thấp càng tạo thêm gánh nặng cho dân?

+ Như trên đã nói bản chất của thuế tài sản là đánh người giàu, thuế tài sản Mỹ đánh trên giá thị trường, còn tại Việt Nam thì phổ biến mua đi bán lại khiến giá đất tăng vọt, không cản được giới đầu cơ vì tiền lời quá cao. Muốn đánh vào giới đầu cơ thì nên đánh thuế vào căn nhà thứ hai.

Đánh thuế đối với nhà có trị giá 700 triệu đồng gây nhiều phản ứng của người có thu nhập thấp hơn là đánh thuế tài sản vào căn nhà thứ hai. Hơn nữa, người có căn nhà thứ hai chắc chắn là người giàu còn người có căn nhà 700 triệu đồng thậm chí sẽ là người có thu nhập thấp nếu đây là vùng thành thị hoặc trung tâm ở nông thôn.

Như vậy người có căn nhà thứ hai xứng đáng bị đánh thuế hơn người có thu nhập thấp phải vay nợ để mua căn nhà trên 700 triệu đồng. Thuế tài sản cần phải nhắm đến người giàu chứ không phải người có thu nhập thấp. Đó chính là bản chất và ý nghĩa của thuế tài sản.

"Quan trọng nhất là một người thu nhập thấp có thể phản ứng dữ dội khi bị đánh thuế trên căn nhà duy nhất mà họ phải vay ngân hàng để mua. Tuy vậy, người ta không thể phàn nàn vì vì thuế quá cao nên tôi không thể có tiền để hút thuốc lá hay uống rượu, bia"- TS. Lê Quang Cường.


Có ý kiến cho rằng việc đánh thuế tài sản với nhà trị giá trên 700 triệu đồng ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, vội vàng. Ông nghĩ vì về ý kiến này?

+Cách làm như thế này là vội vàng! Nhà nước cần xác định lại mục tiêu thuế tài sản dùng vào mục đích gì. Dùng để bù đắp ngân sách hay điều tiết thị trường, tránh bong bóng bất động sản.

Tôi cho rằng với điều kiện như Việt Nam thì việc đánh thuế tài sản để bù đắp ngân sách lúc này là chưa khôn khéo. Nên hiểu thuế tài sản là đánh thuế nhà giàu để họ bớt đầu cơ bất động sản.

Nên lưu ý, mình đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thậm chí thuế luỹ tiến nhưng mức thu quá thấp, không mang lại nguồn thu theo mong muốn của cơ quan thuế. Bây giờ chúng ta chưa xác định rõ sắc thuế tài sản này là đánh đầu cơ hay tăng thu ngân sách thay cho thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?

Cùng đó cần giải thích cơ sở vì sao đánh thuế nhà trị giá 700 triệu và xe 1,5 tỷ đồng. Cơ sở khoa học tính toán chứ không thể so sánh khập khiểng với các nước để cho ra các con số đó.

Sao nỡ đánh thuế tài sản người nghèo, đang thiếu nợ? - Ảnh 4.

Nếu đánh thuế tài sản thì người thu nhập thấp càng thêm gánh nặng. Ảnh: QUANG HUY

Nên đánh thuế căn nhà thứ hai

Một trong những lý do mà cơ quan đề xuất dự luật Thuế tài sản đưa ra là đánh thuế tài sản để chống đầu cơ, tránh bong bóng nhà đất và bù đắp nguồn thu do giảm thuế nhập khẩu…, thưa ông?

Hiện nợ công cao, mỗi năm nguồn tiền để trả nợ, lãi là rất lớn. Chưa kể, sức ép hội nhập buộc phải giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, nên buộc phải có nguồn tiền để bù đắp khoản tiền thâm hụt đó. Đây chính là sức ép lên ngân sách nhà nước.

Như tôi đã đề cập, muốn đánh vào giới đầu cơ thì nên đánh thuế vào căn nhà thứ hai. Mặc dù có thể khoản thu được từ đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ thấp hơn so với đánh thuế đại trà theo dự thảo luật Thuế tài sản nhưng phần thiếu hụt khoản thu đó Bộ Tài chính có thể linh hoạt chuyển sang khai thác khoản thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ví dụ tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt của ba mặt hàng rượu, bia, thuốc là từ 65%, 70% lên mức 100%. Chúng ta cần biết sản lượng tiêu thụ ba mặt hàng này tại Việt Nam là rất lớn khi tăng thuế suất sẽ mang lại khoản thu rất lớn cho nhà nước.

Quan trọng nhất là một người thu nhập thấp có thể phản ứng dữ dội khi bị đánh thuế trên căn nhà duy nhất mà họ phải vay ngân hàng để mua. Tuy vậy, người ta  không thể phàn nàn vì vì thuế quá cao nên tôi không thể có tiền để hút thuốc lá hay uống rượu, bia.

Nên nhớ những người có thu nhập thấp đang vay ngân hàng tiền để trả cho căn hộ giao động từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng tại các đô thi, áp lực của họ rất lớn.

Thuế tài sản phải đánh vào người giàu nhưng lại gây áp lực cho người nghèo liệu có nên hay không?

Xin cảm ơn tiến sĩ !

Theo Phong Điền

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên