Sập bẫy app "EASY TOUR VN", nhà đầu tư bị lừa tiếp lần 2
Lợi dụng tâm lý nhà đầu tư lo lắng vì bị lừa qua app đầu tư sinh lời cao "EASY TOUR VN", một số đối tượng đã tạo ra các hội nhóm yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để hỗ trợ lấy lại tiền.
Theo cuộc khảo sát trên hội nhóm mạng xã hội Zalo, số lượng người bị lừa bởi app "EASY TOUR VN" ngày càng gia tăng với tổng số tiền bị mất ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng.
Lợi dụng tâm lý hoang mang của các nạn nhân, một số đối tượng lạ đã lập các hội nhóm Zalo với mục đích hỗ trợ những người bị lừa lấy lại khoản tiền đã mất bằng cách viết đơn gửi đến cơ quan công an.
Điều kiện để được hỗ trợ đó là các nhà đầu tư bị lừa phải cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước công dân, họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ... cộng với chi phí cho người đi nộp đơn. Đã có rất nhiều người cả tin gửi hết thông tin cá nhân cho kẻ lạ.
Trong khi đó, một số người vừa tham gia vào nhóm đã thoát ra nhóm vì sợ tiếp tục trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo mới. Một nhà đầu tư tên Hà Thái cảnh báo những người khác không nên cung cấp thông tin cho người không quen biết mà nên tự đến cơ quan công an trình báo để được xử lý.
"Các anh chị coi chừng bị lợi dụng. Có thể có một số đối tượng mồi chài để yêu cầu nhà đầu tư gửi thông tin cá nhân. Đã mất tiền một lần rồi thì đừng nên để mình trở thành nạn nhân tiếp theo nữa"- Hà Thái bình luận sau đó rời nhóm Zalo.
Trong khi đó, website của những đối tượng mạo danh Easy Tour và app "EASY TOUR VN" mà Báo Người Lao Động đã phản ánh vẫn trong tình trạng "vô hiệu hóa".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho biết trong các vụ lừa đảo, thường xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tâm lý nôn nóng, thiếu kiến thức pháp luật trong việc lấy lại tiền của người bị lừa để yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân để viết đơn tố cáo giùm. Điều này rất nhiều rủi ro đối với những nạn nhân đó.
Bởi từ những thông tin cá nhân được cung cấp, các đối tượng này có thể sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật. Trong đó, hình thức phổ biến nhất hiện nay là đem để bán cho bên thứ ba, để vay tiền, lừa tiền người thân, rút tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm.
Chuyên gia bảo mật Phạm Đình Thắng cảnh báo thông tin cá nhân của mỗi người cần phải được bảo vệ, không được tiết lộ ra bên ngoài.
Kẻ gian có thể sẽ sử dụng thông tin cá nhân ý đồ xấu như làm giả mạo danh tính, gửi thư rác, hoặc thực hiện các hành động phạm pháp như lừa đảo qua không gian mạng, rút tiền từ các tài khoản ngân hàng...
"Nhà đầu tư bị lừa phải bình tĩnh và nên tìm đến những người uy tín, luật sư, cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan pháp lý. Không nên cung cấp thông tin cho người lạ" - ông Thắng nhấn mạnh.
Người Lao động