Sắp bước sang năm mới cùng "tổ hợp độc hại" từng khiến kinh tế Mỹ lao đao, liệu TQ có dám mạo hiểm?
Nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng stagflation (suy thoái kèm lạm phát), điều từng khiến nước Mỹ lao đao trong thập niên 70 - đầu thập niên 80.
- 31-12-2019Trải qua 1 thập kỷ, từ lạc hậu giờ đây mọi mặt đời sống của người Trung Quốc thay đổi bởi công nghệ, điện thoại thông minh và các ứng dụng livestream
- 31-12-2019Tôn vinh ông Tập bằng danh xưng đặc biệt, Bộ chính trị Trung Quốc phát đi thông điệp gì?
- 31-12-2019Canh bạc 'tỷ đô' của Elon Musk ở Trung Quốc: Đầu tư 5 tỷ USD xây nhà máy, đích thân đến trao chìa khóa xe cho khách hàng đầu tiên
Trung Quốc "tiến thoái lưỡng nan" trước tình trạng suy thoái kèm lạm phát
Trong khi lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ, thì tăng trưởng kinh tế của nước này lại giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ qua, Wall Street Journal (WSJ) đưa tin.
Đây là những dấu hiệu điển hình của tình trạng stagflation (suy thoái kèm lạm phát) - một tổ hợp "độc hại" của tăng trưởng kinh tế trì trệ và giá cả tăng vọt từng khiến nước Mỹ lao đao trong giai đoạn từ năm 1970-1981. Vào thời điểm đó, tỉ lệ lạm phát tại Mỹ đã tăng lên gần 15%, trong khi nền kinh tế của nước này rơi vào khủng hoảng và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.
Mặc dù vậy, WSJ cho rằng vẫn có nhiều lí do để tin rằng Trung Quốc có khả năng tránh được kịch bản nước Mỹ từng đối mặt trong thập niên 70 - đầu thập niên 80: Nền kinh tế được dự báo tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2019 của Trung Quốc vẫn có tốc độ mở rộng nhanh chóng hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, và thị trường lao động của nước này vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Hơn nữa, ngoại trừ giá thực phẩm, thì tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc vẫn được duy trì ở mức ổn định.
Thế nhưng, giới chức Bắc Kinh được cho là sẽ không mạo hiểm trước tình hình nói trên. Mặc dù dữ liệu của chính phủ cho thấy các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã bình ổn trong tháng 11, nhưng nhiều nhà kinh tế học đều tin rằng Bắc Kinh sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm tới.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đưa ra dự báo rằng trong năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ vào khoảng 5,8% - thấp hơn so với mức 6% của năm 2019.
Trong một cuộc họp với các quan chức cấp cao hôm 18/12 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thừa nhận về nguy cơ nền kinh tế nước này sẽ phải đối mặt với càng nhiều sức ép suy thoái hơn nữa trong năm tới.
Tuy ông Lý không nêu chi tiết về những sức ép này, nhưng giới chuyên gia dự đoán rằng trong năm 2020, Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức vốn có từ trước như thị trường bất động sản hạ nhiệt, những điều bất định trong thương mại và tỉ lệ lạm phát tiêu dùng tăng cao.
Một điều còn đáng lo ngại hơn nữa, đó là chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của Trung Quốc đã tăng những 4,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với chỉ số tháng 10 và so với dự đoán - do giá thịt lợn tăng vọt vì ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Một số chuyên gia dự đoán rằng chỉ số lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc vào đầu năm tới có thể tăng lên 6% hoặc cao hơn.
Việc giá thịt lợn tăng mạnh là điều đặc biệt đáng quan ngại đối với Trung Quốc, bởi tại nước này, thực phẩm vẫn là mặt hàng tiêu dùng lớn nhất. Lạm phát giá thực phẩm có thể dẫn đến tình trạng giá cả các mặt hàng và dịch vụ khác cũng tăng theo.
Việc lạm phát tăng cao song hành với tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", và nhiều nhà kinh tế học đã bày tỏ lo ngại về một viễn cảnh tồi tệ hơn tại Trung Quốc.
Vì sao lại gọi đó là "tiến thoái lưỡng nan"? Đó là bởi việc hạ thấp lãi suất cho vay có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng lại có nguy cơ khiến lạm phát tồi tệ hơn - điều này có thể đe dọa ổn định xã hội. Đây cũng là một trong những nỗi lo lớn nhất của Bắc Kinh trong thời điểm hiện tại.
Trong một báo cáo về các biện pháp ngăn chặn lạm phát được công bố hồi tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã khẳng định sẽ có các biện pháp để vừa phòng tránh lạm phát gia tăng, vừa ngăn chặn tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: Financial Times
"Khủng hoảng" giá thịt lợn và bài toán khó cho Trung Quốc
Trung bình, một hộ gia đình tại Trung Quốc chi gần 1/5 tổng thu nhập của họ cho thực phẩm, theo một khảo sát của Đại học Kinh tế - Tài chính Trung Quốc, với sự tham gia của 35.000 hộ gia đình trên toàn quốc. Theo WSJ, con số này cho thấy chi tiêu của người Trung Quốc cho thực phẩm nhiều gấp hơn 2 lần so với các hộ gia đình Mỹ, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Li Debai, một công dân Trung Quốc đã về hưu hiện sống tại thị xã Khải Lý, Tây Nam tỉnh Quý Châu, cho biết trong những tháng gần đây, vợ chồng ông đã buộc phải giảm mua thịt lợn - một mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại Trung Quốc - sau khi giá thịt lợn tăng chóng mặt vì dịch tả lợn châu Phi.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực "hãm phanh" giá thịt lợn, bao gồm các biện pháp như gia tăng nhập khẩu, mở kho thịt đông lạnh dự trữ - nhưng giá thịt lợn tháng 11 năm nay vẫn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình giá thực phẩm tại Trung Quốc vào cuối năm nay cũng tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, theo các số liệu của chính phủ nước này.
Một số nhà kinh tế học cho rằng giá thịt lợn liên tiếp tăng cao trong những tháng cuối năm 2019 là dấu hiệu cho thấy lạm phát giá thực phẩm có thể đạt đỉnh vào đợt Tết âm lịch cuối tháng 1 tới, nhưng nhiều ý kiến lại lo lắng rằng tình trạng lạm phát tiêu dùng có thể sẽ kéo dài hơn thế.
Lạm phát giá thực phẩm thường đi kèm với những hệ lụy nguy hiểm, bởi nó tác động đến lòng tin của người tiêu dùng, ông Hui Shan, một nhà kinh tế học của Goldman Sachs cho hay.
Và điều đó đã thực sự xảy ra với Trung Quốc. Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm chi tiêu, thì tăng trưởng kinh tế của nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tình hình sẽ càng tồi tệ hơn nữa khi "núi nợ công" tiếp tục chất chồng, và nếu cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ không được giải quyết sớm.
Trí Thức Trẻ