Sắp bước tới cột mốc công ty nghìn tỷ USD, dư thừa 200 tỷ USD tiền mặt, Apple sẽ làm gì?
Theo giới phân tích, điện thoại iPhone 7 cho thấy một sự tiến hoá khác chứ chưa phải là một cuộc cách mạng smartphone cao cấp của Apple. Vậy ý đồ của "gã khổng lồ” có trên 200 tỉ USD tiền "nhàn rỗi" này là gì?
- 08-09-2016Với iPhone 7, Apple đã bắt chước các nhà bán lẻ Việt Nam: Nếu muốn màu mới, bạn phải chi thêm tiền
- 08-09-2016Hàng loạt quỹ lớn trên thế giới đã bán ra cổ phiếu Apple, liệu iPhone 7 có thể lật ngược tình thế?
- 07-09-2016Đêm nay iPhone 7 sẽ ra mắt và đây là những thách thức lớn nhất mà Apple đang phải đối mặt
Đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần vào tháng 9, Apple tổ chức giới thiệu các sản phẩm mới của mình và gần trong thập kỷ qua trọng tâm chính của lễ ra mắt hàng năm là sản phẩm iPhone được cập nhật. Tuy nhiên, trong năm nay, đồng hồ mang thương hiệu Apple (Apple Watch) có pin tốt hơn, bộ vi xử lý lõi kép mới và thiết bị định vị gắn bên trong là sản phẩm mới đầu tiên được "trình làng” tại sự kiện ngày 7/9.
CEO Apple Tim Cook tự hào tuyên bố Apple Watch là đồng hồ bán chạy thứ hai trong năm 2015, chỉ sau thương hiệu danh tiếng Rolex và vượt Fossil.
Theo Giám đốc Điều hành "Quả táo” Jeff Williams, đồng hồ Apple Watch seri 2 được "hoàn toàn thiết kế lại” với các tính năng chống nước ở độ sâu 50m và rất thích hợp dùng khi bơi lội trong các kỳ nghỉ ở biển. Sản phẩm này còn có cả trò chơi Pokemon Go đang nổi đình nổi đám.
Còn đối với iPhone 7, những điểm đáng chú ý là màu đen bóng hoàn toàn mới, camera tốt hơn hẳn nhờ ống kính kép và tai nghe không dây.
Tất cả những thay đổi này và nhiều cái khác chỉ là một sự tiến hoá, đổi mới hơn là sản phẩm mới mang tính đột phá lớn và táo bạo như trước đây. Có lẽ, 2016 chưa phải là năm đột phá đối với Apple.
Rob Enderle, nhà phân tích độc lập ở Thung lũng Sillicon, nhận định: "Apple là công ty đã nổi đình đám với các sản phẩm iPod, iPhone và iPad. Nếu không có những thành công vang dội này thì Apple sẽ gặp khó khăn. Mặc dù có nhiều tiền của thật song Apple đã không còn dẫn đầu thị trường”.
Nói Apple "gặp khó khăn” có lẽ là hơi quá. Giá trị vốn hóa của Apple hiện đã lên tới 605 tỷ USD, đủ để mua được cả Twitter với giá trị 12,7 tỷ USD, hay thậm chí thâu tóm Netflix với giá trị 42 tỷ USD.
Ngoài ra, Apple vẫn đang đạt lợi nhuận khổng lồ. Vào ngày 27/10/2015, cuối năm tài khoá trước, Apple đã công bố thu nhập ròng là 53,4 tỉ USD, con số mà theo tờ Financial Times là mức lợi nhuận hàng năm lớn nhất của bất kỳ công ty nào trong lịch sử. CEO Tim Cook cũng đã thừa nhận: "Năm tài khoá 2015 là năm thành công nhất chưa từng thấy của Apple với doanh thu tăng 28% lên gần 234 tỉ USD”. Gần 2/3, khoảng 62% doanh số bán hàng của Apple là ở các thị trường ngoài nước Mỹ.
Vì vậy, khó có thể nói rằng "ông lớn” này đang gặp khó khăn, ngoại trừ gặp khó khăn để xác định cần làm gì với dòng tiền đang tiếp tục ào ào đổ về.
Theo báo cáo doanh thu mới gần đây nhất, tính đến cuối tháng 6/2016 Apple nắm giữ 231,5 tỉ USD tiền mặt cộng với chứng khoán có thể chuyển nhượng. Con số này gần bằng GDP của Phần Lan, Ireland hay Chile, có nghĩa là đống tiền mặt của Apple có giá trị như là toàn bộ hàng hoá và dịch vụ mà người dân Phần Lan, Ireland hay Chile đã miệt mài làm ra trong cả năm. Đó là nghịch lý của việc có nhiều tiền. Vậy tại sao Apple lại ngồi núi tiền khổng lồ như vậy?
Điều bí ẩn về "hầm châu báu” của Apple
Nhìn chung, nếu ở vị thế mãn nguyện vì xúng xính tiền mặt, các công ty có thể đầu tư vào các dự án mới hay chia cho các cổ đông của mình nhưng cũng có thể giữ một phần tiền mặt dự trữ trong trường hợp khẩn thiết. Song Apple đang tàng trữ vô cùng nhiều tiền mặt trong nhiều năm. Số tiền mặt này tương đương doanh thu của một năm của chính Apple. Đây là điều khác thường đối với một công ty.
Như thông tin đã đưa, Apple đang tập trung vào một số dự án đầu tư như ô tô tự lái hay các hệ thống giải trí dựa trên hệ thống tương tác thực ảo tinh vi. Thế giới có thể cần phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi các sản phẩm đột phá mới sẽ được ra mắt trong một buổi lễ giới thiệu sản phẩm đầy bất ngờ tại California vào một vài năm tới.
Song các nhà phân tích vẫn đặt dấu hỏi tại sao hãng này không dùng một phần số tiền "nhàn rỗi” này để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào các công nghệ mới mang tính cách mạng.
Theo Uỷ viên phụ trách cạnh tranh EU Margrathe Vestager, Apple cũng không sử dụng toàn bộ số tiền này để nộp thuế. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi bởi Apple sử dụng Ireland như là thiên đường che giấu hầu hết lợi nhuận toàn cầu của mình và vụ việc này mới được phanh phui.
Thậm chí nếu tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này cuối cùng nộp 13 tỉ euro tiền truy thu thuế cho Ireland theo yêu cầu của Uỷ ban Cạnh tranh EU, thì cả Apple và chính phủ Ireland cho biết sẽ kháng cáo phán quyết của EU và Apple sẽ vẫn có nguồn dự trữ tiền mặt trên 200 tỉ USD để đầu tư vào các dự án công nghệ mới.
Vậy điều gì đã khiến Tim Cook không thực hiện điều đó? CEO này đã không tiết lộ gì thêm về vấn đề này trong buổi lễ ra mắt sản phẩm mới vào ngày 7/9 và vì thế mọi phỏng đoán tiếp tục vây bủa Apple.