Sắp có khủng hoảng ở khu vực ASEAN?
Một số thay đổi về cơ cấu kinh tế đã khiến ASEAN dễ bị rơi vào suy thoái hơn so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước.
- 26-09-2019Khu công nghiệp Việt Nam và Trung Quốc: Tại sao Bình Dương chật cứng, Quảng Tây lại hẩm hiu?
- 26-09-2019Sống ở Việt Nam rẻ hơn ở Campuchia?
- 25-09-2019Nikkei Asian Review: Việt Nam làm cầu nối hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn
Mặc dù ASEAN không rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật (technical recession – xảy ra khi ghi nhận 2 quý liên tiếp có mức tăng trưởng âm) trong đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu gần nhất, những những yếu tố nâng đỡ kinh tế khu vực này hiện đã giảm đi khá nhiều.
Một báo cáo gần đây của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co. viết: "Tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan cũng không thể cứu khu vực này khỏi tổn hại, nếu như các khu vực khác trên thế giới cũng lâm vào suy thoái. Doanh nghiệp tư nhân hoặc thậm chí toàn bộ ngành công nghiệp có thể chịu thiệt hại lớn hơn, bởi độ mở giữa các khu vực là lớn hơn nhiều so với trước kia".
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) báo cáo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm tới mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vì các cuộc xung đột thương mại cùng với những bất ổn về chính sách.
Tăng trưởng kinh tế của 8 trong 10 nước ASEAN đang ở mức thấp hơn so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước, chỉ có Việt Nam và Phillippines là ngoại lệ. Đây là một điều đáng lo ngại.
So sánh mức tăng trưởng GDP của các nước ASEAN (năm 2006 và 2018). Nguồn: Bain & Co
Trong báo cáo về tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á, Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực sẽ giảm từ mức 5,1% năm 2018 xuống 4,5% trong năm 2019.
Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đại lục của ICAEW, ông Mark Billington cho rằng, các vấn đề ngoại cảnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tăng trưởng cũng như các dòng chảy thương mại trong khu vực.
Thêm nữa, tài khoản vãng lai của các nước khu vực ASEAN đã giảm từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong đó tài khoản vãng lai ở 5 trong 10 nước thâm hụt khi có mức xuất khẩu trên tổng GDP giảm – hàm ý tăng sự phụ thuộc vào các dòng vốn nước ngoài.
Với nhiều mối liên kết mạnh về tài chính và thương mại, cũng không khó hiểu khi ASEAN phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu hàng hóa. Những đối tác xuất khẩu lớn có thể kể đến như Mỹ, Liên minh châu ÂU (EU) – vốn đang lo lắng với viễn cảnh Brexit không thỏa thuận rất có thể xảy ra – và Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong vòng 9 năm qua. Trong nửa đầu năm nay, ASEAN cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhì của Trung Quốc – chỉ xếp sau EU – lần đầu vượt qua Mỹ kể từ năm 1997.
Tuy nhiên theo Cơ quan tình báo kinh tế (có trụ sở tại Anh), sự gia tăng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang khiến ASEAN đối mặt với nhiều rủi ro khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang ghi nhận sự giảm tốc (từ mức 12,7% năm 2006 xuống còn 6,6% năm 2018). Nhất là khi thương chiến Mỹ - Trung liên tục có những diễn biến khó lường.
Giá trị hàng hóa đóng góp trong tổng GDP của khu vực đã giảm từ 23% xuống 18%. Với mức giá và lượng hàng bán ra đều có xu hướng giảm, khả năng ngành này có thể là bệ đỡ cho nền kinh tế khi xảy ra suy thoái là rất thấp.
Như công ty Bain & Co đã đề cập, tình hình suy thoái có thể chuyển biến theo nhiều hướng khác nhau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra suy thoái ở các nước mua nhiều hàng hóa của ASEAN như dầu cọ, than, máy vi tính...
Trong khi đó, các khoản nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình trên tổng GDP đã tăng đáng kể tại các nước Đông Nam Á. Ở nhiều nước mức tăng này đã vượt so với năm 2008 và 2009, đạt ở mức dường như chỉ có thể quan sát được ở các nước phát triển như Mỹ.
Ngoài việc mỗi quốc gia trong khu vực cần phải xây dựng những chính sách riêng, nền kinh tế ASEAN vẫn cần thiết phải hội nhập hơn nữa để đối phó với một cuộc suy thoái có thể xảy ra.