Sắp có xáo trộn mạnh trên bảng xếp hạng vốn điều lệ ngân hàng: Vietcombank chuẩn bị vươn lên dẫn đầu, HDBank và LPBank rục rịch tăng vốn mạnh
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang triển khai phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, bảng xếp hạng vốn điều lệ của ngành ngân hàng dự kiến sẽ có nhiều thay đổi.
- 21-11-2024Ngân hàng “toàn diện”: Ngoài Techcombank còn 1 nhà băng tư nhân khác lọt Top 10 loạt chỉ số về tổng tài sản, vốn hóa, CASA, ROA, ROE, chất lượng tài sản,…
- 19-11-2024Ngân hàng Nhà nước ra chỉ đạo mới cho các ngân hàng về việc hỗ trợ doanh nghiệp
- 19-11-2024Sắp có ngân hàng đạt mức dư nợ 2 triệu tỷ: Số tiền BIDV cho khách hàng vay mỗi tháng bằng 15 ngân hàng cộng lại
Nhiều ngân hàng chuẩn bị tăng vốn
Dự kiến ngày 30/11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có quyết định về: Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank .
Trước đó, Chính phủ đề xuất cho phép Vietcombank được sử dụng lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu. Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu là 20.695 tỷ đồng (làm tròn). Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietcombank.
Nếu được Quốc hội thông qua, Vietcombank có thể sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng (gồm cả vốn của Nhà nước và cổ đông khác), tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng – vươn lên đứng đầu hệ thống ngân hàng, bỏ xa hai ngân hàng đang dẫn dầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).
Cùng với Vietcombank, NHNN cũng đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế các năm trước theo quy định.
Với BIDV , lần chia cổ tức gần nhất của ngân hàng này diễn ra vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ năm 2021.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, BIDV đã thông qua phương án phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 21% số cổ phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 - 2025.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ BIDV sẽ tăng từ mức hơn 57.004 tỷ đồng hiện tại lên trên gần 69.000 tỷ đồng – ngang ngửa với Techcombank.
Với VietinBank , mặc dù đã trình phương án và đề xuất khá lâu nhưng tiến trình tăng vốn cũng diễn ra khá chậm. Lần chia cổ tức gần nhất của "ông lớn" này là vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả là lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.
Ở đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Nếu được chấp thuận và thực hiện xong hai kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên trên 77.700 tỷ đồng, vượt Techcombank và ngang ngửa với vốn điều lệ của VPBank hiện tại.
Ngoài nhóm Big3, HDBank mới đây cũng đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, HDBank được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 5.825 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông 2024 thông qua.
Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng lên hơn 34.900 tỷ đồng. Qua đó giúp HDBank tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo và hiệu quả hoạt động cao.
Tại ĐHĐCĐ bất thường mới đây, cổ đông LPBank đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,8%. Dự kiến vốn điều lệ của LPBank sau phát hành sẽ tăng lên tối đa là 29.873 tỷ đồng, đưa ngân hàng này vào nhóm 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn.
Như vậy, dự kiến trong thời gian tới, khi các ngân hàng thực hiện xong các phương án tăng vốn, bảng xếp hạng vốn điều lệ của ngành ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi.
TOP10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất
Hiện tại, ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống hiện nay là VPBank, với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2023.
Đứng thứ 2 là Techcombank với có vốn điều lệ đạt 70.450 tỷ đồng, tăng 100% so với cuối năm 2023.
Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là BIDV và Vietcombank, với vốn điều lệ lần lượt đạt 57.004 tỷ đồng và 55.891 tỷ đồng, đều không biến động so với cuối năm 2023. VietinBank giữ vị trí thứ 5, với vốn điều lệ đạt 53.700 tỷ đồng.
Ngoài 5 vị trí dẫn đầu, trong Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất còn có: MB (52.871 tỷ đồng), Agribank (51.615 tỷ đồng), ACB (44.667 tỷ đồng), SHB (36.629 tỷ đồng) và VIB (29.791 tỷ đồng).
Các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất là Saigonbank (3.388 tỷ đồng), Kienlongbank (3.653 tỷ đồng) và PGBank (4.200 tỷ đồng).
Nhịp sống Thị trường