Sắp diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia về Basel II
Ngày 14/12/2017 tới đây, Hội thảo khoa học quốc gia “Áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các NHTM Việt Nam: cơ hội, thách thức và lộ trình thực hiện” sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và quản lý sẽ công bố các nghiên cứu mới nhất liên quan đến mô hình quản trị rủi ro theo Basel II, thực trạng thể chế, chính sách, và những tồn tại, vướng mắc của lộ trình áp dụng Basel II trong các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Ban Tổ chức Hội thảo cho biết đã nhận được 49 bài nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Kết quả từ các nghiên cứu gửi tới Hội thảo cho thấy, việc triển khai áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm đã được thực hiện, hầu hết các ngân hàng đã thành lập Ban quản lý dự án Basel II; tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đã cao hơn 10% (vượt so với qui định 9%) tuy vậy vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực; các NHTM rất nỗ lực để hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản trị rủi ro nhưng rủi ro về nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn; vấn đề khác biệt về chuẩn mực kế toán và công bố thông tin hiện tại so với chuẩn mực quốc tế.
Các thách thức được nhận diện trong quá trình triển khai Basel II bao gồm: nguồn nhân lực, tăng vốn chủ sở hữu, về xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và chi phí đầu tư triển khai Basel II tại các ngân hàng.
Hội thảo sẽ đề cập và thảo luận về các vấn đề về tình hình triển khai Basel II tại Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay như: khó khăn, thách thức và giải pháp; các khó khăn, vướng mắc khi triển khai Basel II tại các Ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, Hội thảo là diễn đàn để trao đổi về bài toán quản trị dữ liệu hiệu quả trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và các yếu tố quyết định định tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng: Bằng chứng thực nghiệm từ Việt Nam .
Các nhà khoa học sẽ đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, NHNN và NHTM. Cụ thể, đối với Quốc hội và Chính phủ cần định hướng phát triển thị trường mua bán nợ, hoàn thiện hoạt động của công ty mua bán nợ.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, các nhà khoa học khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vấn đề bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại; thực hiện lộ trình áp dụng Basel II tại các ngân hàng cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Còn các NHTM cần chú trọng nguồn nhân lực triển khai dự án Basel II tại các ngân hàng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin nhằm đảm bảo các thông tin tài chính được chuẩn hóa, cần có lộ trình rõ ràng để tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng; hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng chiến lược và chính sách quản trị rủi ro.