Sắp đón sóng lớn đầu tư vào hạ tầng hàng không, tăng kỳ vọng đầu tư tại nhiều địa phương
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình Hội đồng thẩm định xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10/2022. Các sân bay được quy hoạch đồng bộ sẽ thúc đẩy tăng trưởng đô thị, thu hút đầu tư, kích thích phát triển cơ sở hạ tầng.
Hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống sân bay toàn quốc trong tháng 10
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về quy hoạch, huy động vốn đầu tư một số cảng hàng không, sân bay. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm việc với một số địa phương có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để cập nhật, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng và bổ sung vào quy hoạch các sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), Biên Hòa (Đồng Nai), Gia Lâm (thành phố Hà Nội), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10.
Bộ GTVT cũng được yêu cầu xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu về việc đầu tư sân bay Lai Châu, nghiên cứu khả năng đầu tư sân bay Côn Đảo theo phương thức PPP.
Đối với các cảng hàng không được phê duyệt chủ trương đầu tư như Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Phó thủ tướng đề nghị các địa phương khởi công trong năm 2022 hoặc đầu năm 2023, cần cân nhắc điều chỉnh quy mô, công suất, thông số kỹ thuật để không ảnh hưởng đến tiến độ, làm chậm kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Với các sân bay có đề xuất xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan được yêu cầu triển khai công tác nghiên cứu đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn với các sân bay Nà Sản (Sơn La), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Liên Khương (Lâm Đồng), Cần Thơ (TP Cần Thơ).
Khi được phê duyệt, Quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, khai thác hàng không dân dụng tại một số cảng hàng không, sân bay. Quy hoạch này trình Hội đồng thẩm định xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10. Trong đó, Phó thủ tướng lưu ý Quy hoạch cần bảo đảm quy mô phù hợp, tránh việc thường xuyên phải điều chỉnh.
Sân bay tạo cú huých phát triển kinh tế địa phương
Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp phê duyệt được dự báo sẽ tạo đột phá phát triển cho hàng loạt vùng đất mới, đặc biệt là du lịch và phát triển kinh tế tại các địa bàn xa xôi, giao thương khó khăn.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một quốc gia có đường biển dài, nhiều thắng cảnh nổi tiếng; tài nguyên thiên nhiên đa dạng cùng vị trí chiến lược; Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cũng như là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thống kê cho thấy, hiện có đến 58% du khách trên thế giới đi du lịch bằng đường hàng không (theo UNWTO) và 40% giá trị xuất khẩu của thế giới được tạo ra qua hình thức không vận (theo ATAG). Điều này cho thấy vai trò của hạ tầng hàng không đối với các quốc gia bao gồm cả Việt Nam nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế là không thể phủ nhận.
Cụ thể, các địa phương thuộc vùng Tây Bắc là nơi hội tụ nhiều cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ, phù hợp phát triển các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm, thủ công mỹ nghệ… Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận do giao thông đi lại khó khăn dẫn đến hạn chế phát triển,
Tương tự, Tây Nguyên - khu vực sở hữu vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế như du lịch sinh thái hay chế biến và xuất khẩu nông - lâm sản. Song, hệ thống giao thông chưa mấy thuận lợi đã làm hạn chế các hoạt động giao thương, hạn chế các cơ hội đầu tư, cản trở phát triển.
Trong khi đó, tại những khu vực biển đảo xa xôi như Côn Đáo, Phú Quốc việc đầu tư phát triển sân bay đã chứng minh hiệu quả tác động lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch địa phương. Chính nhờ sân bay, Côn Đảo, Phú Quốc đã có tên trên bản đồ du lịch thế giới.
Đánh giá về tầm quan trọng của các cảng hàng không đối với sự phát triển của du lịch địa phương, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng các CHK, sân bay được cải tạo, nâng cấp mở rộng hoặc xây mới sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương thông qua các hoạt động du lịch, đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết: “Sân bay không thể làm ồ ạt. Song với những dự án mà nhà đầu tư chứng minh được hiệu quả khai thác, đảm bảo nguồn vốn, phù hợp với tổng thể định hướng phát triển du lịch của địa phương, quy hoạch phát triển chung của ngành hàng không thì phải xem xét thực hiện”.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái - Phó Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, trường Đại học GTVT: Việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng là hướng đi đúng.
“Nếu đầu tư vào các dự án sân bay mới, huy động nguồn vốn xã hội sẽ thuận lợi hơn do những dự án này đã nằm trong quy hoạch. Tư nhân đầu tư, Nhà nước giám sát chất lượng, từ đó đưa ra mức phí và thời gian thu phí”, chuyên gia nhận định.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế