MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáp nhập và những vấn đề cần tháo gỡ

Tỉnh Hà Tĩnh là địa phương hưởng ứng và thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính khá quyết liệt, hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng mang lại trông thấy rõ rệt. Tuy nhiên, số lượng đảng viên ở những chi bộ sáp nhập quá đông, dẫn đến tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt và chất lượng sinh hoạt lại hạn chế.

Phình to

Ở Hà Tĩnh, sau sáp nhập Đảng bộ cơ sở dưới 200 đảng viên chỉ chiếm 5,7%; từ 200 đến 350 đảng viên tỷ lệ 60,3%; trên 350 đảng viên tỷ lệ 34%, có 32 đảng bộ từ 500 đảng viên trở lên, có một số đảng bộ trên 1.000 đảng viên. Những vấn đề về mô hình tổ chức, công tác quản lý đảng viên, chế độ phê và tự phê bình chưa theo kịp thực tiễn, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động của chi bộ và đảng bộ cơ sở.

Sáp nhập và những vấn đề cần tháo gỡ - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) kiểm tra mô hình chăn nuôi tại xã nông thôn mới kiểu mẫu

Nhiều chi bộ khối cơ quan sáp nhập để giảm đầu mối nhưng nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, nên xác định nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ còn chung chung. Việc duy trì sinh hoạt đảng bộ càng khó hơn vì quy mô và số lượng đảng viên sau sáp nhập xã/phường tăng lên, không đủ chỗ để dự họp, nên có đảng bộ triển khai một nghị quyết phải tiến hành 2-4 đợt.

Mặc dù Ban tổ chức Trung ương đã có hướng dẫn số 21 về quy trình kiểm điểm phân loại cấp ủy, đảng viên nhưng Hà Tĩnh đa số mới dừng lại ở kiểm điểm cấp ủy, vì quy trình đó không phù hợp với quy mô thực tại của chi bộ. (Hơn 55% số chi bộ thôn, tổ dân phố có 40 đảng viên trở lên, trong đó có gần 20% chi bộ nông thôn từ 80 đảng viên trở lên, có chi bộ trên 170 đảng viên) thì thời gian đâu để tự phê và phê bình đúng quy trình hướng dẫn?

Sáp nhập và những vấn đề cần tháo gỡ - Ảnh 2.

Đàn lợn ở trang trại nuôi Hươu sao và lợn rừng bằng công nghệ nông nghiệp tuần hoàn khép kín của đảng viên Trần Nam Giang, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, bình quân mỗi năm thu nhập 600 triệu đồng

Thực tiễn cho thấy, việc kiểm điểm phân loại đảng viên hàng năm mới dừng lại tự làm bản tự kiểm điểm, tự xếp loại và được chi bộ bỏ phiếu phân loại. Những việc tốt của đảng viên không được động viên khích lệ, việc khuyết điểm, sai lầm không được nhắc nhở, uốn nắn, thậm chí cán bộ đảng viên vi phạm nghiêm trọng, bị xử lý theo pháp luật nhưng cơ sở Đảng không kịp thời nắm bắt. Đã thế, có nơi xác định đối tượng để xét phân loại xuất sắc là đảng viên có chức vụ.

Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là đúng đắn, nhưng với cấp xã, phường không nên sáp nhập quy mô lớn, dẫn đến năng lực tổ chức, quản lý và cường độ làm việc của đội ngũ cán bộ sẽ không đáp ứng. Ở các xã sáp nhập có quy mô trên 1 vạn dân, diện tích trên 15km2, nhiều cán bộ rất tâm tư vì áp lực công việc quá lớn; đội ngũ công chức, viên chức chủ yếu lo công việc chuyên môn; các chức danh cán bộ vừa lo việc điều hành chung vừa lo chỉ đạo cơ sở, nên hầu như không có khái niệm giờ hành chính, không có thứ 7, Chủ nhật, còn đâu thời gian lo nghĩ chuyện lâu dài?

Con người cũng như cỗ máy, phải có thời gian ngừng nghỉ để tái tạo, bồi đắp năng lượng, để kiểm lại việc đã làm, suy nghĩ việc sắp tới, nhất là tư duy những vấn đề có tính định hướng lâu dài. Biết đặt nền móng hôm nay để gặt hái trong nhiều năm sau. Nếu tư duy của cán bộ chỉ đi cờ nước một, nặng xử lý công việc hành chính theo chức năng thì không thể khai thác hết mọi nguồn lực từ cơ sở để tạo sức bật cho sự phát triển bền vững của mỗi địa phương. “Với chức trách Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, việc triển khai các chủ trương nghị quyết, quản lý hơn 700 đảng viên và “đốt đuốc” tìm nhân sự cán bộ thôn xóm đã tiêu tốn không ít thời gian” - ông Lê Hữu Thắng, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc tâm sự.

Lời giải sau sáp nhập?

Tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động theo tôn chỉ, mục đích, theo chính cương, điều lệ, được pháp luật bảo trợ, do đó, việc sáp nhập, tinh giảm biên chế phải đồng bộ và là đòn bẩy vô cùng quan trọng để xây dựng hệ thống tổ chức vững mạnh, không mâu thuẫn và phá vỡ cấu trúc vốn có của hệ thống tổ chức, không để mất đi khả năng sinh tồn của tổ chức.

Với thực tại như ở Hà Tĩnh và trong cả nước, trên 50% số đảng bộ có trên 350 đảng viên, 55% chi bộ nông thôn trên 50 đảng viên thì quy mô tổ chức và các chế tài cụ thể cần thay đổi thế nào để vừa không vi phạm Điều lệ Đảng và Điều lệ các đoàn thể, để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy? Làm sao để không diễn ra tình trạng triển khai một chủ trương ở đảng bộ phải tổ chức 2-4 lần họp? Không để tình trạng sinh hoạt chi bộ thường chỉ trên 50% đảng viên có mặt? Nếu không lý giải được những vấn đề trên thì việc sáp nhập sẽ mâu thuẫn với chủ trương củng cố và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên và các đoàn thể chính trị.

Không chỉ vậy, quy mô không hợp lý ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ) đặt vấn đề: “Do quy mô thôn quá lớn nên việc tổ chức họp dân rất khó khăn. Mỗi thôn có trên 200 - 500 hộ, cá biệt có thôn 700 hộ, nhưng thông thường chỉ có 60-70 người dự họp. Nếu chỉ dân chủ đại diện, mỗi hộ 1 người đại diện cũng không có chỗ để họp. Khi ta nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà mọi chủ trương chủ yếu truyền đạt 1 chiều qua hệ thống truyền thanh cơ sở từ trên xuống, không được triển khai thấu đáo, dân không được bàn bạc và góp ý, không được biểu quyết theo đa số thì làm sao gọi là “lấy dân làm gốc”? Mỗi khi người dân chưa thông suốt thì hậu quả khó lường”.

Nhiều đảng viên tâm huyết đánh giá: Bên cạnh những cá nhân và tổ chức có phong cách chỉ đạo sâu sát, bắt mạch, chỉ điểm những việc cụ thể phải sửa, phải làm, định rõ thời gian và quy trách nhiệm từng tập thể và cá nhân rõ ràng, vẫn xuất hiện tình trạng “phán” đôi câu ba điều chung chung, nên không nâng được trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ cơ sở. Chính vì thế, rất cần những chế tài và yếu tố đảm bảo, nếu không chuyển biến tốt, cần phải làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, có khi phải bằng biện pháp tổ chức để bố trí lại cán bộ, không chờ đến hết nhiệm kỳ. Nếu làm được vậy, chắc chắn không có hiện tượng né tránh, nước chảy bèo trôi diễn ra ở nhiều nơi như hiện nay.

Về ý thức trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở, mặc dầu đã có kết luận 14 của Bộ Chính trị nhằm khuyến khích tính năng động sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ các cấp nhưng chuyển động còn chậm, biểu hiện dè dặt, làm sợ sai, không máu lửa trong công việc, không rung động trước nhịp thở của cuộc sống, lo “tròn vai diễn” là chính. Ở những địa bàn “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có phong trào và có lợi thế nhất định, đã xuất hiện sự trì trệ, đủng đỉnh, bằng lòng với thành quả có được, nhưng thực chất đã có bước lùi và dễ đánh mất phong trào.


(Còn nữa)


Theo Trần Thanh Bình - Hoàng Nam

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên