Sắp quy hoạch lại sân bay quân sự Thành Sơn
Tỉnh Ninh Thuận được giao tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn, chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn và bảo đảm tư vấn được lựa chọn đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn theo quy định.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn, thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Thời hạn lập quy hoạch là năm 2023-2024.
UBND tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm chỉ đạo lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn theo quy định; chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn; bảo đảm tư vấn được lựa chọn đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn theo quy định tại điều 17 Nghị định số 05 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Cục Hàng không Việt Nam được giao phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện sản phẩm tài trợ; chịu trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm tài trợ là hồ sơ quy hoạch; có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan lập quy hoạch sau khi tiếp nhận sản phẩm; trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Liên quan đến sân bay Thành Sơn, ngày 22/9/2022, Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Tổ công tác này đồng thời có nhiệm vụ nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (TP Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu.
Đối với các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa, Thủ tướng giao tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức khảo sát, đánh giá vị trí, vai trò, hiện trạng hạ tầng, đất đai của các sân bay quân sự; đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, vùng trời khu vực xung quanh các sân bay; đánh giá điều kiện, khả năng tổ chức khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay; ảnh hưởng tới tổ chức, khai thác, nhu cầu vận tải các cảng hàng không lân cận.
Nghiên cứu, đề xuất sơ bộ phương án đầu tư, phương án tổ chức khai thác trong trường hợp bổ sung quy hoạch các sân bay trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo Thường trực Chính phủ việc nghiên cứu, xem xét chuyển các sân bay quân sự thành các sân bay lưỡng dụng trong Quý IV năm 2022.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai nghiên cứu, lập và đánh giá các phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo các tiêu chí hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn để đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn.
UBND tỉnh Ninh Thuận được giao trách nhiệm xây dựng đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác Cảng hàng không Thành Sơn theo hướng dẫn của Bộ GTVT, phù hợp với các quy hoạch có liên quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hồi tháng 5, UBND tỉnh Ninh Thuận có báo cáo gửi Bộ GTVT về tình hình đầu tư xây dựng, các tồn tại vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ để thúc đẩy phát triển địa phương.
Trong phần kiến nghị, tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất một số nội dung liên quan chủ trương chuyển đổi và kêu gọi đầu tư xã hội hoá vào sân bay quân sự Thành Sơn để khai thác lưỡng dụng kết hợp với dân sự, thương mại.
UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ GTVT: Thống nhất bổ sung sân bay Thành Sơn thành cảng hàng không khai thác lưỡng dụng vào Quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050; trong quy hoạch cũng định hướng giai đoạn năm 2030 đến 2050 phát triển sân bay Thành Sơn thành cảng hàng không quốc tế, báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Sân bay Thành Sơn (TP Phan Rang - Tháp Chàm) được xây dựng từ năm 1960, là sân bay quân sự cấp 1, có 2 đường cất/hạ cánh, mỗi đường bằng rộng 45m, dài hơn 3km (trong đó 1 đường cất/hạ cánh bằng bê tông xi măng, đường còn lại bằng đất). Sân bay có 3 vị trí đỗ máy bay, rộng khoảng 2.187ha, bảo đảm triển khai các công trình hàng không dân dụng.
Tiền Phong