MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp Tết, thứ duy nhất tôi có chỉ là những khoản nợ

21-11-2024 - 07:10 AM | Lifestyle

Thu nhập bấp bênh, không đủ sống, lại còn đang nợ nên tiết kiệm là chuyện quá xa vời.

Tính theo lịch Vạn Niên, chưa đầy 2 tháng nữa, chúng ta sẽ đón Tết Nguyên Đán. Chắc hẳn giờ này, không ít người đã đang tính toán, dự trù chi tiêu Tết. Có người thoải mái vì dù sao cũng có chút tiền tiết kiệm, không có thưởng Tết cũng không ảnh hưởng quá nhiều; cũng có người lại đang lo ngay ngáy, vì cả năm qua, chẳng có dư đồng nào…

Thu nhập bấp bênh, chi nhiều hơn thu, chỉ có nợ là ổn định

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một người dùng ẩn danh đã nói thay nỗi lòng của biết bao người.

Dù rất cố gắng cắt giảm chi tiêu, nhưng thu nhập bấp bênh, không ổn định, cộng thêm việc đang nuôi con nhỏ nên gần như cả năm qua, vợ chồng chị không tiết kiệm được mấy. Chưa kể, hiện tại, anh chị còn đang nợ ngân hàng, 7 năm nữa mới trả xong, và có thêm 1 khoản nợ 100 triệu - là nợ ngoài, người ta đòi lúc nào phải trả lúc ấy…

Sắp Tết, thứ duy nhất tôi có chỉ là những khoản nợ- Ảnh 1.

Nguyên căn chia sẻ của cô vợ

Sắp Tết, thứ duy nhất tôi có chỉ là những khoản nợ- Ảnh 2.

Cách quản lý chi tiêu của gia đình cô

Với thắc mắc mà cô đặt ra, nhiều người đồng tình rằng có lẽ chỉ có thể giảm khoản tiền học của bé lớn, và khoản tiền sữa công thức của bé 2 tháng. Các khoản chi còn lại, gần như không thể cắt giảm thêm nữa, chưa kể, tiền ăn của cả nhà mà chỉ có 4 triệu cũng là đã là rất khéo rồi.

Sắp Tết, thứ duy nhất tôi có chỉ là những khoản nợ- Ảnh 3.

Nhiều người cho rằng cách chi tiêu của cô vợ này đang quá khéo rồi, khó mà cắt giảm thêm được nữa

3 điều cần làm để hạn chế tình trạng “bị động tài chính”

Tình trạng bị động trong vấn đề chi tiêu nói riêng hay vấn đề tiền bạc nói chung, là thứ chúng ta hoàn toàn có thể tránh được nếu có sự chuẩn bị. Áp lực tài chính sẽ giảm đi rất nhiều nếu bạn làm được 3 việc này.

1 - Lên kế hoạch trả nợ ngay cả khi chưa bị đòi

Với những khoản tiền vay người thân, bạn bè hay nói chung là những khoản vay không bị tính lãi và “phải trả 1 cục” thay vì trả theo từng tháng, không ít người thường có tâm lý ỷ y, vì “chủ nợ chưa đòi, bao giờ đòi thì trả sau”, mà không lường trước đến việc nếu lúc người ta đòi, mà mình đủ khả năng xoay để trả, thì sao?

Thế nên việc lên kế hoạch trả nợ khi có nợ là điều vô cùng quan trọng. Nó không chỉ đảm bảo khả năng trả nợ, tránh rơi vào tình thế bị động, phải vay chỗ này trả chỗ kia, mà còn cho thấy người đi vay nợ là người biết lên kế hoạch, biết giữ chữ tín. Chứ đi vay xong mà ỷ y mãi không trả, hoặc đợi đến lúc bị đòi mới trả, có lẽ, chẳng ai dám cho vay lần 2, lần 3 nữa,...

2 - Dự trù cho những khoản chi bắt buộc trong tương lai

Nếu có những dự định cần dùng tới tiền, việc trích một phần thu nhập hàng tháng, để dành cho việc thực hiện những mục tiêu ấy sẽ giảm bớt áp lực tài chính, đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng vay mượn, thành ra nợ nần.

Sắp Tết, thứ duy nhất tôi có chỉ là những khoản nợ- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Mục tiêu càng cần số tiền lớn, bản thân bạn càng nên tích lũy từ sớm. Ví dụ đơn giản và dễ hiểu nhất chính là khoản tiền tiêu Tết: Tiền biếu ông bà nội - ngoại, tiền lì xì, tiền sắm Tết,... Nếu có sự dù trù từ trước, bạn hoàn toàn có thể chủ động trong việc tiết kiệm tiền để nỗi lo “Tiền đâu tiêu Tết?” vơi bớt đi phần nào.

Nếu thu nhập ổn định và dư dả, bạn có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm và rút ngắn thời gian tích góp để gom tiền phục vụ các khoản chi bắt buộc. Nếu thu nhập không ổn định và cũng không quá dư dả, bạn có thể giảm tỷ lệ tiết kiệm và kéo dài thời gian tích góp.

3 - Không nên “đợi dư dả mới tiết kiệm”

Nếu đang không có nợ, bạn nên tiết kiệm càng sớm càng tốt, phải bỏ ngay tư duy “đợi lương cao, đợi dư dả rồi tiết kiệm”.

Vì “lương cao” hay “dư dả” đều là những khái niệm quá chung chung, rất khó nắm bắt và cũng không tạo cho bạn động lực tích lũy. Chưa kể, cũng không có gì đảm bảo thu nhập tăng mà mức chi tiêu không tăng. Lương chưa cao thì tiết kiệm ít, từng chút, từng chút một. Trước tiên là để hình thành thói quen tiết kiệm, rồi sau đó mới bàn tới con số.

Yếu tố quan trọng nhất, quyết định bạn có tiết kiệm thành công hay không, chính là tính bền bỉ. Mỗi ngày tiết kiệm 30k mà duy trì được liên tục trong 365 ngày vẫn tốt hơn là hôm nay tiết kiệm hẳn 500k, rồi mai thấy oải quá nên “tiêu bù” và chẳng thèm tiết kiệm nữa.

 

Theo Ngọc Linh

Phụ nữ số

Trở lên trên