Sắp thêm nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động mất việc
Trước bối cảnh doanh nghiệp (DN) khó khăn phải thu hẹp sản xuất, số lao động (LĐ) bị ảnh hưởng về việc làm, mất việc gia tăng, đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định an sinh xã hội. Bên cạnh đó, LĐ mất việc làm tăng có thể kéo theo số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần cũng tăng. Dự kiến, thời gian tới, một số chính sách hỗ trợ LĐ mất việc sẽ được ban hành.
- 07-06-2023Căng thẳng tình trạng lao động mất việc làm
- 06-06-2023Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 506.000 người lao động mất việc, giãn việc, thiếu việc
- 05-06-2023Lao động mất việc, giảm giờ làm vẫn sẽ tăng
Một số bộ, ngành vừa nhận được Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới... do Bộ KH&ĐT gửi lấy ý kiến. Về an sinh xã hội, theo dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất một số chính sách hỗ trợ người LĐ, người sử dụng LĐ. Các chính sách hỗ trợ có thể tương tự như (Nghị quyết 68 và 126 năm 2021 của Chính phủ) hỗ trợ người LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng BHXH, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ cho người sử dụng LĐ vay trả lương ngừng việc... Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Thủ tướng để trình cấp thẩm quyền quyết định trong tháng 7/2023.
Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2022, người LĐ, người sử dụng LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chi hỗ trợ hơn 47,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi trực tiếp bằng tiền hơn 31,8 nghìn tỷ đồng từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho trên 13,3 triệu lượt người LĐ; giảm đóng quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hỗ trợ đào tạo nghề hơn 15,4 nghìn tỷ đồng. Tới hết năm 2021, sau khi đã chi hỗ trợ như trên, quỹ BHTN vẫn kết dư hơn 55,7 nghìn tỷ đồng.
Về khả năng sử dụng các quỹ BHXH, BHTN tiếp tục hỗ trợ người LĐ, DN đang khó khăn, ông Nguyễn Thế Mạnh-Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành theo thẩm quyền đề xuất giải pháp hỗ trợ, trong đó có chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Khi có, chính sách cụ thể sẽ đánh giá tác động lên sự ổn định, khả năng cân đối của các quỹ BHXH. “Tinh thần là hỗ trợ được người LĐ và người sử dụng LĐ trong lúc khó khăn, vẫn đảm bảo cân đối các quỹ và theo quy định”, ông Mạnh nói.
Về gói 6,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính tới tháng 4/2023, ngân sách trung ương đã chuyển hơn 4.264 tỷ đồng cho các địa phương để hỗ trợ. Như vậy, gói hỗ trợ còn dư khoảng 2.800 tỷ đồng. Bộ Tài chính đề xuất cơ quan chức năng cho phép thực hiện tiếp chính sách này trong năm 2023, nguồn hỗ trợ từ số tiền còn dư nói trên.
Tháng 4 vừa qua, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) đã tiến hành khảo sát thị trường LĐ, việc làm và đề xuất giải pháp hỗ trợ. Kết quả khảo sát cho thấy, thị trường LĐ đang bị ảnh hưởng nặng nề, bởi những biến động kinh tế gần đây. Trong số hơn 8.300 người LĐ tham gia khảo sát, có 31% mất việc làm. LĐ thất nghiệp chủ yếu ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng. Lý do mất việc chủ yếu là DN dừng hoạt động, thiếu đơn hàng nên phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân công. Về phía DN, có tới 71% số DN được hỏi đã có kế hoạch giảm quy mô LĐ từ 5% trở lên trong nửa cuối năm 2023, chỉ 4% số DN dự kiến mở rộng hoạt động. Từ kết quả trên, Ban IV đã khảo sát đánh giá nguy cơ LĐ mất việc còn tăng, trong khi cơ hội việc làm mới không nhiều. Do mất việc làm và thu nhập, người LĐ có xu hướng rút BHXH một lần.
Trong báo cáo chất vấn vừa gửi Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng thông tin, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn những tháng gần đây kéo theo vấn đề về LĐ, việc làm. Cụ thể, đã có hơn 8.600 DN gặp khó trong hoạt động phải cắt giảm LĐ, hơn một nửa số DN này đặt ở khu vực Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM...), đa số trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… Từ đó kéo theo hơn 509.000 LĐ bị ảnh hưởng về việc làm, trong đó có hơn 279.400 người bị mất việc (chiếm gần 55% số LĐ bị ảnh hưởng); số LĐ còn lại bị giảm giờ làm, ngừng hoặc nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng. Nguyên nhân chính khiến DN gặp khó khăn đến từ việc không có đơn hàng xuất khẩu.
Cho cầm sổ BHXH vay vốn
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Chính phủ sớm có các giải pháp hỗ trợ DN nhằm duy trì và phục hồi sản xuất; có thể ưu tiên các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí với thời gian kéo dài hơn; hỗ trợ tín dụng và lãi suất; có gói vay ưu đãi cho DN để trả lương cho người LĐ; giảm thanh kiểm tra DN... Đặc biệt, ban này đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép người LĐ sử dụng sổ BHXH để vay tiêu dùng ngắn hạn, vay từ quỹ BHXH; hoặc dùng sổ BHXH để thế chấp vay tín dụng, hy vọng việc này sẽ thay cho việc rút BHXH một lần.
Về khả năng sử dụng sổ và tiền đã đóng BHXH để làm tài sản đảm bảo vay vốn khi LĐ mất việc, trả lời PV Tiền Phong trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, đây là đề xuất hay. Tuy nhiên, muốn thực hiện được, cần sửa đổi các luật khác, phải để việc xác lập sổ BHXH như một loại tài sản đảm bảo mới có thể sử dụng trong vay tín dụng, nên cần nghiên cứu thêm.
Về thị trường LĐ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng xác định, trong thời gian tới, sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của DN, việc làm của người LĐ, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng nhiều LĐ.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước đã có hơn 393.300 người LĐ mất việc nộp hồ sơ hưởng BHTN (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có hơn 337.400 người được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tiền phong