Sập trường mầm non ở Mỹ Đình: Có thể xử lý hình sự
Luật sư cho rằng nếu xác định được lỗi trong quá trình thi công dẫn đến việc sập công trình thì người trực tiếp chỉ đạo việc thi công có thể bị xử lý hình sự.
- 26-09-2017"Lộ" lí do vụ sập Trường Mầm non Vườn Xanh
- 25-09-2017Ảnh: Hiện trường đổ nát vụ sập trường mầm non đang thi công ở Mỹ Đình
Liên quan đến vụ sập trường mầm non đang thi công ở Mỹ Đình , sáng 26/9, trả lời PV VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là sự cố rất đáng tiếc về trật tự xây dựng dù không gây thiệt hại về người mà chỉ thiệt hại về tài sản.
Video: Sập trường mầm non đang thi công ở Mỹ Đình
May mắn, tai nạn xảy ra trong khi trường mầm non này vẫn đang trong quá trình thi công, nếu vụ việc xảy ra khi trường đã xây xong và đi vào sử dụng thì thì hậu quả sẽ khôn lường. Đây cũng là cảnh báo trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng.
Theo luật sư Thơm, để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra cần phải xem xét các nguyên nhân dẫn đế sự cố sập trường học để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Thơm cho rằng các cơ quan chuyên môn phải xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ sập công trình, thiệt hại ra sao, khâu nào trong quá trình thi công xảy ra sai sót để làm căn cứ xử lý tương ứng.
Ngày 25/9, ông Chu Văn Đức – Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng (TTXD) quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã ký văn bản báo cáo “Hiện trạng thi công công trình và sự cố sụp đổ tại dự án trường mầm non Vườn Xanh”, gửi Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, và UBND quận Nam Từ Liêm.
Theo báo cáo, nguyên nhân sơ bộ khiến công trình trường mầm non Vườn Xanh sụp đổ vào rạng sáng 25/9 là do phần chất tải đổ sàn tầng 3 tác động vào kết cấu giàn giáo không đủ khả năng chịu lực dẫn đến sàn tầng 3 và sàn tầng 2 bị sụp đổ.
"Nếu xác định được lỗi trong quá trình thi công mà dẫn đến việc sập công trình thì người trực tiếp chỉ đạo việc thi công đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về xây dựng được quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự", luật sư Thơm phân tích.
Ông Thơm cũng nhấn mạnh: "Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thi công và bồi thường toàn bộ chi phí về thiệt hại do người của pháp nhân gây ra theo quy định tại bộ luật dân sự”.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trong thi công, thiết kế, khảo sát đang là vấn đề nổi cộm.
Đáng nói, yếu tố con người lại là nguyên nhân chính khiến rất nhiều công trình đang thi công hoặc đã thi công bị sập.
Vào tháng 8/2016, vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về “Vi phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Do vậy, việc xử lý nghiêm đối với những công trình sai phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng là rất cần thiết để răn đe, phòng ngừa. Việc xử lý nghiêm sẽ cảnh báo chung cho tất cả các đơn vị đang thực hiện các công trình.
Video: Sập sàn phòng học, 10 học sinh lớp 6 nhập viện ở Lâm Đồng
Trước đó, ngày 22/8, Đội TTXD quận Nam Từ Liêm chủ trì phối hợp với phường Mỹ Đình 1, tổ chức kiểm tra phát hiện chủ đầu tư công trình xây dựng trường mầm non này đã thi công xong móng, vách phần ngầm, đang ghép cốp pha tầng 1 và chưa đổ mái.
Ảnh: Hiện trường đổ nát vụ sập trường mầm non đang thi công ở Mỹ Đình
Diện tích mặt bằng móng phù hợp với bản thiết kế đã được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Diện tích một phần tầng 1 đang ghép cốp pha phù hợp với bản vẽ thiết kế (tuy nhiên chủ đầu tư bổ sung thêm 1 cột từ tầng hầm lên tầng 1).
Chiều cao các phần tầng hầm và tầng 1 đã thi công phù hợp với bản vẽ thiết kế. Đội đã yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu thi công khắc phục cầu rửa xem biển báo an toàn lao động, màn che công trường.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy các đơn vị tham gia thực hiện dự án có thiếu sót một số hợp đồng cần thiết.
Phía nhà thầu thi công là Công ty TNHH thương mại Trần Vũ, nhà thầu chưa cung cấp được Quyết định thành lập ban an toàn lao động; Hồ sơ năng lực của các thành viên; Hợp đồng bảo hiểm theo quy định.
Kết luận biên bản kiểm tra yêu cầu chủ đầu ngừng thi công xây dựng, hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật và có báo cáo về Đội TTXD quận trước ngày 29/8.
Đến ngày 29/8, sau khi chủ đầu tư giải trình và xuất trình các hồ sơ còn thiếu, Đội TTXD quận Nam Từ Liêm đã ban hành thông báo kết luận và giao Tổ TTXD địa bàn phường Mỹ Đình 1, kiểm tra giám sát các hoạt động xây dựng. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng sau đó, vụ sập khủng khiếp đã xảy ra.
Theo quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 hoặc Điều 281 của Bộ luật này, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
VTC News