MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khó khăn nhìn từ Thái Nguyên

22-09-2018 - 08:13 AM | Xã hội

Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên giảm hơn 700 biên chế, trong đó đa số là nghỉ hưu, hầu như không có người nghỉ việc vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động; đến từng tổ chức bộ máy ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn và trong nội bộ mỗi cơ quan, ban, ngành. Tuy nhiên, chủ trương này đã thật sự đi vào cuộc sống hay vẫn phải đợi? Sau khi sắp xếp, bộ máy hoạt động thế nào cho có hiệu quả ? Việc tinh giản liệu có đúng đối tượng, đúng yêu cầu? Những khó khăn mà tỉnh Thái Nguyên gặp phải, chắc cũng không là ngoại lệ đối với các địa phương khác.

Kế hoạch giảm 4 Phó giám đốc sở và 47 phòng: Chưa triển khai được vì chờ Nghị định

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Đề án 09, UBND tỉnh đã bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương cũng như Tỉnh ủy để ban hành Kế hoạch số 38 ngày 30/3/2018 tổ chức triển khai thực hiện.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khó khăn nhìn từ Thái Nguyên - Ảnh 1.
Ông Trần Dương Thịnh – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên.

Theo ông Trần Dương Thịnh – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, đến nay, 20/20 cơ quan thuộc UBND tỉnh đã xây dựng xong Đề án sắp xếp tổ chức bên trong của cơ quan mình theo quy định của Đề án 09. Dự kiến, khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại, số Phó giám đốc Sở sẽ giảm 4 người, giảm 47 phòng, số Chi cục và tương đương giảm 6.

Tuy nhiên, kế hoạch đã có nhưng chưa thể triển khai được vì các văn bản pháp quy ở cấp trên chưa ban hành đầy đủ, đặc biệt là hệ thống các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện mà cụ thể Nghị định thay thế Nghị định 24 và 37 vẫn chưa được ban hành nên địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai.

“Nghị quyết 18 của Trung ương đặt ra yêu cầu tinh gọn theo nguyên tắc quy định số biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó cho từng tổ chức, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên về cơ bản tỉnh vẫn đang chờ” – ông Thịnh nói.

Đối với các ban tham mưu của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến ngày 30/8/2018, tỉnh đã thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.

Hiện nay, địa phương này cũng đã hợp nhất hai chức danh: Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tỉnh (từ ngày 15/1/2018); chuyển chức năng tham mưu công tác dân tộc, tôn giáo về Mặt trận Tổ quốc. 7/9 huyện trên toàn tỉnh đã tiến hành hợp nhất 2 chức danh Trưởng Ban dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. 8/9 đơn vị cấp huyện triển khai thực hiện Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, còn 1 đơn vị dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2018.

Theo Đề án số 09, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Thái Nguyên sẽ thực hiện Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã, thực hiện ít nhất từ 20 xã trở lên. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 7/180 xã, phường, thị trấn Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Đã có 4/20 Trung tâm y tế cấp huyện sáp nhập vào Bệnh viện đa khoa huyện hạng III.

Sáp nhập thế nào để không là “cơ học”?         

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên cũng thừa nhận, việc hợp nhất 2 chức danh đối với các tổ chức, đơn vị trên thực chất mới chỉ dừng lại ở việc sáp nhập cơ học, giảm 1 người đứng đầu do đến tuổi nghỉ hưu hoặc vận động để cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, còn lại bộ máy bên trong, trụ sở 2 cơ quan vẫn giữ nguyên.

“Về cơ bản mới chỉ là sáp nhập cơ học, nhưng cốt lõi phải cải tiến bên trong, đánh giá hiệu lực, hiệu quả thì mới đáp ứng được yêu cầu. Trung ương chưa đưa ra các thể chế, chủ trương cụ thể để đánh giá hiệu lực, hiệu quả nên tâm lý ở địa phương vẫn đang còn lúng túng và mới chỉ dừng lại ở sáp nhập cơ học” – ông Thịnh nói và cho biết, hiện nay đang có tình trạng thừa cấp phó khi tiến hành sáp nhập cơ quan Đảng, tổ chức chính trị cấp huyện, tỉnh, song số này tạm thời giữ nguyên trong vòng 3 năm và sẽ giảm theo quy định.

Để khắc phục được tình trạng sáp nhập cơ học, theo ông Thịnh, nếu một vài tập thể, một vài địa phương làm thì sẽ rất khó vì ràng buộc bởi cả một thể chế chung. Ví dụ, nhiều công việc có thể giao khoán hoặc sử dụng hợp đồng nhưng quy chế chung vẫn bắt buộc phải có biên chế viên chức.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khó khăn nhìn từ Thái Nguyên - Ảnh 2.
Ông Phạm Hoàng Sơn- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên . Ảnh: Daidoanket

Những trăn trở của Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên cũng được ông Phạm Hoàng Sơn- Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên chia sẻ. Hơn 8 tháng sau khi đảm nhận chức vụ, ông Phạm Hoàng Sơn cho biết: Về cơ bản thì công việc diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, trụ sở 2 cơ quan vẫn riêng rẽ. Vì vậy, cả hai cơ quan vẫn phải duy trì kế toán, lái xe, văn thư… Còn lãnh đạo cấp trưởng sẽ làm việc bên luân phiên, 3 ngày ở Ban Dân vận và 2 ngày ở Mặt trận tổ quốc. Lịch họp ở cấp địa phương cũng như Trung ương của ông Phạm Hoàng Sơn cũng vì thế mà tất bật hơn trước.

Giảm hơn 700 biên chế: Chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu

Về tinh giản biên chế, năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã giảm hơn 700 người (gồm cả biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp), trong đó đa số là nghỉ hưu, còn lại là chuyển công tác và rất ít trong số đó nghỉ việc vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Bản chất của tinh giản biên chế là đưa những người không làm được việc ra khỏi bộ máy. Tuy nhiên, giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên phân trần: “Việc chỉ rõ người nào làm việc không đáp ứng được yêu cầu là vấn đề không đơn giản. Người Việt vốn hay nể nang, dĩ hòa vi quý. Bên cạnh đó, cơ quan này siết chặt việc đánh giá cán bộ, nhân viên, trong khi cơ quan khác trên cùng địa bàn lại rất lỏng lẻo trong vấn đề này, dẫn đến tình trạng nhìn nhau”.

Với câu hỏi “Bản thân ông có dám đặt bút để phê một cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hay không?”, ông Thịnh chỉ cười vì “rất khó trả lời”.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khó khăn nhìn từ Thái Nguyên - Ảnh 3.
Ông Cao Việt Hùng -Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Đại Từ.

Tại huyện Đại Từ - cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 30 km, khi trao đổi về việc tinh giản biên chế, ông Cao Việt Hùng, Trưởng Ban tổ chức huyện ủy lấy một ví dụ rất cụ thể. Ở địa phương này, có trường hợp làm việc không hiệu quả, lãnh đạo đơn vị rất muốn tinh giản nhưng cấp trên không thể giải quyết được vì trong 3 năm gần nhất, vị cán bộ này luôn “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Chiểu theo quy định thì trường hợp này rất khó tinh giản.

Huyện Đại Từ có 172 biên chế. Mục tiêu đến năm 2021 sẽ giảm 10%, tức là 17 người. Hiện tại, huyện đã giảm được 4 cán bộ ( 2 cán bộ Mặt trận tổ quốc, 1 cán bộ hội phụ nữ, 1 cán bộ hội nông dân) nhưng chủ yếu là cán bộ đến tuổi nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu.

“Vậy, sắp tới, có cán bộ nào thuộc diện tinh giản do không hoàn thành nhiệm vụ?”, ông Sơn lắc đầu và nói “việc này rất khó”./

Theo Hương Giang - Kim Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên