Sau 2 thương vụ 'lướt sóng' nghìn tỷ, Golf Long Thành tiếp tục xin dự án khủng ở Đắk Lắk
Năng lượng tái tạo đã và đang trở thành một mảng kinh doanh quan trọng của Golf Long Thành, bên cạnh đại dự án bất động sản đang triển khai là KN Paradise Cam Ranh.
UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 25/9/2020 đã có Công văn số 8675/UBND-CN gửi Bộ Công thương đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời tấm nổi KN Sêrêpốk 3 vào Quy hoạch điện VII. Đây là dự án điện mặt trời tấm nổi đầu tiên tại Đắk Lắk được đề xuất đưa vào quy hoạch.
Dự án Nhà máy điện mặt trời tấm nổi KN Sêrêpốk 3 do CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành làm chủ đầu tư, được thực hiện trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), công suất 380 MWp.
Nhà máy dự kiến sử dụng công nghệ pin quang điện silic đa tinh thể, sản lượng điện dự kiến 621 kWh/năm, tổng mức đầu tư 6.226 tỷ đồng, diện tích mặt nước bố trí tấm pin 297,3 ha.
Giai đoạn 1 của dự án có công suất 60 MWp, sử dụng 52,3 ha mặt nước, dự kiến đi vào hoạt động năm 2021; giai đoạn 2 công suất 320 MWp, sử dụng 245 ha mặt nước, thực hiện giai đoạn sau năm 2021.
Như Nhadautu.vn từng đề cập , Golf Long Thành được vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung sáng lập năm 2005, tới nay trở thành tập đoàn gia đình hàng đầu Việt Nam, kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, sân golf, khai khoáng, và vài năm trở lại là năng lượng tái tạo, với việc thành lập một loạt công ty thành viên trong mảng này như Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Điện mặt trời KN Vạn Ninh (vốn 500 tỷ đồng) cùng 2 công ty liên kết là CTCP Cam Lâm Solar (vốn 280 tỷ đồng) và CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm (vốn 222 tỷ đồng).
Trong đó, Cam Lâm Solar và KN Cam Lâm lần lượt là chủ đầu tư dự án điện mặt trời KN Cam Lâm và Cam Lâm BN tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
Bộ đôi dự án có tổng công suất 100MW, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, đã chính thức đóng điện vào ngày 25/6/2019, kịp hưởng giá mua ưu đãi 9,35 UScents/kWh của Chính phủ.
Nhờ vậy, dù chỉ hoạt động trong nửa cuối năm 2019, song KN Cam Lâm và Cam Lâm VN là hai dự án có hiệu quả khá cao, với doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 80 tỷ đồng, 46,4 tỷ đồng và 76 tỷ đồng, 42,1 tỷ đồng trong năm vừa qua. Tuy nhiên, chi phí tài chính và khấu hao khiến lãi sau thuế chỉ ở mức 8,4 tỷ đồng và 6,7 tỷ đồng. Dù vậy, bởi thời hạn áp dụng giá mua ưu đãi lên tới 20 năm, bộ đôi dự án này, một khi hết khấu hao và trả hết nợ vay, hứa hẹn sẽ là "cỗ máy in tiền" cho các cổ đông.
Ở một diễn biến đáng chú ý, dù được giới thiệu thuộc sở hữu của tập đoàn Golf Long Thành hay KN Investment, song ít người biết rằng hai dự án năng lượng tái tạo đầu tay của đại gia Lê Văn Kiểm đã âm thầm đổi chủ.
Cụ thể, CTCP Cam Lâm Solar được thành lập tháng 7/2017, với các cổ đông Lê Văn Kiểm (79,71%), Golf Long Thành (19,93%) và bà Lê Nữ Thuỳ Dương - con gái ông Kiểm (0,36%). Còn với CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm là ông Lê Văn Kiểm (70%), Golf Long Thành (20%) và bà Lê Nữ Thuỳ Dương (10%).
Tuy nhiên vào đầu năm 2019, Hanwha Energy Corporation Singapore - một thành viên của tập đoàn Hanwha đã mua 70% cổ phần trong cả hai doanh nghiệp dự án, trong khi nhóm cổ đông Lê Văn Kiểm giữ 30% còn lại. Trung tuần tháng 5/2019, tức là 1 tháng trước khi các dự án vận hành thương mại, ông Lee Jonghyeok (quốc tịch Hàn Quốc) trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật của cả hai doanh nghiệp dự án, trong khi bà Lê Nữ Thuỳ Dương là Tổng giám đốc.
Trong bối cảnh đang dồn mọi nguồn lực để triển khai siêu dự án KN Paradise Cam Ranh , không quá bất ngờ khi ông Lê Văn Kiểm bán đi hai dự án năng lượng cho tập đoàn Hàn Quốc. Vậy thì toan tính của vị đại gia gốc Huế ở dự án điện mặt trời nổi hơn 6.000 tỷ ở Đắk Lắk là gì? Biết thêm rằng điện mặt trời nổi đang được mua ưu đãi với giá 7,69 UScents/kWh. Golf Long Thành thời gian qua cũng đã thành lập 2 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này là Công ty TNHH KN Floating Suối Dầu và KN Floating Cam Thượng, đều ở Cam Ranh, Khánh Hoà.
Nhà đầu tư